ClockThứ Sáu, 04/09/2015 07:25

Biển cấm đường Trịnh Công Sơn phản tác dụng

TTH.VN - Nhiều du khách không khỏi ngao ngán bởi những biển báo "cấm... mà không cấm" đã được lắp đặt phía 2 đầu tuyến đường Trịnh Công Sơn (phường Phú Cát, TP Huế).

Bất cập

 
Biển báo tuyến đường dành cho người đi bộ ở đầu đường Trịnh Công Sơn
 
“Không hiểu họ lắp đặt biển báo “Đường cấm” chỉ để… “cho vui”, hay để… “hù” những du khách lạ. Phương tiện cứ chạy rầm rập ra vào đường cấm mà không thấy lực lượng chức năng xử phạt. Nếu để cho phương tiện lưu thông thì tại sao không tháo biển cấm đi. Hàng loạt phương tiện cứ vô tư “nhờn luật” trên con đường mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thế là rất phản cảm ”, anh Huân- một người dân sinh sống ở trên tuyến đường này bức xúc nói.
 
Cũng theo anh Huân, rất nhiều người bạn của anh từ TP Hồ Chí Minh ra Huế cũng ngao ngán trước việc các biển báo được ngành chức năng lắp đặt phía 2 đầu tuyến đường Trịnh Công Sơn: “Đường cấm” phương tiện – “Tuyến đường cho người đi bộ”, nhưng xe máy, ô tô thì cứ chạy rầm rập…
 
Được biết, năm 2011, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương (dài 600m, từ cầu Gia Hội đến giáp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc phường Phú Cát, TP Huế). Ngày 18/11/2013, UBND TP Huế cũng đã có văn bản số 2868/UBND-XD về việc thống nhất quy mô và tổng mức đầu tư lắp đặt biển báo, rào chắn đường đi bộ Trịnh Công Sơn. 
 
Theo đó, UBND TP Huế thống nhất quy mô đầu tư dự án, gồm: Lắp đặt biển báo đường cấm (số hiệu 101) và biển “STOP” (số hiệu 122), kèm theo biển phụ khoảng cách đến đường cấm (70m và 15m), biển chỉ dẫn “Tuyến đường đi bộ”, “Quy định xử phạt”, “Điểm đỗ xe” tại 2 đầu đường Trịnh Công Sơn (phía cầu Gia Hội và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm); cột, biển báo sơn phản quang…
 
Xe cộ vô tư chạy trên đường Trịnh Công Sơn
 
 Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngay phía 2 đầu vào tuyến đường Trịnh Công Sơn đều có tấm biển báo “Đường cấm” (biển báo số hiệu 101). Ngay phía dưới biển báo “Đường cấm” nói trên là tấm “biển phụ”: Tuyến đường cho người đi bộ. Cùng với đó là biển phụ báo hiệu khoảng cách đến đường cấm (90m từ cầu Gia Hội rẽ vào đường Trịnh Công Sơn) và 1m (từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rẽ vào đường Trịnh Công Sơn).
 
Từ cầu Gia Hội, sau khi qua khỏi biển báo “Đường cấm” cùng biển phụ “Tuyến đường cho người đi bộ”… vài mét, phía bên phải là khu vực có hàng loạt xe ô tô đang đậu đỗ. Cách biển báo “Đường cấm” và biển phụ “Tuyến đường cho người đi bộ” từ cầu Gia Hội vào khoảng 90m tiếp tục có thêm một biển báo “Đường cấm” (biển báo số hiệu 101) và biển phụ là “Quy định xử phạt vi phạm”, ghi rõ mức phạt đi vào đường cấm: Đối với ô tô: 800.000 – 1.200.000 đồng, tước GPLX 30 ngày; đối với mô tô 200.000 – 400.000 đồng, tước GPLX 30 ngày... 
 
Tuy nhiên, không chỉ xe máy chạy rầm rập ra vào tuyến đường Trịnh Công Sơn, mà ngay cả các xe ô tô cũng vô tư ra vào “Đường cấm” tất cả các loại phương tiện (cơ giới và thô sơ) – “Tuyến đường cho người đi bộ” này. Còn lực lượng chức năng thì… vắng bóng.
 
Nên trả lại chức năng ban đầu
 
Trên chiều dài 600m đường Trịnh Công Sơn (điểm đầu từ cầu Gia Hội rẽ vào và điểm cuối giáp tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) có khoảng 5 điểm khi tuyến đường xây dựng được "khoét" vào để làm nơi cho các phương tiện dừng đỗ. Từ cầu Gia Hội rẽ vào tuyến đường Trịnh Công Sơn, cách hệ thống biển báo thứ 2 nói trên chừng 100m có tấm biển báo chữ “P” cùng biển phụ phía dưới là “Nơi đỗ xe”. Ngay mép chữ “P” nói trên, hàng loạt lều bạt đã được dựng sẵn để làm nơi giữ xe cho các “thượng đế” vào… quán nhậu.
 
Có ý kiến cho rằng: Không nên vì cấm thực khách về ăn nhậu ở các quán trên đường Trịnh Công Sơn mà phải đặt biển cấm
 
Cũng từ nơi có chữ “P” này bắt đầu xuất hiện hàng loạt quán nhậu. Một số nhân viên các quán đứng bên đường vẫy tay mời gọi khách qua đường vào quán. Còn phía mép sông Hương chạy dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn là hàng loạt thuyền rồng đang neo đậu chờ khách... Trong khi đó, không chỉ hàng loạt xe máy, ô tô con đậu đỗ trên đường Trịnh Công Sơn. Xe máy vào ra tấp nập, thậm chí xe máy kéo theo “rơ-moóc”, xe taxi… cũng ung dung chạy ra, vào trên tuyến đường Trịnh Công Sơn: “Đường cấm” phương tiện- “Tuyến đường cho người đi bộ”.
 
“Cứ chạy thoải mái. Biển báo cấm… cho có, chứ có thấy ai phạt đâu. Rất nhiều người lạ tới đây thấy biển báo “Đường cấm” cũng lui xe chứ không dám chạy vào”, những người dân đầu cầu Gia Hội - đường Trịnh Công Sơn “động viên” chúng tôi chạy xe máy vào đường Trịnh Công Sơn khi thấy chúng tôi dừng xe lại trước biển báo, đồng thời cho biết: “Việc lắp đặt “Tuyến đường cho người đi bộ” và biển cấm phương tiện ra vào đường Trịnh Công Sơn bị người dân sinh sống trên tuyến đường Trịnh Công Sơn phản đối. Sau khi được lắp đặt, các biển báo “Đường cấm” phía 2 đầu đường Trịnh Công Sơn chẳng khác nào để… hù khách lạ, chứ không chỉ xe máy mà xe con, xe taxi, xe tải nhỏ… vẫn cứ chạy ra vào bình thường” (!).
 
Nên tháo hệ thống biển báo cấm trên đường Trịnh Công Sơn khi nó không có tác dụng
 
 
Theo tìm hiểu, được biết trước đây do tuyến đường này xuất hiện nhiều quán nhậu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị nên lãnh đạo TP Huế đề xuất cơ quan quản lý giao thông cấm các phương tiện vào đây. Nhưng phần lớn mọi người khi được hỏi cho rằng đây là một việc làm thất bại, do đường này phục vụ giao thông cho nhiều người ở phía Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu… nên không thể cấm và dành cho người đi bộ. Đồng thời cho rằng nên trả lại chức năng ban đầu và sớm dỡ bỏ những biển báo trên. 
 
Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Huế khẳng định, khi đã có biển cấm và quy định đường dành cho người đi bộ thì tất cả các loại phương tiện không được đi vào đây, nếu đi vào là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Để ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện vào tuyến đường này, Đội Cảnh sát giao thông và Đội trật tự Công an TP Huế thường xuyên triển khai lực lượng xử lý. Tuy nhiên, trước mắt tuyến đường này cần phải gắn trách nhiệm của chính quyền sở tại (phường Phú Cát) trong việc lập đội trật tự để xử lý triệt để. Còn về lâu dài nên xem xét tháo dỡ hệ thống biển báo trên, để xe cộ tự do lưu thông.
Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top