ClockThứ Tư, 19/06/2019 05:45

Biến đất thành “vàng”

TTH - Chồng là cử nhân ngành Bảo vệ thực vật, vợ cũng tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn. Đôi vợ chồng trẻ tại thôn Bác Vọng Tây (Quảng Phú, Quảng Điền) đã biến đất thành "vàng".

Mỗi tấc đất, một tấc vàng...Triển khai pháp luật về đất đai và môi trường trong hợp tác xã

Bạt nilon giúp hạn chế cỏ, tăng độ ẩm cho đất

Thi thố

Vào Nam lập nghiệp, chị Hoàng Thị Hà và anh Trần Minh Ích may mắn làm chung công ty. Sau đó hai vợ chồng ra riêng, quyết tâm thành lập công ty nhỏ chuyên phân phối hạt giống, tư vấn chăm sóc cây trồng cho bà con. Đây là thời gian tạo nền tảng cho hai cử nhân.

“Nói là tư vấn, song chính mình đã học hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm trồng trọt của bà con nông dân Nam Bộ. Phương thức canh tác mới, những sự cố, khó khăn mình đều thu thập hết”, chị Hà cho biết.

Sau khi mang thai, chị về quê ngoại, một mình anh Ích chống chọi với sóng gió thương trường. Ở quê, người vợ thương chồng cũng góp công sức bằng việc trồng và thu hoạch hạt giống bí. Người phụ nữ có gương mặt rắn rỏi cười tươi nhớ lại: “Từ lúc trồng bí giống, vợ chồng mình đã khác thường trong mắt mọi người. Bí giống bố mẹ được trồng biệt lập. Bí mẹ bò đất, bí bố leo giàn. Quả nào không đạt chuẩn mình cắt bỏ hết, nhiều lúc cả thúng bí non. Bà con chòm xóm cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên”.

Tự chủ động giống là nguồn động lực to lớn thúc đẩy công ty ăn nên làm ra, nào ngờ sóng gió thương trường đã cuốn đi bao công sức, dự định của đôi vợ chồng trẻ. Vốn liếng mất trắng, họ quyết định về quê hương. Cần chi đi đâu xa xôi, ngay quê hương mình sẽ là nơi thử thách lớn nhất.

Về quê, anh chị quyết tâm vực dậy mảnh đất cằn cỗi. Thuê 4.000m2 đất lúc ấy (giai đoạn 2015) được xem là thách thức lớn đối với cả những nhà nông gạo cội. Nhiều người lắc đầu, vì quanh năm khoai sắn, bỏ biết bao mồ hôi mà thu nhập chẳng là bao. Giờ “bọn trẻ” nó thuê những chừng ấy đất, lấy đâu ra tiền trả trong khi giá thuê hơn 8 triệu đồng/năm.

Mồ hôi "đơm bông" 

Thế mà chị Hà và chồng lại làm được, và lại làm rất thành công…Đầu tiên, đôi vợ chồng trẻ lập giàn trồng cây thân leo. Dưa leo, bầu, bí đao, mướp đắng, những chồi non bắt đầu xuất hiện trên vùng đất này. Vào thời điểm đó, cách trồng cây leo của chị rất mới. Không thuần túy 100% bằng tre, chưa từng xuất hiện ở vùng đất Quảng Phú, đó là giàn lưới mắt cáo.

Chị cho biết: “Giàn tre vừa mất công vừa nặng, lại nhanh hư hỏng. Từ giàn lưới, mình chỉ cần trồng, thu hoạch. Cách làm giàn này vừa thảnh thơi vừa đỡ mất công đẽo chặt”.

Đến ruộng dưa, một lần nữa đôi vợ chồng trẻ lại khiến bao nông dân tại đây ngạc nhiên. Toàn bộ 6 sào dưa được anh chị canh tác theo phương pháp mới. “Chất đất, độ ẩm này cỏ mọc rất nhiều. Nếu không sử dụng bạt thì với 3.000m2 dưa hấu, hai nhân công nhổ cỏ cũng không kịp. Vừa đỡ cỏ, bạt nilon còn giúp giữ ẩm, vì thế tiết kiệm được nguồn nước, thời gian tưới”, anh Ích phân tích.

Áp dụng khoa học kỹ thuật, vựa dưa của anh chị năm nào cũng thắng lớn. Chỉ riêng năm nay, với giá bán sỉ 12 nghìn đồng/kg, từ đầu vụ đến giờ đôi vợ chồng cử nhân đã lãi hơn 40 triệu đồng.

Từ những nghi ngại ban đầu, đến nay, không riêng gì bà con thôn Bác Vọng Tây, nhiều hộ đã học hỏi cách làm hiệu quả của đôi vợ chồng trẻ. Hiện nay, chẳng hộ dân nào bỏ công sức chặt tre làm giàn nữa, chỉ cần ra chợ, loại lưới mắt cáo đã được bán vô số (trong khi trước đó, chị Hà và anh Ích phải tìm rất lâu mới “phát hiện” ra nơi bán loại lưới này).

Không ngừng vươn lên, anh chị tiếp tục mở cửa hàng kinh doanh các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó đáng chú ý nhất là hạt giống F1 các loại, bạt phủ nilon và bẫy sinh học giúp hạn chế côn trùng…

Trồng trọt khoa học, chăn nuôi cũng rất “mát tay”, gia đình chị hiện nay đang sở hữu 21 con bò thịt. Tuy vậy, người phụ nữ sinh năm 1989 vẫn mang những trăn trở rất lớn: “Cái quan trọng nhất khi mình làm ra sản phẩm là thị trường tiêu thụ. Nếu làm ra không ai mua thì canh tác giỏi đến bao nhiêu, áp dụng khoa học kỹ thuật đến mức nào cũng trở thành công cốc”.

Bà Văn Thị Lời, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế của chị Hoàng Thị Hà rất mới tại địa phương. Chúng tôi luôn đồng hành, động viên tinh thần và hỗ trợ để chị vay vốn, mở rộng mô hình sản xuất cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm”.

Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tạo điều kiện tối đa để từ mô hình này, các chị em phụ nữ tại Quảng Phú sẽ thay đổi quan niệm làm nông, từ đó nhân rộng phương thức canh tác một cách khoa học. Chỉ cần tạo được thương hiệu, việc phát triển kinh tế bền vững ở Quảng Phú không còn xa vời nữa.

Những luống dưa mới đang đâm chồi trên mảnh đất vốn chỉ quen hơi khoai, sắn. Hàng ngày, đôi vợ chồng cử nhân vẫn tưới những giọt mồ hôi để biến đất thành "vàng"....

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia:
Tháo gỡ “nút thắt” về cơ sở pháp lý

Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quy hoạch này, “nút thắt” về cơ sở pháp lý để xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia (ĐHQG) sẽ được tháo gỡ.

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ sở pháp lý
Sôi động thị trường vàng trước ngày vía Thần Tài

Khác với mọi năm, người dân thường đợi đến ngày vía Thần Tài ( mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) mới “xuống tiền” mua sắm vàng để cầu may mắn, thì năm nay, nhiều người lựa chọn mua vàng từ sớm. Điều này tạo nên không khí nhộn nhịp ở các cửa hàng vàng sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Sôi động thị trường vàng trước ngày vía Thần Tài
Return to top