Thế giới

Biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh của Australia

ClockThứ Tư, 23/03/2022 17:43
TTH.VN - Trong một bức thư ngỏ gửi Chính phủ Australia ngày 23/3, các cựu quan chức quốc phòng cấp cao của nước này cảnh báo hiện nay, biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai và an ninh” của Australia.

Australia hỗ trợ các đối tác Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậuÚc: Rạn san hô Great Barrier đã mất một nửa trong vòng 3 thập kỷKinh tế trang trại của Australia bị thiệt hại do biến đối khí hậuAustralia rút khỏi cam kết khu vực Thái Bình Dương về biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu đe dọa sức khỏe người dân châu Á-Thái Bình DươngAustralia ghi nhận 200 đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè

Nhiệt độ tăng cao, hạn hán kéo dài và gió thổi mạnh ở Australia khiến các trận cháy rừng diễn ra thảm khốc. Ảnh: Reuters/Laodong

Thông qua bức thư ngỏ, các cựu quan chức – trong đó có cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Australia - Đô đốc Chris Barrie, kêu gọi giới lãnh đạo chính trị Australia ưu tiên vấn đề khí hậu trước cuộc bầu cử liên bang dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 5 tới; đồng thời, chính phủ cần cam kết các nguồn lực để chống lại “mối nguy hiểm” cấp bách nhất của biến đổi khí hậu.

Các cựu quan chức quốc phòng và các chuyên gia an ninh cho biết họ đã chứng kiến ​​cận cảnh sự tàn phá của chiến tranh và khủng hoảng nhưng biến đổi khí hậu là “mối nguy” lớn nhất mà người dân Australia phải đối mặt, với các trận cháy rừng năm 2019 và lũ lụt gần đây đã tàn phá miền đông Australia là những thảm họa khí hậu đòi hỏi “các đợt huy động lớn trong thời bình” đối với lực lượng quân đội Australia.

“Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là đảm bảo an toàn và bảo vệ người dân, nhưng Australia đã thất bại khi đứng trước các mối đe dọa về biến đổi khí hậu”, bức thư viết.

Từ đó, các cựu quan chức kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị cam kết sẵn sàng nguồn lực và đưa biến đổi khí hậu trở thành “trọng tâm chính”. “Khí hậu phải trở thành ưu tiên an ninh ngay lập tức, đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia, với cam kết có hành động khẩn cấp từ tất cả các phía chính trị”, các quan chức nhấn mạnh.

Phát biểu trong chuyến thăm ngày 9/3 đến Lismore, một thị trấn ở phía bắc New South Wales, nơi hứng chịu hậu quả của trận đại hồng thủy kéo dài suốt 2 tuần, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận “Australia đang trở thành một quốc gia khó sống hơn vì những thảm họa thiên nhiên”.

Là một trong những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới, Australia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị khí hậu của LHQ ở Scotland năm ngoái. Tuy nhiên, nước này đã không đẩy nhanh mục tiêu lên năm 2030, mặc dù đang chịu áp lực lớn phải thực hiện điều này trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow.

Thủ tướng Morrison cho biết ông sẽ không đưa ra các ràng buộc pháp lý cho mục tiêu khí hậu, nhưng sẽ dựa vào người tiêu dùng và các doanh nghiệp để kiểm soát lượng khí thải.

Trước thềm cuộc bầu cử sắp tới, Chính phủ Australia đã tăng cường các tiêu chuẩn quốc phòng, bao gồm cả việc công bố mở rộng lực lượng phòng thủ lên gần 1/3 vào năm 2040. Tuy nhiên, các cựu quan chức quốc phòng nhấn mạnh trong bức thư ngỏ rằng khí hậu và an ninh là hai yếu tố không thể tách rời, đồng thời kêu gọi các chính trị gia “cam kết huy động các nguồn lực cần thiết để giải quyết mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu này”.

Australia là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Nước này phải đối mặt với những đợt hạn hán, cháy rừng, nhiệt độ nước biển ấm lên, các rạn san hô bị phá hủy và lũ lụt, khi mô hình thời tiết toàn cầu thay đổi.

Bảo Nghi (Lược dịch từ AFP & DW)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top