ClockThứ Ba, 14/09/2021 14:57

Biến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 2: Biến thách thức thành cơ hội

TTH - Những tổn thất do thiên tai, BĐKH gây ra hiển hiện ngày càng rõ nét. Nhưng chỉ cần có phương thức, cơ chế phù hợp và các hoạt động thích ứng với BĐKH vẫn có thể biến thách thức trở thành cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là lời khuyên và cũng là khẳng định của các nhà chuyên môn.

Biến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 1: Vùng dễ tổn thươngBiến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra các đại dịch

Nghiên cứu và ứng dụng những giống lúa mới thích ứng với BĐKH

Không chừa một ai

Theo dự báo của nhà kinh tế học người Anh - Nicholar Stern, nếu nhiệt độ tăng lên 5-6 độ C, điều có thể xảy ra là sẽ làm thiệt hại 5-10% GDP toàn cầu, còn với các nước nghèo là trên 10% GDP.

Nhận định của ông Đặng Văn Hoà, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong bối cảnh BĐKH như hiện nay, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, dông, lốc, các loại hình thiên tai như nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... được dự báo có xu hướng tăng về lượng và mức độ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế.

Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 7,69% diện tích của Thừa Thiên Huế có nguy cơ bị ngập và xâm nhập mặn, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và các huyện Phú Vang (42,58% diện tích), Quảng Điền (31,62%), TP. Huế (26,50% diện tích).

Toàn tỉnh hiện có hơn 42km bờ sông (trong tổng số chiều dài các sông là 1.056km) đang bị sạt lở nặng, tập trung chủ yếu ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, sông Bù Lu... ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân sinh sống sát bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các di tích lịch sử, các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông đi lại. Hơn 9km bờ biển (trong tổng số 128km bờ biển) bị sạt lở nặng tập trung các khu vực: xã Phong Hải (Phong Điền); xã Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương (TP. Huế); các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang) đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh. Xói lở và bồi lắng ở hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền do bão lụt cũng làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên khu vực này, ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ, giao thông đường thủy, nhất là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Những năm gần đây, nắng nóng, hạn hán vẫn thường xuyên diễn ra ở hầu hết các địa phương. Sau khi có các công trình như Đập Thảo Long, Cửa Lác và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi được đưa vào sử dụng đã phát huy được nhiệm vụ điều tiết nước, cung cấp, tạo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương, bảo đảm cấp nước cho dân sinh và phục vụ tưới, tiêu cho 59.979ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Tuy nhiên trong 3 năm từ 2019 đến nay, do tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài sang cả mùa mưa, nên nhiều vụ mùa lúa, cây hoa màu với hàng trăm ha vẫn bị khô cháy, mất trắng.

Đổi mới sản xuất để thích ứng

Đầu năm 2020, ông Nguyễn Văn Phước đầu tư nuôi tôm trong bể tròn nổi theo mô hình “ao trong ao” tại thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân (Phú Vang). Đây là mô hình nuôi tôm mới trên cát vừa giảm quy mô diện tích, tránh tác động bởi thời tiết, BĐKH, vừa dễ kiểm soát dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Ông Phước cho biết: Thay vì nuôi tôm trong ao đất rất bấp bênh về năng suất và thấp thỏm “canh me” thời tiết, thì việc nuôi tôm trong từng bể tròn ít tốn kém đầu tư ban đầu, dễ nuôi, không để lại thức ăn dư thừa và đầu ra ổn định. Quan trọng nhất là nuôi tôm theo công nghệ mới này không lo mưa lụt, kiểm soát được chất lượng nguồn nước.

Phú Xuân (Phú Vang) là một trong những địa phương vùng cát chịu những tác động nặng nề do thời tiết khắc nghiệt. Phần lớn diện tích là đất cát bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới và bị nhiễm mặn về mùa khô. Những năm qua, người dân ở đây đã chuyển đổi diện tích sang trồng dưa, ném, ớt... phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Phần diện tích bị bỏ hoang được bà con đào ao thả nuôi xen ghép cá nước ngọt như cá trắm, trê lai, rô phi... hoặc nuôi cá vượt lũ.

Nhiều nơi đã và đang hình thành mô hình sản xuất nông sản hữu cơ như: Tập đoàn Quế Lâm trồng 30ha rau hữu cơ tại xã Phong Hiền (Phong Điền); 65ha rau trồng theo hướng VietGAP của người dân ở xã Quảng Thọ, Quảng Thành (Quảng Điền); 12ha rau VietGAP tại phường Hương An (TP. Huế); trồng cam ở Nam Đông, thanh trà ở Thủy Biều (TP. Huế), trồng ném (100ha) ở xã Điền Môn (Phong Điền)…

Sở NN&PTNT đang chuyển đổi khoảng 3.300ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Ngành này cũng đang xây dựng nhãn hiệu rau cho một số địa phương có truyền thống trồng rau đối với một số loại rau được xác định có ưu thế tại địa phương như: rau má, hành, kiệu, ném, mướp đắng..., phấn đấu có 600ha rau, củ, quả được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tiến đến công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trồng rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển là một trong những hoạt động thành công và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng ngừa, thích ứng với BĐKH. Hàng trăm ha rừng ven biển và rừng ngập mặn dọc các xã Quảng Lợi, Hương Phong, Thuận An, Lăng Cô... được trồng và phát triển mạnh không chỉ tạo vành đai chắn gió khi bão lụt về, là khu tránh trú bão, lũ cho người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển sinh kế, đa dạng các loại hình du lịch dịch vụ ở địa phương.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

(Kỳ 3: Sống hài hoà, thích ứng với thiên nhiên)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện Từ thấu hiểu đến hành động
Cơ hội kích hoạt tăng trưởng

Thừa Thiên Huế đã, đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có năng lực trong ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và lắp ráp ô tô. Các kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của những DN này sẽ trở thành cơ hội kích hoạt tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng
Bỏ khung giá đất: Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung bỏ khung giá đất (KGĐ). Đây là vấn đề khá nhiều địa phương trên cả nước mong chờ vì góp phần tháo gỡ những bất cập trong bồi thường, thu hồi đất xây dựng các công trình, dự án (DA).

Bỏ khung giá đất Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Return to top