ClockThứ Hai, 01/09/2014 05:51

Hoàng Sa những ngày nóng bỏng

Nhà báo La Vĩnh Lộc cùng quay phim tác nghiệp trên tàu cảnh sát biển ở Hoàng Sa

Trở về từ Hoàng Sa, bất ngờ nhất là hàng trăm email từ mọi miền đất nước gửi về hộp thư của tôi bộc bạch ý chí nguyện vọng được ra với biển đảo để bảo vệ của Tổ quốc. Đơn cử như email của một bạn ở Thanh Hóa viết rằng: Anh Lộc à! Tôi thấy địa chỉ email của anh trên ti vi nên tôi xin gửi anh mấy dòng để hỏi thăm sức khỏe của anh. Anh ơi, đất liền mong tin anh mỗi tối... Tôi cũng vậy, anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Tôi có một việc nhờ anh hỏi giúp. Tôi làm thợ cắt tóc nhưng muốn tình nguyện ra làm nghĩa vụ giữ biển thì có được không. Tôi sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần. Anh hỏi giúp tôi nhé!

Những ngày cuối tháng 6-2014, khi Trung Quốc vẫn còn hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa, tôi và một đồng nghiệp được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV Huế) cử ra thực địa, cùng với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đấu tranh tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tôi là người có duyên với biển, đã 2 lần công tác ở 21 điểm đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, nhiều lần công tác ở các đảo gần bờ như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Sơn Trà... và lần này vinh dự được tác nghiệp tại Hoàng Sa. Chuyến đi Hoàng Sa này rất đặc biệt, bởi chúng tôi được tham gia cuộc đấu tranh trực diện của quân và dân ta nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Nhận nhiệm vụ trước 5 tiếng đồng hồ, anh Phương Nam, Trưởng phòng Thời sự VTV Huế thông báo tôi và Anh Tú phải lên đường vào Đà Nẵng gấp để đi Hoàng Sa… Tôi chỉ kịp gọi điện về cho vợ để xếp quần áo và đưa lên cơ quan… Không kịp gặp con gái để tạm biệt. Những ngày tháng tác nghiệp trên các tàu Cảnh sát biển 8003, 4032, 4033, 4034... chúng tôi đã gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Nhất là phải làm việc trong tình trạng sóng biển, thời tiết phức tạp… có lúc tàu chao đảo 40 độ… cơm và vào miệng còn văng ra, huống gì ngồi trước máy vi tính và đứng ghi hình khi tàu Trung Quốc hung hăng sẵn sàng đâm va.
Căng thẳng nhất là khi đối mặt với tàu Trung Quốc, phải đứng ngoài cabin mới ghi lại được những hình ảnh sống động từ thực địa. Tàu Trung Quốc thì bám đuôi, mở bạt, pháo quay hướng về phía ta phun vòi rồng. Có thể nói, chúng tôi, đặc biệt là phóng viên quay phim Anh Tú đã rất can đảm… Để có những hình ảnh chân thật như đã phát trên VTV và VTV Huế là công việc khó khăn và nguy hiểm. Nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả.
Ở thực địa, hàng ngày phải chứng kiến cảnh tàu lớn của Trung Quốc uy hiếp, đâm va, phun vòi rồng vào tàu của ta… Các chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư can trường lắm… Có những tình huống rất nguy hiểm khi tàu của Trung Quốc ngăn cản, vây ép. Bằng kinh nghiệm và sự dũng cảm, các anh đã kiên cường bám trụ thực địa, phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Có sống những ngày tháng trên biển như thế mới hiểu và cảm thông những khó khăn vất vả của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Họ phải làm nhiệm vụ trước nhiều mối nguy hiểm rình rập, phải xa gia đình hàng tháng trời và không có thông tin liên lạc để biết tin nhà... Chính sự thiếu hụt đó nên cánh báo chí và anh em trên tàu rất thương yêu nhau, như trong một nhà...Với báo chí, họ ưu tiên tất cả; kể cả chỗ nằm và quan tâm từng bữa ăn cho anh em... Trên tàu cả tháng chỉ ăn thức ăn tủ đông và thiếu rau xanh trầm trọng...
Một đêm nọ, khoảng 2h sáng, tôi nghe thấy tiếng kêu: Lộc ơi! Em dậy đi, anh cho cái này. Tôi mở mắt thấy anh Thuận, thợ máy của tàu CSB 8003 lấy từ bọc quần một túi giấy rồi mở ra. Anh ấp úng: Anh vừa câu được con mực, đem xuống để em ăn mì tôm cho có sức khỏe... Không có nhiều cho mọi người nên... Đúng là chỉ một con mực thôi, nhưng sự quan tâm của anh Thuận cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên bởi đó là sự chia sẻ quý báu.
Xúc động nhất là khi về đất liền gặp con gái; đứa con gái đầu của tôi mới 3 tuổi nhưng đã thuộc lòng câu nói: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam! Phóng viên La Vĩnh Lộc đưa tin từ thực địa...”. Tôi hỏi con nghe ai nói vậy? Cháu trả lời: “Ngày nào con cũng thấy ba trên ti vi, nguy hiểm lắm không ba... con nghe Trung Quốc về quê rồi à? Ba còn đi Hoàng Sa nữa không? Ở đó nguy hiểm lắm phải không ba...”.
Nói thật, chỉ chừng ấy thôi là tôi hạnh phúc lắm rồi, bởi ít nhiều con gái tôi đã hiểu được việc tôi làm. Tôi nguyện với lòng mình, sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ và ra với biển trong mọi hoàn cảnh, dù biết đó là khó khăn, vất vả khôn cùng.
La Vĩnh Lộc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàng Sa - Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam!

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt không thể tách rời, là một phần lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Đó là chân lý bất di bất dịch trong trái tim của con dân đất Việt từ bao đời nay. 50 năm trôi qua kể từ ngày 19/1/1974, khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, hai tiếng Hoàng Sa vẫn luôn là nỗi đau đáu của người Việt.

Hoàng Sa - Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam
Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam

Tiếp nối các công trình nghiên cứu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh đã cho biên soạn cuốn sách chuyên khảo: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành và ra mắt vào cuối tháng 12/2021.

Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam
Return to top