ClockThứ Hai, 29/06/2020 07:15

Biên giới reo vui

TTH - Những trăn trở của người dân chừng như tan biến. Vùng đất cũ, tên gọi mới dần ăn sâu vào tâm trí của những con người nơi miền biên giới A Lưới , Đakrông đang hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Điện đường được lắp đặt tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị (trước đây thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)

1. Gặp người cũ, ánh mắt ông Hồ Văn Liên tỏ ra ngại ngần. Tôi hiểu, bởi khi trò chuyện với ông cách đây tròn một năm, ông Liên cùng dân làng thôn 7 (trước đây thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bây giờ thuộc xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) không muốn chuyện tách, nhập.

Nhớ đợt đó, ông Liên quả quyết: “Tôi không ưng bụng!” và trước đó nữa ông cũng cất công ra tận Trung ương để trình bày nguyện vọng. Họ mong muốn giữ lại cái tên A Lưới đã tồn tại trong tâm thức từ rất lâu. Tôi cũng hiểu, khi tên gọi ấy đã trở thành một phần máu thịt của những con người Pa Cô.

Mong muốn của người dân là như vậy, nhưng những bất cập về địa giới hành chính do lịch sử để lại thì phải điều chỉnh. “Vận động và vận động…”, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh điều đó nhiều lần. Để rồi cái bắt tay thấu tình đạt lý giữa 2 địa phương thuộc 2 tỉnh mở ra một giai đoạn lịch sử mới, chấm dứt nhập nhằng về địa giới hành chính tồn tại rất nhiều năm qua.

Vẫn ly chè đặc quánh mời khách như cách đây một năm, ông Liên không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà nói về đoạn đường hơn 3km được chính quyền địa phương huyện Đakrông lắp đặt thêm hàng cột đèn.

Ông kể về chuyện người dân đi nhận tiền hỗ trợ “COVID” hay lãnh đạo huyện Đakrông xuống tận bản làng thăm hỏi, trao quà giúp người dân ổn định cuộc sống. Chuyện tranh chấp đất sản xuất bây giờ đã không còn, những công trình dở dang tiếp tục được xây dựng. “Trộm cắp giờ giảm nhiều nhờ đèn điện sáng trưng. Chính quyền cũng khảo sát số lượng người nghèo để hỗ trợ. Qua nhiều cuộc họp thôn, những ý kiến của người dân được lãnh đạo chính quyền lắng nghe. Đặc biệt, đất sản xuất của người dân không bị mất mà còn được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật gieo trồng, phát triển kinh tế”, ông Liên nói.

Dõi mắt về phía ngọn đồi xa xa. Trong cái nắng chói chang của những ngày trời hạn, rẫy bắp một màu xanh mướt. Dưới khe suối chờ mưa, đàn bò ung dung gặm cỏ. Làm rẫy và chăn nuôi vẫn là hướng phát triển kinh tế của người dân nơi đây dù cái tên bây giờ đã đổi khác.

Ông Quỳnh Bửu bảo, người dân nơi đây vừa trải qua một vụ bắp được mùa, riêng ông thu về đến hơn 50 triệu đồng từ rẫy bắp. “Dân ở đây sống nhờ bắp. Mấy năm trước, bắp bị sâu bệnh, bán không ai mua nhưng năm nay bắp của bà con có nhiều người hỏi mua lắm. Tui vừa gieo trồng vụ mới, cây đang phát triển tốt”, ông Quỳnh Bửu kể.

Với người dân đồng bào dân tộc thiểu số, giữ luật tục văn hóa cha ông là điều quan trọng. “Chẳng ai bắt bỏ văn hóa của đồng bào mình cả, chính quyền địa phương còn khuyến khích duy trì những phong tục đẹp của người dân. Văn hóa của dân tộc nào thì dân tộc ấy tự giữ. Đổi tên rồi, bà con cũng làm lễ báo cáo với tổ tiên, ông bà, điều quan trọng là những con dân thế hệ sau không quên gốc tích, nguồn cội lẫn những lễ hội ngày trước”, ông Quỳnh Bửu chia sẻ.

2. Ở Hồng Thủy và A Bung, cuộc sống của người dân sau sáp nhập vẫn sáng lên đồi bắp xanh mướt, chiều lại về quây quần bên ngọn lửa của làng. Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại khiến họ bây giờ được nhiều hơn mất.

Ngó về phía cuối con đường bê tông là xóm giềng ngày trước nhưng cách nhau một cột mốc ranh giới. Sự phân chia về địa giới hành chính không khiến tình cảm giữa những con người nơi miền sơn cước nhạt nhòa.

Thông tin từ Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Bùi Viết Dũng, chính quyền các địa phương 2 tỉnh đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống, an tâm phát triển kinh tế. “Vùng sản xuất của người dân bây giờ có hộ khẩu ở A Bung vẫn nằm trên đất Hồng Thủy và ngược lại. Chẳng tranh giành nhau, mọi thứ không có quá nhiều thay đổi”, ông Dũng nói.

Trở lại Hồng Thủy, tôi nhớ về lời hứa của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng những ngày tháng 6 năm trước. Ông Đồng hứa giúp dân hòa nhập với bối cảnh mới và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bây giờ, người dân đang cảm nhận được sự quan tâm.

Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao để UBND tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới cho xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Theo đó, thôn Pire 1 có 107 hộ với 423 nhân khẩu; thôn Pire 2 có 129 hộ với 543 nhân khẩu.

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã quan tâm nhiều đến chúng tôi. Không chỉ đầu tư thêm về cơ sở vật chất mà còn tiếp nối những chính sách mà chúng tôi được hưởng từ khi còn là dân Thừa Thiên Huế. Hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, có công cách mạng đều được thụ hưởng đãi ngộ từ Nhà nước”, ông Liên tâm sự.

Tâm thế mới sau ngày phân định, người dân thuộc dạng “chuyển khẩu” họ xem mình như người hai quê. Nhưng dù thuộc địa phương nào quản lý về mặt hành chính thì vẫn là con dân nước Việt một lòng đoàn kết.

Thế hệ như ông Liên, ông Quỳnh Bửu khó có thể quên những ngày tháng gắn bó với cái tên A Lưới. Thời gian có thể làm mờ đi ký ức trong tâm khảm thế hệ trẻ, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số, cái không thể quên đó là gốc tích, nguồn cội.

Trước khi vác cuốc lên rẫy, ông Quỳnh Bửu chắc nịch: “Với dân làng tụi tui, Hồng Thủy - A Lưới đã là một phần máu thịt, luôn ghi nhớ. Dù có lưu luyến nhưng tên gọi giờ cũng không còn quan trọng nữa, điều quan trọng là dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Tháng 6, nắng trên đỉnh đầu, trời xanh trong. Những đứa trẻ - công dân xã A Bung nô đùa sau giờ tan học. Những con đường bê tông phía dưới chân núi thu hẹp khoảng cách. Phía rẫy, bắp vẫn xanh. Lòng người cũng vơi bớt âu lo, nghĩ về chuyện phát triển kinh tế. Khắp một vùng biên viễn reo vui!

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên

Ngày 16/3, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Phú Lộc phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn Học viện Âm nhạc Huế; Khoa Luật hành chính - Đại học Luật- Đại học Huế tổ chức chương trình hoạt động “Tháng thanh niên, tháng Ba biên giới” và ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh năm 2024.

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên
Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”

Ngày 10/3, tại xã Lâm Đớt, huyện biên giới A Lưới, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Báo Người Lao động tổ chức chương trình “Tháng Ba biên giới” với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hơn 300 người dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi huyện A Lưới và cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh tham gia chương trình.

Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Return to top