ClockChủ Nhật, 03/05/2020 07:25

Biển là nhà

TTH - Trong biển mặn có mồ hôi, tình yêu và một phần đời của họ… Đó là bộc bạch tận đáy lòng của nhiều ngư dân ở huyện Phú Vang.

Phú Vang: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển đầm pháChủ nhân của biểnVì sao biển mặn...

Từ bao đời, biển là nơi gắn bó thân thiết, là “ngôi nhà thứ 2” của ngư dân

Nhiều đời gắn bó

Ông Trần Văn Hải ở thị trấn Thuận An, 61 tuổi, đậm chất rắn rỏi con nhà biển, nở nụ cười mộc mạc khi kể, ngày mai, ông sẽ cùng các ngư dân “cưỡi sóng” ra Hoàng Sa.

Đóng mới và hạ thủy vào tháng 12/2019, con tàu công suất lớn với bề ngang 6,4 mét, chiều dài 26 mét, trị giá hơn 3,5 tỉ đồng, là cái mốc của sự phát triển “đỉnh” nhất, để ông Hải cùng các ngư dân bạn thuyền vững vàng thực hiện những chuyến vươn khơi, kéo dài 10 ngày đến nửa tháng trên biển.

“Chiếc tàu đóng mới đầu tiên với công suất 100 CV. Tích cóp dư dả chút đỉnh, tôi bán tàu cũ, đóng mới tàu 150 CV. Cứ như vậy, thêm nhiều lần bán tàu cũ, đóng tàu mới tăng dần về công suất, từ 150 CV lên 200 CV, 417 CV. Và chiếc tàu 1.064 CV là lần thứ 8 đổi tàu của ông Hải.

Xưa, tàu không có ca bin, thuyền viên trên tàu phải đội nắng, dầm mưa; bây giờ tàu to như ngôi nhà. Xưa, chỉ đi 1-2 ngày, loanh quanh 20-50 hải lý, được 2-2,5 tấn cá. Bây giờ, đi 5-7 ngày, có khi 10-15 ngày, hành trình 170-180 hải lý, được 40-50 tấn cá mới vô bờ. Bình quân 1 trăng (1 tháng) 20 ngày, đi 3-4 chuyến. Mỗi chuyến lãi ròng vài trăm triệu đồng; có chuyến lãi 500-600 triệu đồng. Những đứa em rồi bây giờ đến đời con, đời cháu cũng theo tôi ra khơi mưu sinh, gắn bó, nặng tình với biển” - ngư dân 40 năm tuổi nghề chia sẻ.

Mưu sinh bằng nghề bãi ngang, đánh bắt gần bờ, ngư dân xã Phú Diên “năng nhặt chặt bị”. Ông Hoàng Trọng Đoài cho hay, nhiều ngư dân nhờ biển mà xây được nhà 2 tầng.

Ông Nguyễn Thanh Bi, một trong những ngư dân khấm khá vào diện “top” đầu của xã Phú Diên cho biết, cứ 2 giờ sáng, hai cha con ông giong chiếc ghe công suất 24 CV ra biển, đánh bắt cá, mực, ghẹ… Mùa nào thức nấy, đến tầm 1-2 giờ chiều trở về, thương lái thu mua ngay tại bãi. Mỗi ngày ra biển, lãi ròng kiếm được 5-10 triệu đồng.  

“Biển là nhà”

Gác lại việc vá lưới, bà Nguyễn Thị Thu (xã Vinh Thanh), hí húi bấm điện thoại kết nối với camera hành trình trên tàu, để nói chuyện với chồng đang cùng các ngư dân bạn thuyền đánh bắt, đồng thời thực hiện nhiệm vụ làm “cột mốc” trên biển.

Mỗi chuyến đánh bắt của ông Nguyễn Thiệu, chồng bà Thu thường 6-7 ngày, lãi ròng tầm 300-400 triệu đồng. “Biển cho kế sinh nhai. Ngư dân cũng gửi vào biển biết bao nhiêu mồ hôi, tâm tư, vui buồn thân phận… Biển là một phần cuộc đời, nên dù gian nan, vất vả, thậm chí hiểm nguy, nhưng chồng tôi và những ngư dân khác vẫn ra khơi”- bà Thu bộc bạch.

Ông Thiệu là ngư dân dạn dày sóng gió, đã từng thoát khỏi tâm bão Chanchu, cơn bão dữ năm 2006, từng cướp đi hàng trăm sinh mạng ngư dân miền Trung.

Bà Thu bùi ngùi kể, hơn 2 năm trước, trong chuyến đánh bắt xa bờ, em ruột chồng bà bị tai nạn rơi xuống biển thiệt mạng. Các tàu bạn giúp tìm suốt 10 ngày, nhưng vẫn không tìm thấy, đành để em nằm lại trong lòng biển. Đau thương nhưng không vì thế mà nản lòng, trái lại càng cố gắng ra khơi sản xuất, chồng bà từng tâm sự, muốn gắn bó với biển thêm cả phần đời của em mình.

Ông Trần Văn Hải đã từng 2 lần cứu tàu bạn. “Lần đó đang ở ngoài khơi, nghe tiếng kêu cứu của ngư dân Nguyễn Đời, báo tàu đang chìm, tui lập tức đến, kịp cứu 6 thuyền viên lên tàu mình. Đồng thời vứt cá đánh bắt được xuống biển, dòng dây kéo 2 ngày 2 đêm, đưa chiếc tàu bị hỏng máy cập bến an toàn”- ông Hải kể.

Lần khác tàu của ngư dân Lê Văn Ngọc bị gãy lái, cũng được tàu ông Hải cứu, dòng dây kéo suốt đêm mới vào được bờ, chấp nhận 25 tấn cá “thua” nặng vì không còn tươi.

Kể về câu chuyện tàu của ông Lê Văn Giáp khi đang đánh bắt trên vùng biển tỉnh Quảng Bình, cách bờ 100 hải lý, bị một tàu hàng tông chìm, mất tàu, mất cá, 8 thuyền viên đang tuyệt vọng giữa biển khơi, được tàu của ông Trần Văn Mậu cứu vớt, nhiều ngư dân thị trấn Thuận An xúc động.

Ông Mậu nói rất giản dị, rằng biển là “ngôi nhà” lớn, thì ngư dân là người một nhà. Không chỉ cứu người, ông Mậu điện báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các tỉnh, đồng thời đuổi theo chiếc tàu hàng gây tai nạn đến tận vùng biển Đà Nẵng. Tại đây, tàu gây tai nạn bị lực lượng hải quân bắt giữ. Quá trình giải quyết, bên gây tai nạn đã bồi thường thiệt hại cho tàu ông Giáp 500 triệu đồng.

“Chúng tôi làm những điều đó không chỉ bởi nghĩa tình mà còn vì trách nhiệm giữ vững an toàn, bình yên trên biển. Lớn lao và thiêng liêng hơn là trách nhiệm vươn khơi đến vùng biển xa xôi, bám biển sản xuất, chung tay khẳng định, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 7 năm ròng, anh em tàu tôi đã thực hiện hàng chục chuyến đi dài ngày đến vùng biển Hoàng Sa. Thế nhưng lần nào nhìn hình ảnh những lá cờ Tổ quốc thắm đỏ hiên ngang trên nóc các tàu ngư dân mình, giữa biển khơi, ai nấy đều trào dâng cảm xúc tự hào và như được tiếp thêm sức mạnh”- ông Hải bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang Thông tin: Toàn huyện có 1.365 chiếc tàu, thuyền; trong đó tàu thuyền có máy 1.112 chiếc với tổng công suất 148.946 CV. Năm 2019, Phú Vang có 178 tàu được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách các tàu cá tham gia hoạt động thủy sản trên các vùng biển xa; được hỗ trợ nhiên liệu 620 chuyến biển với tổng kinh phí 53,850 tỷ đồng; bảo hiểm cho 110 tàu với kinh phí 1,451 tỷ đồng; máy thông tin 280 triệu đồng cho 10 tàu.

Bài: QUỲNH ANH - Ảnh: TUẤN KIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn

TIN MỚI

Return to top