ClockThứ Hai, 29/03/2021 06:15

Biến tài nguyên thành lợi ích

TTH - Cây dược liệu như nguồn tài nguyên quý, hữu ích. Từ cây dược liệu, người dân “hái” ra tiền. Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực bảo tồn nguồn gen quý.

Về vùng tràm, xem quy trình ươm cây đến chưng cất sản phẩmThành công với dự án phân bón từ giun quếTăng tính đa dạng sinh học từ cây dược liệu

Cây tràm gió là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất tinh dầu tràm

Qua rồi thời băng rừng tìm lá

Non chục năm trước, tôi có dịp cùng anh Hồ Văn Thời (xã A Roàng, huyện A Lưới) ròng rã cả ngày trời, len qua những cánh rừng tìm sâm bảy lá – loại cây mà trước đó cư dân bản địa kháo nhau rằng có giá trị rất cao. Dẫu anh Thời có kinh nghiệm trong xác định dược liệu nhưng hôm đó, chúng tôi ra về tay trắng và tôi chỉ được ngắm nhìn củ sâm bảy lá qua hũ rượu vàng ươm của hàng xóm anh Thời.

Bây giờ, liên lạc với anh Thời, nhắc lại chuyện cũ anh cười, xua tay: “Đồ nớ chừ không hiếm, nhưng vẫn quý”. Anh Thời nói có lý khi mà thời buổi này không khó để tìm kiếm loại cây này trong vườn người đồng bào. Họ nhận thấy cây có giá trị lại có tác dụng dược lý nên không bán xổi mà mang về vườn trồng, nhân giống. “Chừ có người trồng được gần sào sâm bảy lá”, anh Thời tiết lộ.

Bất cứ giai đoạn nào, cây dược liệu luôn mang trong mình giá trị vốn có. Nhiều lần ngược núi tôi nhận thấy, người đồng bào quý dược liệu như chiêng ché, thổ cẩm. Nếu thời trước lâm sản mang lại cuộc sống cho họ chỉ khi mồ hôi và nước mắt đổ xuống, thì bây giờ mọi thứ đều có thể trồng, dưới tán rừng hoặc trong vườn nhà. “Với đồng bào vùng cao, vườn nhà ai cũng có một vài cây thuốc để phòng bệnh như đinh lăng, sâm bảy lá, cây nhăng, cây pakit… Từ lợi ích đó, có người nhân giống, trồng để bán”, ông Hồ Xuân Trung (xã Hương Lâm, huyện A Lưới) nói.

Sự đa dạng của tự nhiên khiến cây dược liệu xuất hiện không chỉ ở miệt núi. Ở vùng đồng bằng, nhiều giống dược liệu giá trị cao cũng bén duyên theo lịch sử và tồn tại cho đến nay. Trong một lần ngang qua vùng nội đồng phường Hương Xuân (TX. Hương Trà), hai bên đường, cây tràm gió thẳng tắp tạo thành dãy xanh đẹp mắt. Cũng loại cây ấy chừng mươi năm trước, người dân Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc phải đỏ mắt, băng qua những trảng cát bỏng lòng bàn chân mới tìm kiếm được. Tràm gió có giá trị hẳn ai cũng biết, bởi nó tạo ra loại tinh dầu tràm nức tiếng ở Cố đô, chỉ có điều, con người bây giờ đã biết biến những cái tưởng chừng thuộc về tự nhiên thuộc về mình.

“Cơ sở sản xuất tinh dầu tràm của tôi hàng ngày cần một nguồn nguyên liệu rất lớn, do vậy phải đặt lá tràm gió từ người dân. Họ khai thác trong các khu rừng keo. Bây giờ, nguồn tràm gió tự nhiên suy giảm nên buộc phải trồng để chủ động nguồn nguyên liệu”, anh Nguyễn Khoa Thắng (một chủ cơ sở tinh dầu tràm ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) chia sẻ.

Bảo tồn cho tương lai

Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, Thừa Thiên Huế đang có hơn 1.100 loài cây thuốc. Trong đó có nhiều cây dược liệu quý đã và đang được trồng, khai thác như tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía... Ngoài ra, nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng, từ thực vật, động vật đến khoáng chất được phân bổ khắp nơi. Ðây là nguồn nguyên liệu rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, có kho tàng tri thức về sử dụng dược liệu của người dân bản địa.

Ông Trần Đức Phượng, chủ cơ sở Trà Cung Đình Đức Phượng cho rằng, hầu như tất cả các loại hình kinh doanh, sản xuất liên quan đến sức khỏe con người đều cần cây dược liệu, đó là thành phần không thể thiếu trong nhiều sản phẩm. “Cơ sở sản xuất của tôi không chỉ thu mua nguồn dược liệu của người dân trên địa bàn tỉnh mà còn nhập từ các tỉnh khác mới đủ nhu cầu”, ông Phượng cho biết.

Bởi tiềm năng và lợi ích của dược liệu nên thời gian qua, cơ quan chức năng đã chuyển động, nhằm bảo tồn, phát triển vùng trồng. Những cơ chế như, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược liệu; phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị được ban hành. Việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở rộng vùng nguyên liệu dược liệu cũng được khuyến khích.

“Chúng tôi xác định chủ thể để trồng dược liệu là người dân để hướng đến mục đích vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế. Năm vừa qua chúng tôi cũng tổ chức trồng thêm 20ha sâm Bố Chính – loại sâm có giá trị cao”, ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện A Lưới thông tin.

Rõ ràng định hướng phát triển, bảo tồn cây dược liệu hoàn toàn hợp lý trong thời điểm hiện nay, song, trước nguồn tài nguyên dược liệu phong phú nhưng lại nằm rải rác thì việc bảo lưu khá khó khăn. Đặc biệt, có nhiều loài nằm ở vùng cao, dẫu dân gian truyền miệng là cây quý vẫn chưa xác định được loài và  một số dân tộc chưa có chữ viết để lưu giữ.

Hiện nay, trong đề án bảo tồn nguồn gen, tỉnh  xác định các nguồn gen cây dược liệu có giá trị kinh tế - xã hội, y học, như đinh lăng, thiên môn đông, xuyên tâm liên, quế, ngũ gia bì… Ngoài ra cũng xác định nguồn gen một số loại dược liệu đang có nguy cơ suy giảm.

“Xác định tầm quan trọng của cây dược liệu, tỉnh đang quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái. Trước mắt, thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm dược liệu được nhân rộng. Việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân triển khai thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác, liên kết”, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Những lợi ích có thể bạn chưa biết khi sở hữu chữ ký đẹp

Một chữ ký đẹp không chỉ là một dòng chữ văn bản thuần túy mà còn mang đến nhiều ý nghĩa, ngầm khẳng định phong cách và cá nhân của mỗi người. Việc sở hữu một chữ ký đẹp mang đến rất nhiều lợi ích không ngờ mà nhiều người có thể chưa nhận ra. Vậy lợi ích đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Những lợi ích có thể bạn chưa biết khi sở hữu chữ ký đẹp
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3):
Đầu tư vào phụ nữ mang lại lợi ích cho phụ nữ và toàn xã hội

Theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), đầu tư vào phụ nữ mang lại lợi ích cho phụ nữ và toàn xã hội. Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư hiện tại, hơn 340 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ vẫn phải sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ chưa bao giờ cấp bách hơn, khi được đánh dấu bằng chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm 2024 là “Đầu tư cho phụ nữ: Đẩy nhanh tốc độ phát triển”.

Đầu tư vào phụ nữ mang lại lợi ích cho phụ nữ và toàn xã hội
Biến rác thành .. tiền

Rất vui khi cuối năm 2023, nhà máy đốt rác - phát điện tại Phú Sơn (Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng gần 1.700 tỷ đồng trên diện tích hơn 11ha đi vào hoạt động. Nhà máy này được sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp - phát điện phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61MT/2016/BTNMT, tiêu chuẩn khí thải đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu; xử lý nước rỉ rác và tuần hoàn sử dụng trong hoạt động không phát tán mùi hôi, giải quyết việc ô nhiễm mùi ra môi trường.

Biến rác thành  tiền
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân
Return to top