ClockThứ Hai, 31/03/2014 12:13

Biết để sống hay sống để biết

TTH - "Biết để sống" là tập thơ thứ 10 của Văn Lợi, với 103 bài thơ ngắn, phần lớn là thơ 4 câu. Đọc liền mạch cả tập thơ, từ bài đầu tiên "Di sản" cho đến bài khép lại "Biết để sống", như lây cái chất thiền, sự trải nghiệm và chiêm nghiệm mang tính hướng thiện của anh gửi gắm xuyên suốt cả tập thơ.

Tuy không có bài thơ nào dành riêng cho vị Đại tướng kính yêu của quê hương Quảng Bình, nhưng âm hưởng chủ đạo của cả tập thơ, và con số 103 ứng với sự ra đi của Đại tướng ở tuổi 103 (một sự kiện nổi bật của đất nước trong năm 2013, một sự ra đi của một con người đáng kính, làm lay động tình cảm và tâm thức của hàng triệu người dân, đánh thức truyền thống nhân văn tốt đẹp và cao quý của dân tộc), tôi đồ rằng đó không phải là sự vô tình mà có chủ ý của Văn Lợi “Nhịn nhường để nụ thành hoa/ Đấy là biết nhẫn, biết ta, biết người/ Trăm năm muôn mặt lẽ đời/ Khổ đau đều ẩn nụ cười bên trong” (Nhẫn). Do vậy, “Biết để sống” không chỉ đơn thuần “chỉ là vài ghi chép thơ” như bộc bạch khiêm nhường của anh, mà còn là những điều giản dị, những mẩu chuyện đời thường sinh động, gần gũi có hồn, khiến người đọc không khỏi động lòng trắc ẩn. Cái chất ngụ ngôn một lần nữa được anh thể hiện nhuần nhị, cứ bàng bạc trong suốt tập thơ.

Bìa tập thơ "Biết để sống" của nhà thơ Văn Lợi.

Đề cập đến chuyện vỡ hụi khá phổ biến hiện nay anh viết: “Người nghèo bị vỡ hụi/ Bởi mong kiếm đồng lời/ Người giàu bị hụi vỡ/ Chỉ như một cách chơi” (Hụi). Đó là một nhận xét tinh tế, khách quan, có phần rạch ròi từ một hiện tượng cụ thể trong cuộc sống, không theo lối “vơ đũa cả nắm”.

Nói về sự đánh giá không công bằng trong mỗi tổ chức, đơn vị cụ thể, thậm chí ngay trong một nhà, người làm ít (theo lối hình thức) thì được khen, người làm nhiều (thầm lặng) thì ít được nhắc đến: “Ba anh cùng ở một nhà/ Anh làm quần quật như là con quay/ Anh thì chốc chốc nhấc tay/ Anh thì suốt buổi mới xoay nửa vòng/ Nhưng khi hỏi: - Mấy giờ ông?/Anh làm ắt hẳn khó lòng được nêu” (Đồng hồ). Anh ngậm ngùi và xa xót chứng kiến cảnh một người mẹ bị ốm nằm bệnh viện, các con mẹ (chắc hẳn là mải mê theo chuyện làm giàu, chạy đua danh vọng) không có thời gian để chăm sóc mẹ, tệ hơn khi đến thăm thì nhạt nhẽo như người dưng, thăm mẹ đẻ ra mình mà như chiếu lệ, khiến những bệnh nhân nằm cùng phòng với mẹ cũng phải hoài nghi không biết là ai: “Mẹ ốm nằm bệnh viện/ Các con mẹ vào thăm/ Người bệnh cùng phòng hỏi/ - Hàng xóm hay người thân?/ Mẹ lặng im rơm rớm/ Các con mẹ lùi dần…!” (Lòng mẹ). Chưa hết, anh tiếp tục kể câu chuyện bất hiếu của những đứa con đối với mẹ mình: “Mẹ nuôi nấng đàn con/ Thảy lớn khôn, thịnh vượng/ Đàn con mẹ loay quay/ Chăm mẹ, út hay trưởng?/ Thế rồi, mẹ qua đời/ Tại trung tâm phụng dưỡng…” (Hiếu).
Gần như những thói hư, tật xấu ở đời đều được anh nhắc đến bằng những ẩn dụ, ví von nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Anh vận dụng rất phù hợp những thành ngữ, tục ngữ, ca dao của văn học dân gian vào chuyện đời hiện hữu. Đó là sự trả giá cho thói hợm hĩnh không biết mình là ai, coi thường người khác: “Con đom đóm lập lòe trong bụi cỏ/ Nó ngỡ mình thắp sáng đồi hoang/ Bèn khinh khỉnh giã từ xứ sở/ Để bay lên chiếu sáng không gian/ Và nó bị những ngọn đèn xua đuổi/ Nên suốt đời đom đóm phải lang thang” (Đom đóm). Sự trớ trêu của thật, giả: “Bông hoa thật tỏa làn hương nhẹ/ Dịu dàng phô những cánh hoa tươi/ Bông hoa giấy khoe mình sặc sỡ/ Và khinh khỉnh nhìn hoa thật, bỉu môi” (Hoa thật, hoa giả). Hay “Cái thật vốn dĩ khiêm nhường/ không hoa mỹ chẳng khoa trương làm gì/ Cái thật dễ bị lờ đi/ Khiến cho cái giả lắm khi được nhờn/ Cái giả biến hóa khôn lường/ Ôi chao, cái thật chịu nhường mãi sao?” (Thật, giả).
Anh tự luận về sự “biết”: “Với chim nghe tiếng hót/ Biết chim dở, chim hay/ Với người xem hành động/ Biết người xấu, người ngay/ Với chính mình, muốn tốt/ Biết tự vấn mỗi ngày” (Biết), và lý giải thêm về người biết và người không biết “Người biết là biết lắng nghe/ Người không biết lại hay khoe khoang mình/ Người biết là biết lặng im/ Người không biết lại cố tình ba hoa!/ Mới hay trong cõi người ta/ Biết như không biết mới là người khôn” (Biết và không). Cách lập luận này vừa hàm chứa triết lý, vừa mang tính đúc rút và phát hiện.
Tuy còn nhiều điều còn phải luận bàn thêm, nhưng những gì mà tập thơ “Biết để sống” mang lại như là sự khơi gợi, tâm sự nhẹ nhàng về đạo lý làm người, về thiện căn ẩn chứa trong mỗi con người và cảnh báo những thói hư tật xấu đang tồn tại quanh ta, và trong mỗi chúng ta…
Với ước muốn cái xấu ngày càng ít đi, cái tốt ngày càng nhiều hơn, mỗi người phải tự biết mình, biết người, sống với nhau có tình có nghĩa, để cuộc đời ngày càng đẹp hơn lên. Với bấy nhiêu thôi, thì “Biết để sống” là tập thơ đáng đọc để cùng suy ngẫm và hành động, hướng đến những giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ.
Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Huế lạ và xưa

Với khoảng 25 bức ảnh chụp về Huế từ hơn 130 năm về trước, một ngày giữa tháng 3 vừa qua, nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ đã phối hợp cùng không gian của Da:me coffee (đường Chu Văn An) kể chuyện về Huế xưa qua hình ảnh ngay trong lòng phố Tây, với tên gọi “Huế lạ và xưa”.

Huế lạ và xưa
Return to top