ClockThứ Ba, 24/10/2017 13:16

“Biệt đội” tuần rừng Thanh Tân

TTH - Từ những người khai thác rừng trái phép, họ đã trở thành những “kiểm lâm viên” chân chất với một tinh thần trách nhiệm bảo vệ, khoanh nuôi những diện tích rừng còn lại...

Cùng với công tác khoanh nuôi, “Biệt đội” còn phối hợp với kiểm lâm để xử lý các vụ vi phạm

 “Hồi đầu”

Từ khi giao rừng cho cộng đồng nhóm hộ Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), nhờ khoanh nuôi, bảo vệ tốt, trữ lượng gỗ nơi đây đã phát triển đáng kể. Ở đó, một phần “biệt đội” bảo vệ rừng là những hộ gia đình trước đây từng tham gia khai thác lâm sản, than củi trái phép. Ông Phan Dùng, kiểm lâm viên địa bàn Thanh Tân bảo, muốn hiểu hết ý nghĩa của những việc làm của cộng đồng nhóm hộ Thanh Tân trong công tác bảo vệ, khoanh nuôi rừng hiện nay thì phải “nắm” được lịch sử vùng đất này. Những hộ tham gia trong “biệt đội” bảo vệ rừng trước đây vốn là người dân Phong Sơn, thời chiến tranh, họ di tản mọi nơi. Thời bình, với chính sách di dân, khai thác đất đai hoang hóa, họ trở về lại nơi vùng đồi núi Thanh Tân sống dựa vào rừng.

Những khoảnh rừng cháy xém thời chiến tranh cộng với tác động khai thác của con người đã biến những diện tích rừng tự nhiên ở khu vực Thanh Tân thành rừng nghèo kiệt với cơ man cây bụi. Một thời, thiếu chất đốt vùng thành thị đã “đẩy” những lâm dân này lên lại với rừng, khai thác cây, đốt gỗ lấy than củi. Từ đó, cũng hình thành nên những “đội quân” chuyên sống dựa vào rừng. Nhưng, như lời các hộ dân tham gia nhóm bảo vệ rừng cộng đồng Thanh Tân, thì “ăn của rừng cũng rưng rưng nước mắt”. Từ những người khai thác rừng trái phép, họ đã trở thành những “kiểm lâm viên” chân chất với một tinh thần trách nhiệm bảo vệ, khoanh nuôi những diện tích rừng còn lại.

Ông Dùng tâm sự, để những lâm dân “quay đầu” là một câu chuyện dài, với cả những cam go mà sẽ không bao giờ thành công nếu không có “bàn tay” của chính quyền. Đó là, từ năm 2003, dự án thí điểm giao rừng cộng đồng cho các hộ dân Thanh Tân khoanh nuôi bảo vệ kết hợp với hưởng lợi từ khai thác lâm sản phụ. Nhưng mãi đến năm 2011, việc bảo vệ những diện tích rừng nghèo kiệt tại thôn Thanh Tân mới thực sự đi vào khuôn khổ khi UBND tỉnh có quyết định giao rừng cho cộng đồng nhóm hộ nơi đây.

Nhắc đến quá khứ một thời, ông Lê Đình (thôn Thanh Tân), một thành viên bảo vệ rừng không ngần ngại: “Hồi đó mình cũng như nhiều lâm dân khác phải sống dựa vào rừng, khai thác cây đốt củi lấy than kiếm sống. Rồi khi đất nước đổi mới, kinh tế gia đình ổn định, cây keo, cao su bắt đầu “bò” lên với người dân nơi đây. Áp lực với rừng đã giảm. Từ khi thành lập nhóm hộ, được hưởng lợi từ việc khai thác lâm sản phụ có kiểm soát và có kinh phí từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con nơi đây đã thực sự ý thức, trách nhiệm hơn”.

 Công tác tuần rừng của cộng đồng nhóm hộ Thanh Tân nhiều gian lao, vất vả

Ông Trần Thước, Trưởng nhóm rừng cộng đồng Thanh Tân chia sẻ, những hộ dân tham gia vào nhóm này hầu hết đều có diện tích rừng, cao su ở khu vực khe Thai. Đời sống người dân vốn gắn bó với rừng và giờ đây họ thực sự đã trở thành những “tai mắt” để bảo vệ rừng. Những chuyến tuần tra với sự dẫn dắt của kiểm lâm viên điạ bàn, nhóm bảo vệ rừng cộng đồng có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn và đẩy đuổi những đối tượng có hành vi khai thác gỗ rừng trái phép, khai thác lâm sản phụ ở khu vực đang khoanh nuôi và báo với chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm trong việc phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm.

Những địa danh đi qua thời chiến tranh với những cánh rừng cháy xém như khe Triền Tranh, đồi Lở Mẹ, chợ Đồng Kéo, đồi Trúc Voi nay lại “in dấu” những bước chân của “biệt đội” bảo vệ rừng. “Chuyện anh em tuần rừng bị thương, rắn cắn, gỗ đè gãy tay không phải là hiếm. Mỗi lúc như thế ngoài sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau, còn có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm”, ông Trần Thước trải lòng.

Giữ rừng cho con cháu

Trưởng thôn Thanh Tân - ông Nguyễn Minh Tiến bảo, giữ rừng hôm nay cũng như giữ chính ngôi nhà mình, là giữ cho con cháu mai sau. Đa số diện tích 156 ha đang khoanh nuôi bảo vệ đều nằm ở vùng thượng nguồn, nếu được bảo vệ tốt, không chỉ người dân được khai thác lâm sản phụ phục vụ sinh kế từ rừng và hưởng lợi từ việc khai thác gỗ khi đạt trữ lượng cho phép mà nó còn là “lá chắn” bảo vệ dân làng nơi đây. Ông Tiến phân tích: “Diện tích rừng cộng đồng được bảo vệ tốt, sẽ giữ nước, giảm dòng chảy phục vụ cho thủy điện Hương Điền và giảm xói lở khu vực rừng hạ du - đa số là rừng kinh tế với hàng trăm ha keo, tràm của lâm dân nơi đây. Nó còn mang lại ý nghĩa trong việc phục hồi sinh thái, đa dạng sinh học trước áp lực rừng ngày một gia tăng ở nhiều nơi”.

Không cần nói đâu xa, mà chính những hộ dân trong nhóm cộng đồng là những người nhận thức rõ điều này. “Rừng khai thác rồi cũng hết. Con cháu đã định cư nơi đây. Nếu mai này rừng hết thì không biết lấy gì sống. Giữ rừng hôm nay là “của để dành” cho con cháu mai sau”, ông Phan Sơn, một thành viên tâm niệm.

Với diện tích 156 ha được giao cho 39 hộ dân khoanh nuôi khai thác dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm, khi được giao, trữ lượng gỗ rừng chỉ 40m3 đến nay đã phát triển lên 60m3. “Con số 20m3 “dôi ra” tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức, hành động trong công tác bảo vệ những diện tích rừng nghèo kiệt và cả những giọt mồ hôi, giọt máu của lâm dân nơi đây”, ông Phan Dùng đúc kết. 39 hộ dân được chia làm 4 tổ, mỗi tháng tuần tra, bảo vệ rừng 2-3 lần, đột xuất thì 4-5 lần. Công tác tuần tra đều được Ban Quản lý rừng cộng đồng Thanh Tân lên kế hoạch từng tháng và mỗi nhóm kiểm tra sau khi kết thúc quá trình tuần tra đều có biên bản giao nhận hiện trạng rừng và báo cáo với chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm địa bàn.

 “Ngoài cộng đồng nhóm hộ Thanh Tân được giao 156 ha tại tiểu khu 79, trên địa bàn Phong Sơn còn có các nhóm hộ, cộng đồng Sơn Quả, Công Thành đang được giao bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng với diện tích 170 ha với 150 hộ dân tham gia. Nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ban quản lý rừng trong công tác tuyên truyền vận động, đã thay đổi nhận thức của người dân nơi đây, trữ lượng gỗ rừng sau khu khoanh nuôi, bảo vệ đã tăng đáng kể”, ông Nguyễn Bá Thạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền thông tin.

Nói về những dự định dài hơi để canh rừng, ông Phan Dùng, kiểm lâm viên địa bàn Thanh Tân chia sẻ, sau quá trình bảo vệ, khoanh nuôi, trữ lượng rừng tại đây đã tăng lên đáng kể nhưng những diện tích rừng này đa số vẫn là rừng nghèo kiệt, chưa đạt trữ lượng cho phép khai thác để hưởng lợi, do đó, Ban Quản lý rừng cộng đồng Thanh Tân đã xây dựng kế hoạch và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tiếp tục phục hồi rừng như luỗng phát thực bì cục bộ theo đám để trồng bổ sung, chặt bỏ những cây yếu, sâu bệnh trồng bổ sung để điều chỉnh mật độ. Để thực hiện được những việc này, là sự chung tay góp sức của các thành viên trong hộ gia đình của nhóm rừng cộng đồng.

“Để có sự đồng thuận cao, Ban Quản lý rừng đã có hướng dẫn cụ thể ở những khu vực khoanh nuôi và cho phép khai thác lâm sản phụ. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nhằm “đã thông tư tưởng” được xem là khâu quan trọng trong việc chung tay bảo vệ rừng đối với nhóm cộng đồng. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí từ việc chi trả môi trường rừng cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo công bằng”, ông Dùng khẳng định.

Một hiệu quả thấy rõ nhất là hiện nay, việc công nhận làng nghề nón lá Thanh Tân với hơn 100 hộ dân tham gia, sản phẩm đã mang lại sinh kế cho người dân nơi đây. Nguyên liệu lá nón phục vụ làng nghề được khai thác, bảo vệ có kế hoạch cụ thể từng khu vực đã giúp làng nghề phát triển, ổn định cuộc sống cho các hộ dân.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

            

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế

Với các chương trình trợ giúp sinh kế được đẩy mạnh, thực hiện một cách có hiệu quả, Hội Người Khuyết tật – Bảo trợ Người Khuyết tật & Trẻ Mồ côi (NKT – Bảo trợ NKT&TMC) tỉnh đã góp phần giúp nhiều người yếu thế có thêm động lực để vươn lên, ổn định đời sống.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế
Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương

Sáng 31/3, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế tổ chức tổng kết 30 năm hoạt động để đánh giá công tác khuyến học trong thời gian qua và xây dựng phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.

Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương
Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV

Tại Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã có bài phát biểu quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”. Tiếp thu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình bày tỏ niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng sắp diễn ra…

Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV
Return to top