ClockThứ Bảy, 24/12/2016 14:35

“Biệt dược” vùng cao

TTH - Chuyện các thầy lang ở vùng cao với các bài thuốc gia truyền chẳng có cứ liệu khoa học để chứng minh, dù thuốc của họ thuộc vào dạng “biệt dược”. Song, khi y học hiện đại “bó tay”, những bài thuốc đó không ít lần trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân lâm vào đường cùng.

Thuốc ngoài “sách vở”

Dò hỏi cánh thợ rừng về những cây thuốc quý ở miền cao, ai cũng lắc đầu và bảo, muốn biết phải tìm đến thầy lang. Trong câu chuyện với những người mưu sinh lưng chừng núi, tôi lần theo “dấu vết” đến nhà ông Lê Hồng Treo (bí danh Ka Lay, 70 tuổi, thôn La Tưn, xã A Đớt, huyện A Lưới). Gặp người lạ, thầy lang tóc muối tiêu tỏ vẻ điềm tĩnh nhưng ánh mắt không thôi dò xét. Ông hất hàm: “Người đồng bằng à? ở huyện mô? bị bệnh chi?”- “Dạ không, con chỉ muốn tìm hiểu về cây thuốc”. Thầy lang Treo vỗ đùi: “Hỏi đúng người rồi đấy, nhưng tui nói không có sách vở mô nghe. Chỉ là gia truyền mà thôi”.

Ông Hồ Xuân Khả trồng dược liệu xen với cây trồng tại vườn để chữa bệnh cho bản thân và gia đình

Ông Treo là cựu chiến binh.Năm 1968, ông nhập ngũ và làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Những chuyến hành quân băng rừng vượt suối là cơ duyên khiến ông gắn bó nhiều hơn với cây dược liệu. Nói nhiều hơn là bởi, từ nhỏ ông được bố truyền lại cách sử dụng lá thuốc trị bệnh. Chiến tranh khiến những “ngón nghề” đó có dịp thi triển. “Trên đường hành quân, bộ đội bị sốt rét, thương tích là chuyện bình thường. Chốn rừng sâu lấy mô ra thuốc để trị bệnh, chỉ dùng lá cây có sẵn trong rừng thôi. Hồi đó, tui được bố truyền lại một chút kiến thức nhận biết cây thuốc nên khi có người đau, tui tìm lá chữa trị. Bộ đội bị gãy tay, chân thì dùng lá đơn tử quân đắp, còn sốt rét sử dụng lá cầu đắng, bông ối giã ra vừa đắp vừa uống sẽ hiệu quả”, ông Treo tiết lộ.

Cái máu “bắt bệnh” của ông kéo dài đến sau ngày giải phóng. Hàng ngày, ông miệt mài vào tận rừng sâu, vùng biên giới để hái thuốc. Ban đầu chỉ trị bệnh cho những người thân trong gia đình, dần dà tiếng thầy lang Treo đồn xa, người dân địa phương, thậm chí từ đồng bằng tìm đến tận nhà để được bắt bệnh. “Lá thuốc không phải ai cũng biết tìm. Chỉ những người có nghề gia truyền mới biết lá cây đó trị bệnh được hay không chứ không thể hái bừa được”.

Những loại cây thuốc được ông Treo mang từ rừng về trồng tại vườn nhà

Hơn 40 năm băng rừng tìm lá thuốc, không ít lần ông tìm được những loại “biệt dược” mà sách vở chẳng hề có tên. Cách duy nhất để kiểm chứng sự an toàn là thử trên động vật, thậm chí thử ngay trên bản thân mình. Ông tiết lộ: “Trong cuộc đời tìm lá thuốc, tui tìm được mấy nghìn loài khác nhau. Nhưng chủ yếu trị bệnh về gan, thận, xương khớp, dạ dày… Ví như viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí nặng hơn... trị bằng cỏ lưỡi rắn, sảo tam phân, cây alipat, cỏ răng cưa, sâm ngọc linh; rắn độc cắn sử dụng lá dây đau xương, lá ngọc linh, cỏ lưỡi rắn; gãy xương dùng lá cây vũ bò, củ nâu, củ bổ béo, lá đơn tử quân…”.

Miên man theo câu chuyện trị bệnh bằng lá thuốc, vô tình nhắc đến những loại lá độc, gây chết người chỉ trong tích tắc, ông Treo lập tức xua tay: “Lá độc có nhiều loại và độc lực khác nhau. Riêng chuyện ni tui không nói. Nó liên quan đến tính mạng con người, lương tâm thầy lang không cho phép tiết lộ người ngoài”.

Rời nhà thầy lang Treo, tôi tìm đến nhà ông Hồ Xuân Khả (57 tuổi, thôn A So 2, xã Hương Lâm, huyện A Lưới), một trong số ít người chuyên săn tìm dược liệu. Ông Khả không phải thầy lang mà chỉ thích sưu tầm cây thuốc để trị bệnh cho riêng mình và người thân. Dẫn ra phía vườn, ông giới thiệu nào là dây pakit chữa bệnh thận; trái cây kating chữa xơ gan; cây nhăng, rakong chữa đau bụng; cây raving chữa cao huyết áp… “Những loại cây thuốc ni đến mùa tui phải đi bộ mấy ngày mới kiếm được. Từ nhỏ, bố tui truyền lại cách nhận biết và tác dụng của nó. Không phải ai đi rừng cũng kiếm được mô. Phải rành về cây thuốc mới dám hái”, ông Khả cho biết.

Cấp thiết lưu giữ

Chuyện các thầy lang ở vùng cao với các bài thuốc gia truyền chẳng có cứ liệu khoa học để chứng minh, dù thuốc của họ thuộc vào dạng “biệt dược”. Song, khi y học hiện đại “bó tay”, những bài thuốc đó không ít lần trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân lâm vào đường cùng. “Năm 2013, một người ở đồng bằng bị bệnh viêm xương nặng. Họ tìm đến, tui kê bài thuốc gồm lá dây đau xương, cây khúc khắc, dây núc nắc, củ mai và nhân sâm, giã nát lấy bả đắp và nước uống trong vòng 6 tháng khỏi hẳn. Sau đó họ nhiều lần lên tận nhà để cảm ơn, tết năm mô cũng lên thăm hỏi sức khỏe”, ông Treo tự hào.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Y Dược – ĐH Huế, bà thừa nhận: “Những bài thuốc của đồng bào được thực hiện theo kiến thức của dân bản địa, khoa học khó có thể chứng minh. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh viện trả về nhưng uống thuốc của thầy lang vùng cao lại khỏi”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài, kiến thức về bài thuốc gia truyền của dân bản địa vô cùng quý, nhưng hiện nay, những kiến thức đó không được lưu giữ một cách bài bản và khoa học chưa thể chứng minh. Đối với những nước phát triển, quá trình nghiên cứu một loại thuốc mới từ dược liệu phải mất từ 10-15 năm và tiêu tốn kinh phí khoảng 1 tỉ USD. Tại Việt Nam, nguồn tài nguyên rừng rất phong phú và cây dược liệu thì bao la. Chúng tôi đã nhiều lần khảo sát ở các xã A Đớt, A Roàng (A Lưới) để nghiên cứu và thực tế, về mặt y học cổ truyền, những loại dược liệu tạo ra bài thuốc gia truyền của đồng bào rất quý, nhưng nhiều dân tộc chưa có chữ viết nên việc lưu giữ là vô cùng khó.

Hiện ở Huế, ngoài những vườn cây dược liệu nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các địa phương thì chưa có vùng quy hoạch quy mô để trồng, bảo lưu các loài cây thuốc quý. Việc xác định tên loài của một số cây được gọi là “biệt dược” cũng rất khó khăn. “Sau nhiều lần thực tế ở A Lưới, tham khảo những bài thuốc của thầy lang vùng cao, chúng tôi đã gửi mẫu cây ra Viện Sinh thái và Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nhằm xác định tên loài. Ngoài những mẫu cây được xác định như, chùm gửi, chánh ốc, mán đĩa,… thì còn nhiều loài cây thuốc quý của đồng bào vẫn chưa xác định được tên. Khi chưa xác định được tên thì không có cứ liệu để nghiên cứu và ở Huế vẫn chưa có trung tâm nghiên cứu về dược liệu. Do vậy, việc bảo tồn kiến thức và cây dược liệu vùng cao là vô cùng cấp thiết”, bà Hoài chia sẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ

Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, sau khoảng thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19, Hồ Viết Ái Duy (sinh năm 1997, dân tộc Pa Cô, trú thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ
Không cam chịu khi bị bạo hành

Bạo lực gia đình (BLGĐ) trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ vùng cao A Lưới. Các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm thay đổi nhận thức, hướng tới “nói không với BLGĐ”.

Không cam chịu khi bị bạo hành
Khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng cao A Lưới

Ngày 11/11, Hội Nhi Khoa tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Y tế tỉnh, Huyện Đoàn A Lưới tổ chức khám bệnh; tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại các xã miền núi, biên giới, huyện A Lưới.

Khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng cao A Lưới
Nhiệt tâm của thầy giáo trẻ nơi vùng cao A Lưới

Tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ở Trường ĐHSP Huế, năm 2017 thầy giáo trẻ Trần Đình Phương (sinh năm 1991) lên nhận công tác tại Trường THCS & THPT Hồng Vân (A Lưới). Từ xã Phú Mậu, Phú Vang đến Hồng Vân dài gần 100 cây số, thầy Phương vẫn miệt mài, say mê để thắp lửa tri thức cho học sinh vùng cao còn lắm gian nan nơi đây.

Nhiệt tâm của thầy giáo trẻ nơi vùng cao A Lưới
Tổ chức các phiên chợ vùng cao gắn với sản phẩm OCOP

Ngày 3/11, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) đã có buổi làm việc với huyện A Lưới về kiểm tra kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện.

Tổ chức các phiên chợ vùng cao gắn với sản phẩm OCOP

TIN MỚI

Return to top