ClockThứ Ba, 17/11/2020 14:40

Biết ơn hồ Tả Trạch

TTH - Tuy người ta không nói ra, nhưng tui biết dân quê tui họ cảm ơn cái hồ Tả Trạch ghê lắm...

Triển khai đồng bộ các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ

Lũ lụt tại TP. Huế đợt giữa tháng 10/2020

Hơi có tuổi chút là xương cốt bắt đầu làm mình làm mẩy, hết đau lưng đến nhức mỏi vai gáy, đỡ nhức mỏi vai gáy lại chạy sang khớp gối khớp tay. Với thứ này phải trường kỳ kháng chiến, tây y không được khuyến khích lắm nên tôi theo lời khuyên tìm đến với đông y.

Đang quá trình chữa trị thì xảy ra lũ lụt. Lũ lụt dữ dội, kinh hoàng. Tin loan đỉnh lũ có nơi vượt cả đỉnh lũ lịch sử tháng 11/1999! Thiệt hại nhân mạng, tài sản gây chấn động người dân cả nước…

Nằm cho lương y châm cứu trong những ngày mưa gió, câu chuyện giữa tôi với ông không gì khác là xoay quanh bão lụt. Từ chuyện lũ ngâm, đường phá, núi lở, rừng thưa cho đến chuyện đói kém, cứu trợ... Câu chuyện cứ nối nhau, nói hoài không hết. Bỗng dưng, vị lương y bảo: “Quê tôi ở miệt Thủy Bằng, Hương Thọ. Tuy người ta không nói ra, nhưng tui biết dân quê tui họ cảm ơn cái hồ Tả Trạch ghê lắm”.

Sở dĩ vị lương y nói thế là vì năm 1999, cơn lũ lịch sử đã gần như nhấn chìm cả làng ông. Ông bảo, năm ấy, suýt nữa thì bố ông thiệt mạng. Lũ lên nhanh và cao quá, cụ không trở tay kịp, bị nước “ép” lên tới nóc nhà. May mà vớ được cái rựa, cụ đã phá mái thoát ra, được người con chèo thuyền đến cứu. Nghe ông kể, tôi biết ông không hề nói ngoa, bởi sau cơn lũ tháng 11/1999, tôi từng theo đưa tin đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải lên thăm Thủy Bằng, Hương Thọ. Tại đây, chính Thủ tướng cũng sửng sốt khi tận mắt chứng kiến những rác rều do lũ cuốn về vẫn còn vướng lại trên các ngọn tre, trên đầu các cột điện. Dấu tích cho thấy đỉnh lũ ở đây khủng khiếp đến thế nào. Vậy nhưng năm nay, mưa dữ dội và kéo dài đến như thế, cơ quan chức năng và báo chí loan tin nhiều nơi đỉnh lũ vượt mốc lũ lịch sử năm 1999, song vùng Thủy Bằng, Hương Thọ quê ông, lụt mới chỉ mấp mé hai bên vệ đường. Đó là nhờ có hồ Tả Trạch điều tiết - ông khẳng định.

Hồ Tả Trạch có dung tích hơn 500 triệu m3. Là công trình hồ chứa quy mô lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và đứng hàng thứ hai ở miền Trung, sau hồ Cửa Đạt ở Thanh Hóa. Công trình này được đặt ra từ rất lâu, là khao khát của nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do quy mô kéo theo kinh phí rất lớn, nên việc triển khai không hề dễ dàng trong điều kiện ngân sách đất nước chưa được dồi dào. Sau cơn lũ lịch sử 1999, việc xây dựng công trình này được đặt ra cấp thiết hơn.

Đầu tháng 12/1999, đồng chí Võ Văn Kiệt, cố vấn BCHTW Đảng đến thăm Huế, lúc này một cơn lũ mới với cường suất không nhỏ đang đổ về, mặc dù tuổi đã gần 80, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn quyết định xuống ca nô, đội mưa, vượt lũ lên thượng nguồn, thị sát nơi dự kiến sẽ xây dựng công trình.

Với sự quan tâm của Trung ương, sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, ngày 26/11/2005, tại địa phận xã Dương Hòa (Hương Thủy), công trình hồ Tả Trạch được phát lệnh khởi công. Với diện tích lưu vực 717 km2, dung tích 509,8 triệu m3...

Công trình hồ Tả Trạch có chức năng chính là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, nước tưới cho gần 35.000 ha đất canh tác vùng đồng bằng, đồng thời cung ứng một lượng nước ngọt lớn cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá phục vụ nuôi trồng thủy sản. Khi cần thiết, công trình này còn phát điện với công suất 18.000 kW, sản xuất lượng điện trung bình hằng năm 60 triệu kWh. “Hồ Tả Trạch không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn ý nghĩa rất lớn về xã hội, môi trường nên không cho phép chúng ta sơ sẩy một chút nào về mặt chất lượng.” – Phó Thủ tướng Vũ Khoan thay mặt Chính phủ đã đặc biệt quán triệt như thế trước khi chính thức phát lệnh khởi công.

Công trình hoàn tất và đi vào vận hành, lũ lụt vùng hạ du giảm đi thấy rõ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, từ khi tích nước hồ Tả Trạch đã phát huy tác dụng đắc lực, hàng năm cắt ít nhất 1-2 trận lũ lớn trên báo động 3 cho Huế. Và đến đợt lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 vừa rồi, dân vùng hạ du, mà đặc biệt như vùng Thủy Bằng, Hương Thọ mới thực sự cảm nhận được giá trị to lớn ấy. Người ta cũng ước tính, nếu đợt lũ vừa rồi không có hồ Tả Trạch, mực nước ở Huế đã có thể sẽ cao hơn gần cả mét…

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến các vị lãnh đạo tiền bối, nhớ hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt đội mưa vượt lũ, bất chấp sức khỏe, tuổi tác, bất chấp đường dốc trơn trượt, quyết leo lên đỉnh một ngọn đồi để tận mắt quan sát địa thế nơi dự kiến sẽ phóng tuyến đập chính; nhớ hình ảnh đồng chí Phan Văn Khải hiền lành, ánh mắt đầy chia sẻ, xót xa khi phải chứng kiến những tổn thất to lớn của người dân sau cơn lũ dữ… Có lẽ bây giờ, biết công trình mà mình từng thao thức, tâm huyết phát huy hiệu quả, nơi thế giới người hiền, hẳn các Ông cũng ngậm cười thanh thản…

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết Mỹ đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hỏa hoạn và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ USD (mỗi thảm họa) trong năm 2023 và nhiệt độ trung bình của nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023
Malaysia: Hơn 28.000 người phải sơ tán do lũ lụt

Johor và Sabah vừa trở thành những tiểu bang mới nhất ở Malaysia hứng chịu lũ lụt, nâng tổng số khu vực bị ảnh hưởng lên 6 tiểu bang, với số người sơ tán tính đến 6h sáng 27/12 (giờ địa phương) tăng lên 28.310 người, so với 25.938 người được ghi nhận trước đó vào tối 26/12.

Malaysia Hơn 28 000 người phải sơ tán do lũ lụt
Gieo lại mầm xanh

Trận mưa lũ giữa tháng 11 vừa qua, khiến nhiều vùng sản xuất rau màu bị thiệt hại nặng nề. Đua với thời gian, ngay khi nước rút, tranh thủ ngày tạnh ráo, bà con nông dân dọn dẹp bùn non, bắt tay gầy dựng lại vườn tược, tỉa dặm và trồng mới rau màu cho kịp nông lịch.

Gieo lại mầm xanh
Thông tin doanh nghiệp
BGI Topaz Downtown được lòng nhà đầu tư nhờ thiết kế cao độ tránh lũ lụt

Phát triển từ ý tưởng về một dự án sở hữu cao độ ấn tượng, hạn chế tối đa tác động từ những trận lũ thường niên tại Huế của chủ đầu tư BGI Group, Zoo Studio - đơn vị thiết kế hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản, đã bắt tay vào kiến tạo dự án BGI Topaz Downtown với kỳ vọng nâng tầm chất lượng cuộc sống cho cư dân nơi đây.

BGI Topaz Downtown được lòng nhà đầu tư nhờ thiết kế cao độ tránh lũ lụt
Return to top