ClockThứ Sáu, 23/07/2021 18:57

Bình Thành: Khắc phục ô nhiễm môi trường ở bãi tập kết gỗ

TTH - Sau kiến nghị của người dân thôn Tân Thọ, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà về việc bãi trung chuyển gỗ làm ô nhiễm môi trường, đến nay, 2/3 doanh nghiệp (DN) tại đây tạm dừng hoạt động, 1 DN đã có hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Khu vực tập kết gỗ của Doanh nghiệp Ngọc Quý

Trước đó, người dân thôn Tân Thọ có đơn kiến nghị gửi Báo Thừa Thiên Huế phản ánh: Từ đầu năm 2019 đến nay, bãi thu mua gỗ trước mặt Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) xã Bình Thành làm bãi trung chuyển gỗ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng, gây tiếng ồn, xả rác thải ô uế nơi linh thiêng.... Một xưởng cưa khác thuê đất của ông Trần Quốc Tiến và bà Trần Thị Lệ Hoa đóng trên địa bàn thôn Tân Thọ cho một số người thuê lại làm trạm cân để trung chuyển gỗ keo tràm gây ÔNMT (bụi, đất), ô nhiễm không khí do đốt vỏ keo tràm, chất thải; ô nhiễm tiếng ồn (từ 6h sáng đến 1h đêm). Ngoài ra, xe trung chuyển chở quá khổ, quá tải thường xuyên đậu lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng người dân trong thôn, gây ách tắc nguy hiểm tới an toàn giao thông...

Trong đơn, người dân Tân Thọ mong muốn các cấp chính quyền giải quyết để trả lại yên bình cho người dân...

Có nhà ngay phía trước bãi tập kết, anh Đ. bày tỏ: “Người dân quanh đây ảnh hưởng nhiều bởi tiếng ồn của xưởng cưa (có hôm làm đến 11-12h đêm). Tuy nhiên, nghe mãi cũng quen, riêng bụi thì chịu; chỉ sợ về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, nhất là nhà có ai có trẻ nhỏ, người già”.

Chị T. vợ anh Đ. cho hay: Hàng ngày, xe vô ra đây hàng trăm lượt. Nếu có gió, bụi mịn ở bãi đất tung mù mịt. Dù DN có xịt nước, nhưng nắng như đổ lửa thì xịt mấy cho đủ. Ngay đoạn QL49 xe vô ra, xịt chưa đầy 5 phút đã khô, còn phía sau khu vực tập kết, cả bãi đất rộng lớn thì xịt nước chỉ như muối bỏ bể; nhất là những ngày có gió nam, gió nồm, bụi càng nhiều.

“Ai cũng làm ăn cả, nhưng chúng tôi yêu cầu DN có biện pháp xử lý môi trường để người dân yên tâm sinh sống. Chỉ cần DN thuê người xúc bớt lớp đất bột bên trên, đổ đá dăm khu vực này để hạn chế bụi”, anh Đ. đề xuất.

Chủ tịch UBND xã Bình Thành, ông Trương Ngọc Dũng thông tin: Việc phản ánh của người dân thôn Tân Thọ là có cơ sở.

Sau khi nhận đơn kiến nghị, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cùng đại diện Thường trực HĐND, mặt trận và địa chính xã đã tiến hành kiểm tra thực tế việc sản xuất kinh doanh (SXKD) của các tổ chức, DN có liên quan và đề nghị các đơn vị này khắc phục, xử lý những tồn tại mà người dân đã phản ánh.

Theo ông Mai Ngọc Quý, Công chức địa chính UBND xã Bình Thành, tại buổi họp dân do xã tổ chức, người dân Tân Thọ đồng tình thống nhất để các DN tiếp tục hoạt động SXKD, tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường.

Ông Hoàng Văn Cào, Quản lý Công ty Ngọc Quý cho hay, bãi tập kết do DN thuê đất của người dân Tân Thọ để xử lý gỗ rừng trồng từ A Lưới về (bốc vác, vận chuyển, bóc vỏ, cưa xẻ gỗ), với hơn 20 nhân công, chủ yếu thuê người địa phương.

“Vừa rồi, UBND xã có thành lập đoàn đến kiểm tra, ở trên đường (từ QL49 vào bãi) chúng tôi xịt nước mỗi ngày 5-6 lần. Việc phản ảnh, người dân nói thì chúng tôi nghe, vì làm ăn không phải chỉ biết được việc cho mình mà ảnh hưởng người khác”, ông Cào nói.

Chủ tịch UBND xã Bình Thành thông tin: Qua làm việc với 3 DN có bãi tập kết gỗ tại thôn, đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (số tiền 2,5 triệu đồng) với Công ty TNHH Phát Huy có hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý để tập kết gỗ trái phép khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Công ty TNHH Phát Huy đã cam kết sẽ khắc phục và di dời số lượng gỗ để trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời chấp hành nộp phạt theo quy định. Đến nay, bãi tập kết của Công ty TNHH Phát Huy đã dọn sạch và có thông báo với xã tạm dừng hoạt động.

Công ty Anh Sang tại thời điểm kiểm tra đã khắc phục một số tồn tại, tuy nhiên chưa đảm bảo yêu cầu, UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng. Phía Công ty Anh Sang cam kết sẽ khắc phục những tồn tại và đã vận chuyển số gỗ còn lại ra khỏi vị trí trước mặt NTLS xã.

Riêng Công ty Ngọc Quý đã khắc phục tốt những tồn tại, xã yêu cầu trong quá trình hoạt động SXKD, DN phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến môi trường và không làm ảnh hưởng các hộ dân sinh sống xung quanh. “Công ty Ngọc Quý đã tiến hành đổ bê tông đường từ trạm cân vào bãi tập kết để giảm bụi khi xe ra vào, đồng thời, khoan giếng, mua thêm xe xịt nước khu vực bãi. Đến nay, người dân đã không còn phản ánh về vấn đề ÔNMT”, ông Dũng nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

TIN MỚI

Return to top