ClockThứ Năm, 05/09/2013 10:43

Bình yên hẻm nhỏ

TTH - LTS: Vừa qua, Trung tâm Học liệu Đại học Huế có tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử  các con đường thông qua cảm nhận và kỷ niệm của cá nhân của các sinh viên, cuộc thi mang tên CON ĐƯỜNG THÀNH HUẾ TÔI QUA. Trong tình hình nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên còn thờ ơ với lịch sử quê hương, dân tộc, thậm chí không ít nơi trong cuộc thi phổ thông và đại học, số thí sinh bị điểm 0 và điểm 1 môn lịch sử lên tới con số báo động, thì cuộc thi này mang một ý nghĩa to lớn. Nó đã thu hút cả những người lớn tuổi, thậm chí cả người thuộc lớp “cổ lai hy”. Dưới đây là trích đăng bài viết tham gia cuộc thi này.

... Khi ai đó hỏi rằng, con đường nào đẹp nhất Huế, có lẽ tôi sẽ nói rằng: đường Lê Lợi xanh ngát bên dòng Hương, đường Phượng Bay lãng mạn bên thành Huế, đường Chi Lăng cổ kính dài hun hút, và nhiều, nhiều lắm... Nhưng nếu có ai đó hỏi rằng, tôi yêu con đường nào nhất, thì lạ thay, đó không phải là những con đường nổi tiếng gắn liền với Huế, không phải là những đại lộ thênh thang, cũng không phải là những con phố lấp lánh ánh đèn. Tôi yêu nhất là con hẻm nhỏ dẫn vào nhà tôi. Tôi quen gọi nó là hẻm không tên, vì dường như cái tên của hẻm luôn bị thay đổi. Tôi gọi nó bằng hẻm Đinh Tiên Hoàng, hẻm chợ Cầu Kho, hẻm hồ Tịnh Tâm... Và dẫu có tên gì, con đường tình yêu mà hẻm dẫn vào tim tôi đã ngập tràn tự bao giờ...

Con hẻm là nơi tiễn bước mỗi lúc tôi ra đi, và cũng là nơi đón buớc tôi trở về sau mỗi lần rong ruổi. Vượt qua cái đằng đẵng của thời gian, vời vợi của không gian, hẻm vẫn ở đó, âm thầm và dịu dàng nâng đỡ, chờ đợi từng bước chân tôi.

Tuổi thơ tôi gắn liền với con hẻm nhỏ. Bước chân đầu tiên tôi chập chững bước vào cuộc đời chính là bước đi trên con hẻm này. Rồi ký ức về tuổi ấu thơ ngọt ngào nhất, hẻm đã cất giữ toàn bộ cho tôi. Ở đó có bạn bè với bao trò chơi ríu rít, những buổi trưa trốn ngủ đi hái trộm hoa, những buổi chiều thả diều, bắn bi... không bao giờ biết mệt. Trong thế giới nhỏ bé và lung linh đó, chỉ có ta, có hẻm, có người thân, có niềm vui...

Tôi thích mùa hè, vì tôi thích nhất lúc hẻm vào mùa sen nở. Đường vào hẻm là một hồ sen đẹp miên man. Có lẽ, ai đến Huế mà chưa một lần đến Hồ Tịnh Tâm, ngắm nhìn sen Tịnh, thưởng thức sen Tịnh thì sẽ không bao giờ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất Cố đô này. Tôi vẫn nhớ, bài ca dao tôi thuộc đầu tiên là bài ca dao mẹ dạy về loài hoa thanh cao này:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài ca dao có một sức sống dai dẳng và mãnh liệt đến nỗi tôi đọc, tôi ngân nga và tôi như vỡ oà ra trong vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen. Tôi có thể đứng cả chiều cùng ba, nhìn những chiếc ghe lặn ngập giữa một rừng lá xanh, điểm xuyết sen A, sen trắng... dưới ánh nắng vàng dìu dịu của hoàng hôn. Đó là một bức tranh thiên nhiên thanh bình và dịu dàng đến kì lạ mà chỉ hẻm tôi mới có.

Hẻm ơi, có phải hẻm còn giữ giùm tôi mối tình đầu chớm nở. Ở đó, có cái nắm tay đầy e thẹn, cái đỏ mặt ngại ngùng của lúc mới yêu. Có phải trong cuộc đời này, luôn có những tình cảm trong veo và bình yên đến như thế. Hẻm nhớ hết phải không? Những nụ cười, những hy vọng và cả những giọt nước mắt biệt ly của sự tan vỡ...

Năm tháng thấm thoắt trôi qua, tạm biệt nhé những tháng ngày rong chơi mê mải. Tôi xa rời một thời trong vắt tiếng cười, niềm vui và hồn nhiên tuổi nhỏ. Bước chân tôi đã lớn dần lên mà hẻm vẫn như vậy, âm thầm và bình lặng. Những góc phố giờ phủ rêu phong nhiều hơn, những ngôi nhà cũ dần theo năm tháng. Có phải hẻm quá nhỏ bé để tôi có thể thực hiện ước mơ của mình. Hay cái thế giới bé nhỏ của hẻm đã không còn níu giữ được bước chân tôi. Cái phồn hoa và tấp nập của thế giới bên ngoài có sức cuốn hút mãnh liệt đối với khát vọng tuổi trẻ. Tôi hồ hởi đón nhận thế giới mới bằng một niềm vui rạo rực. Ơ kìa, những đại lộ kéo dài hun hút, những ánh đèn lấp lánh không bao giờ tắt, và cả những con người đầy giàu sang phú quý. Một chân trời đầy mộng mơ và hoài bão để ta có thể sải cánh bay cao.

Và rồi, giữa cái xô bồ, nhộn nhịp đó, tôi lại mải miết đi tìm một cảm giác bình yên. Cái rộng lớn làm tôi lạc lõng, cái hối hả lại khiến tôi cô đơn. Bất chợt, một buổi chiều, lang thang vào một hẻm nhỏ khác. Cố tìm xem liệu có phải con hẻm nào cũng như hẻm nào không. Và mọi cảm xúc như vỡ oà ra trước hẻm. Tôi nhớ hẻm của tôi đến thắt lòng. Chỉ hẻm của tôi mới có hàng cây đó, mới có tiếng rao đó, mới có hương thơm, mới có những con người đó. Phải về thôi, về với hẻm, bởi tôi biết rằng, hẻm vẫn mãi ở đó đợi tôi..

Mỹ Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top