ClockThứ Sáu, 17/08/2012 05:16

Bình yên một góc nhỏ....

TTH.VN - Huế mùa này nắng đổ lửa. Từ sớm, từng tia nắng li ti đã nhanh nhảu chui vào phòng đánh thức cơn say, gọi mọi người chào đón ngày mới. 7 giờ sáng, nắng tràn khắp đường, nhuộm vàng bóng cây, phủ lên ly cà phê của ba tôi. Rồi sẽ lại nắng ghê lắm...

 Bước qua những ngày đầu tiên của mùa thu, chúng tôi ngậm ngùi tạm biệt một mùa hè đầy nắng, đầy gió với những chuyến ''phượt'' cùng ba mẹ, bạn bè đến với núi, sông, biển cả. Tạm biệt những giờ phút rảnh rỗi tám chuyện, lê la hàng quán cả ngày với bạn bè hay những khi tranh thủ nướng một chút với những giấc mơ thật đẹp. Sắp đi học lại, lại tất bật sửa soạn, mua sắm quần áo, sách vở, chuẩn bị thật tươm tất cho năm học cuối, cho 9 tháng cuối được ngồi trên ghế nhà trường. Lòng nôn nao đến lạ. Lại sắp quay lại với những bài kiểm tra chất đống, bài tập phủ ngút ngàn và đón chờ kì thi quan trọng kết thúc 12 năm đèn sách cật lực của mình… 

Sáng nay, tôi và con bạn thân rủ nhau đi lấy đồng phục chuẩn bị cho ngày tập trung sắp tới. Nói là phải đi cho nhanh, về cũng thật nhanh để còn ''xử'' đống bài tập thêm ''vời vợi'' ở nhà. Và tránh cái nắng cháy da cháy thịt mà tạo hóa ban tặng cho Huế nên tụi tôi hẹn nhau đi thiệt sớm. Teen mà, lại là teen Huế, tụi tôi quen quá cái món cơm hến bình dân mà ngon tuyêt cú mèo ấy. Chút ruốc, chút ớt cũng đủ để bữa sáng của tụi tôi thêm ngon và ''bữa tám'' đầu ngày càng thêm sôi động. Những ngày cuối cùng của mùa hạ, những ngày cuối cùng hiếm hoi tụi con gái chúng tôi được ăn với nhau, tám với nhau thỏa thích nên phải tận dụng nó chứ nhỉ.

- Cơm hến đi- Tôi gọi

- Ừ, chỗ cũ nhé

Thế là 2 con tòn ten dắt nhau về quán hến quen thuộc đẫn 1 bụng đầy hến, cập nhật đầy đủ thông tin cho những ngày vừa qua không gặp. Quán hến này nằm gọn lỏn trong khu tập thể nhà cũ của tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không về lại đó.Tôi đã đi khỏi nơi này 5, 6 năm rồi, có lẽ thế. Đã quá lâu để tôi có thể nhớ kĩ về một ấu thơ ở đây. Chợt nhận ra thời gian cứ trôi, cuốn con người theo cái nhịp sống hối hả, cuốn tụi con nít chúng tôi với những ca học thêm sáng, chiều, những bài kiểm tra dày đặc làm nhiều khi, con người đành gác miền kí ức về một tuổi ấu thơ lại một bên mà hòa mình đuổi theo nhịp chảy đó. Tự thấy mình vô tâm quá. Cầm tô hến trong tay, tôi ngước lên nhìn cánh cửa sổ cũ, nơi có lẽ ngày xưa tôi vẫn hay cập nhật thông tin từ mấy đứa hàng xóm khi ngoại không cho ra khỏi nhà. Giờ nó đã cũ quá rồi. Nắng mưa làm con người ta chai sạn, mòn đời, và giờ đây, nắng mưa làm cách cửa thông tin của tôi bạc màu hết cả. Thấy rõ những đường nứt dài chạy dọc hai bên cạnh cửa, và màu sơn xanh rêu đẹp đẽ ngày nào giờ cũng đã cũ đi nhiều quá. Vẫn tám với con bạn cật lực mà trong tôi ngổn ngang những kí ức của ngày xưa. Nó cứ trào về liên tục, chen lấn nhau, phủ dày cả một khoảng trời đầy nắng. Rồi tôi nhớ, đan xen trong những câu chuyện về thần tượng với con bạn, từng hình ảnh của một con bé tóc ngắn cũn cỡn, mồ hôi nhễ nhãi tay ôm bì gạo xuống cầu thang chơi nấu cơm với đám bạn. Không mờ nhạt, cũng không quá rõ nét nhưng đủ mạnh để thúc tôi ăn nhanh hơn, tám nhanh hơn, “hoàn thành nhiệm vụ” sớm hơn để miền kí ức kia còn trào ra một cách mãnh liệt.

 Tôi nhớ, ngày một rõ hơn về một ấu thơ tôi lớn lên trong căn nhà bé nhỏ ấy. Không có lên lầu hay xuống lầu gì đâu. Tôi cứ chạy xồng xộc từ phòng ngoại, qua phòng khách rồi sà vào lòng ba tôi xin quà bánh. Nhà này sát nhà kia, vì khu tập thể mà. Nên tôi có thể ngang nhiên chạy sang nhà bác hàng xóm xin ăn cơm ké, chơi ké với anh chị con bác ấy thật vui vẻ mà không cần bấm chuông hay chờ đợi gì nhiều như bây giờ. Cả một kí ức dài nuôi tôi lớn lên với những con người hiền hòa ấy. Tôi nhớ những ngày khi ông tôi còn sống, ông hay chở tôi đi chơi trên chiếc xe đạp cũ mòn, để tôi ngồi trên giỏ xe rồi buộc tấm vải qua người đề phòng bất trắc. Tôi nhìn thấy cả một bầu trời, cả một cuộc đời tươi đẹp đang diễn ra trước mắt, cảm nhận rõ ràng niềm vui trào dâng trong tôi và trong cả nụ cười hiền của ông ngoại. Tôi nhớ cả những lần sà vào người ông cốt để tránh những trận đòn roi của ngoại. Tôi đang nhớ, và tôi đang nghe đâu đây phảng phất tiếng gọi:

-Ông, ông...

-Thôi bà ,nó còn nhỏ...

 

Tôi nhớ những trận cười sáng khoái khi nghe ông kể chuyện. Từng âm thanh yêu thương quen thuộc lại quay về, rõ nét hơn,kéo dậy trong tôi nụ cười hiền hòa của ông ngoại, của vòng tay to ấm áp ông vẫn ôm tôi ngày nào. Kéo dậy trong tôi một nỗi nhớ ông da diết mà bấy lâu nay tôi cất kĩ nó tận sâu trong lòng và cười đùa với đám bạn. Tôi lớn lên trong vòng tay ông ở đây, sà vào lòng ông ở đây và cất tiếng gọi "ông, ông'' cũng ở đây khi ông bỏ tụi tôi mà đi. Giờ còn đâu những lần ông ôm tôi, còn đâu những lần ông kể chuyện cười cho tôi tựa những trưa hè ấy. Nhưng còn mãi một tình yêu thương mặn nồng tôi trao đi và nhận lại. Tôi nhớ những ngày cùng đám bạn chơi nhảy dây, banh đũa hay tập xe đạp. Ừ, ở đây hết chứ đâu. Còn lại đây cả những tiếng cười giòn tan con nít, cả những khi khóc nhè do bạn bè trêu chọc hay những tiếng thét vang trời của những vết thương vì chạy quá đà cho cái trò bịt mắt bắt dê. Nơi đây, có cả những lần tôi chê đồ ăn nhà mình í ẹ, lăng xăng ăn ké đồ ăn bác hàng xóm mà nào có biết thực ra chỉ đổi cái chén đựng thịt, cái xoong đựng canh. Vẫn còn rõ lắm lần tôi háu ăn, ôm cả cái xoong thiếu quai của nhà bác ấy lên húp chùn chụt như sợ mất phần trong tiếng cười xòa của mọi người. Thời ấy mọi thứ còn quá rẻ so với bây giờ. Chả có hùng hục tăng giá hay lạm phát như bây giờ đâu. Nên với 2000 tiền ăn sáng trong tay, tôi có thể no căng với :

- Dì ơi bán cho cháu 500 cơm hến. Hay:

- Dì ơi 1000 tiền nước này. Hihi…

 

Đã rất vui mà. Phải không. Nhớ cái lần gần đây về lại nhà cũ, mọi thứ trong tôi sao bé nhỏ đến lạ. Bàn thờ, nơi hồi xưa tôi phải khó nhọc bắc ghế mới thắp hương được thì bây giờ đã có thể bước đến thắp nén hương cho cậu, cho bác,cho chị và cho ông một cách nhẹ nhàng. Đã có thể tranh thủ thỏ thẻ dù ít thôi về sức khỏe của ngoại, việc làm ăn của ba mẹ và mối tình gà bông đầu tiên của mình cho ông nghe được rồi. Mọi thứ vẫn như thế. Cả cái hành lang dài, nơi hồi xưa tôi bê cuốn tập ra đó nhìn mây trời rồi xuất khẩu thành thơ vẫn thế. Có khác gì đâu. Chỉ có ngoại tôi là già đi, tôi lớn lên từng ngày nên mỗi khi về đây, tất cả lại nhỏ hơn một chút, hàng chữ run run tôi viết trên tường cạnh tấm rèm trúc: "ba ơi chở con với cô Ba đi nhà sách Lạc Việt" giờ cũng đã mờ đi mấy phần. Ừ thì nhà nhỏ nhưng đã khơi dậy trong tôi bao ước mơ lớn lao cho một tương lai sau này, hay chắp cánh cho trí tưởng tượng bay xa khi hì hục cho gạo vào bao ni lông giấu kĩ trong góc bàn thờ phòng khi nếu có lụt lại như năm 99, gạo nhà hàng xóm trôi hết thì nhà mình vẫn có cơm ăn căng bụng. 

Ừ! Có thể trong một phút nào đó, hòa mình trong dòng đời hối hả, tôi thoáng bằng lòng để quá khứ của tôi trôi đi, để ấu thơ của tôi vụt bay mất. Nhưng chắc chắn, đó chỉ là những suy nghĩ vụng dại trong một khoảnh khắc thôi. Chắc chắn thế. Nào ai quên được gốc rễ nơi mình sinh ra và lớn lên, nào ai quên được nụ cười trong vắt lắng đọng hồn người của một ấu thơ hồn nhiên, mơ mộng. Nào ai có thể... và tất nhiên, tôi cũng thế thôi. Vẫn đây, yên bình một góc nhỏ trong sâu thẳm đáy lòng...

                                                                                                            Hani

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top