ClockThứ Sáu, 02/06/2017 14:07

Bỏ biên chế, giáo viên hoang mang, thời gian đâu lo chương trình mới

Trong lúc có quá nhiều vấn đề xảy ra, Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Quốc hội lùi thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, đã đề xuất với Bộ Giáo dục-Đào tạo phương án lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới 1 năm so với tiến độ. Một số ý kiến của chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Giáo dục- Đào tạo nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Quốc hội lùi thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới nếu như các điều kiện chưa sẵn sàng.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến góp ý nhiều chiều, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đề xuất Bộ Giáo dục- Đào tạo 2 phương án.

Một là, Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng theo phương thức “cuốn chiếu” ở mỗi cấp học, bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2018-2019, lớp 6 từ năm học 2019-2020 và lớp 10 từ năm học 2021-2022. Phương án này đã bám sát lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới quy định tại Nghị quyết 88.

Một số chuyên gia cho rằng nên lùi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để chuẩn bị cho việc biên soạn sách giáo khoa chất lượng hơn

Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị quá ngắn nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Hai là, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo phương thức “cuốn chiếu” mỗi cấp học nhưng lùi lại 1 năm so với phương án một, bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2019-2020, lớp 6 từ năm học 2020-2021 và lớp 10 từ năm học 2021-2022. Phương án này sẽ có đủ thời gian chuẩn bị các công việc, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên... để khi thực hiện sẽ đạt hiệu quả một cách chắc chắn.

Việc Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra 2 phương án này đã thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân... nhằm hướng tới thực hiện chương trình mới có hiệu quả.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Về mặt chương trình sách giáo khoa chắc chắn chúng ta làm được, nhưng tôi ngại nhất đội ngũ, gần như chúng ta chưa chuẩn bị gì. Đội ngũ là không thể nói ngày một, ngày hai là xong ngay được, phải có một lộ trình, phải có thời gian và chúng ta phải bỏ đi cách bồi dưỡng giáo viên kiểu cũ, tức là cứ mời chuyên gia rồi lên nói qua loa 1-2 buổi rồi cuối cùng vẫn không thực hiện được.

Lần này phải tập huấn được những giáo viên giỏi, từ giáo viên giỏi ấy về làm từng bộ môn cho từng đối tượng giáo viên và bồi dưỡng đến đâu thực hành đến đó và cấp chứng chỉ là những người đủ năng lực để thực hiện chương trình mới”.

Các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên vẫn chưa đảm bảo

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện vẫn chưa đảm bảo. Trong khi đó, Bộ Giáo dục- Đào tạo lại đưa ra nhiều mục tiêu đổi mới trong giáo dục, trong đó có đề xuất thí điểm bỏ biên chế đối với giáo viên, khiến tâm lý giáo viên hoang mang, lo lắng.

GS.TS Phạm Tất Dong nói: “Các vấn đề đổi mới phải tính toán lại, chứ nếu như tất cả dồn vào một lúc không thể làm được mà chất lượng sẽ rất kém. Chọn xem mục tiêu nào là mục tiêu ưu tiên trong đổi mới rồi làm trước tại vì bây giờ lúc thì thi, lúc thì chương trình, tự nhiên lại tung ra một vấn đề ký hợp đồng giáo viên. Tâm lý hiện nay là không ổn, một khi tâm lý không ổn thì không làm được cái gì cả. Bây giờ giáo viên tự nhiên lại xôn xao hết vấn đề về biên chế thế là bây giờ có đưa ra chương trình gì người ta cũng nghĩ biên chế thôi. Người ta phải chuẩn bị chỗ làm việc của họ, công việc sẽ rối lên”.

Theo GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT là đơn vị có thể đánh giá chính xác nhất là có thể chuẩn bị kịp các điều kiện để triển khai chương trình mới hay không. Vì vậy, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần có bản lĩnh, đừng vì sự thúc ép của của dư luận hay phải cố chạy theo thành tích thực hiện đúng Nghị quyết mà không thấy an tâm.

“Bộ Giáo dục- Đào tạo lựa chọn cái nào phù hợp tôi thấy trong 2 phương án ấy tôi đều thấy chấp nhận được cả. Tôi tin tưởng Bộ sẽ lựa chọn ra đúng trên tinh thần đảm bảo tính khả thi, đảm bảo chuẩn bị được một cách kỹ càng để đảm bảo điều kiện quan trọng nhất là chất lượng giáo dục.

Tiêu chí hàng đầu mà chúng ta cần phải quan tâm là chất lượng, đấy là yêu cầu hàng đầu, phải ưu tiên yêu cầu ấy chứ không phải là cố gắng thực hiện đúng lộ trình do Nghị quyết Quốc hội đề ra nhưng không đảm bảo chất lượng. Nếu mà đảm bảo chất lượng mà làm càng gần lộ trình bao nhiêu càng tốt”- GS.TS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, việc biên soạn, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới phải chấp hành nghiêm Nghị quyết của Quốc hội nhưng trên hết là phải bảo đảm chất lượng.

Đây là vấn đề liên quan đến nền giáo dục nước nhà, vì vậy, làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện thực hiện thì Bộ Giáo dục- Đào tạo báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị với Quốc hội lùi thời điểm thực hiện so với lộ trình đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top