ClockThứ Bảy, 20/01/2018 09:17

Bộ GD-ĐT chính thức công bố Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn, trong đó có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin về dự thảo các chương trình môn học trong chương trình mới. Ảnh: L.S

Chiều ngày 19/1, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến Trung học phổ thông (THPT).

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã thông báo chương trình phổ thông mới. Theo đó, chương trình GDPT mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: tiếng Việt/ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp...

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và chủ biên một số môn cho hay sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với chương trình hiện hành. Hầu hết môn học trong chương trình lần này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Nội dung mang tính ứng dụng được đẩy mạnh, phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là thực hành, thí nghiệm được đề cao.

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với chương trình hiện hành. Ảnh: L.S

Chương trình GDPT mới có 4 đặc điểm. Các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).

Các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông mới (chưa tính môn Ngoại ngữ).

Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Khoa học (cấp tiểu học), Khoa học tự nhiên (THCS), Giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là: Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, Tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn Nghệ thuật…

Các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.

Dự kiến tháng 4/2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành được Chương trình GDPT mới. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trả lời những thắc mắc về môn Ngữ văn. Ảnh: L.S

Nhiều ý kiến về chương trình môn Ngữ văn ở bậc phổ thông mới sẽ không còn là bản thu nhỏ của khoa học Ngữ văn như hiện nay mà tinh giản, chỉ đưa vào nội dung giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực: đọc hiểu, giao tiếp tốt, biết cảm thụ, thưởng thức văn chương.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc, gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Chủ biên chương trình môn ngữ Văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trả lời: Chương trình mới không chạy theo số lượng tác phẩm của cả nền văn học mà chỉ chọn lọc tác phẩm tiêu biểu cho mỗi thể loại... Số lượng văn bản mang tính chất mẫu giảm đi, thời gian dành cho việc khai thác một tác phẩm tăng lên. Giáo viên do đó sẽ có thời gian hướng dẫn học sinh tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, có nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và thấm nhuần giá trị của tác phẩm.

Trả lời những câu hỏi về môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp thành một môn ở cấp tiểu học và THCS. Đặc biệt, nội dung giáo dục Lịch sử lần này, theo chủ biên Phạm Hồng Tung, sẽ "không có khoảng trống".

"Chương trình Lịch sử mới được xây dựng trên quan điểm không có gì không thể nói và không được nói... Những chuyện trong quá khứ, vì lý do nào đó trước đây chúng ta né tránh hoặc chưa dạy thấu đáo, giờ đều có thể được đưa vào, sao cho phù hợp với năng lực nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh", GS. Tung nói.

Báo chí cũng quan tâm nhiều đến chương trình GDPT mới về môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ gây tốn kém cho cả phụ huynh và học sinh vì trước nay hoạt động trải nghiệm sáng tạo thường được học ngoài giờ và phụ huynh phải đóng tiền thêm. Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Kim Thoa - phụ trách chương trình môn học Trải nghiệm sáng tạo khẳng định: Trải nghiệm sáng tạo là môn học bắt buộc từ lớp 1-12, nằm trong chương trình GDPT mới. Theo đó, học sinh được tham gia trải nghiệm sáng tạo trong lớp học, ngoài lớp học, trong nhà trường, ngoài nhà trường để làm sao hình thành, phát triển được các năng lực, phẩm chất của riêng mình. Nội dung giáo dục hướng nghiệp cũng sẽ được thực hiện trong các môn học và cả hoạt động trải nghiệm. Mục đích cần đạt là giới thiệu về thế giới nghề nghiệp, cho học sinh hiểu yêu cầu cần có của thị trường đối với người lao động; làm sao học sinh có thể khám phá năng lực phẩm chất cần chuẩn bị khi bước ra thị trường lao động.

Dự thảo các chương trình môn học đã được các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ GD-ĐT và một số chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại diện cho đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước góp ý.

Dự thảo các môn học sẽ được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến. Bộ sẽ lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp xã hội trong 60 ngày. Sau đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên những ý kiến đóng góp.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

Chiều 15/3, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế theo Quyết định số 147 ngày 05/2/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); đồng thời, công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế
Công bố giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024

Sáng 4/2, tại Công viên Trịnh Công Sơn, UBND TP. Huế tổ chức lễ công bố giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024 và phát động Ngày Chủ nhật xanh trên toàn địa bàn. Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành, địa phương.

Công bố giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024
Return to top