ClockThứ Hai, 22/08/2016 14:12

Bộ Giáo dục “trần tình” việc nhiều trường gọi điện mời chào thí sinh

Trong khi Bộ GD-ĐT khẳng định nguồn tuyển dồi dào thì thời điểm này, rất nhiều trường ĐH đang phải “gồng mình” chống hồ sơ “ảo”; nhiều trường hạ điểm chuẩn xét tuyển, ra sức gọi điện mời chào thí sinh để đủ chỉ tiêu…

Sáng 22/8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã trả lời với báo chí xung quanh thực trạng này.

Lý giải về tình trạng hết thời gian đăng ký nhập học đợt I mà còn rất nhiều trường vẫn không nhận đủ chỉ tiêu tuyển sinh, đa số ý kiến đều cho rằng do tình trạng “thí sinh ảo”, bà Phụng khẳng định: "Điều đó hoàn toàn đúng và không chỉ bây giờ vấn đề “thí sinh ảo” mới được nói đến, bàn đến".

Theo bà Phụng, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).

“Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, trong Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước; trong mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc ảo và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...” - bà Phụng nói.

Cũng theo bà Phụng, trước khi tuyển sinh, Bộ GD- ĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt I, Bộ GD-ĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán “thí sinh ảo”…

“Có thể nói, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển…" - bà cho biết.

Theo bà, đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo.Việc khó nhưng không phải là không trường nào làm được. Một số trường như ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học”.

Nói về định hướng tuyển sinh các năm tới, bà Phụng cho biết, phương án tuyển sinh tối ưu năm 2017 sẽ được công bố vào đầu năm học tới. Theo đó, công cụ quản lý chất lượng sẽ không chỉ hướng đến quản lý đầu vào (tuyển sinh) mà sẽ tăng cường giám sát và quản lý chất lượng đầu ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

“Trong thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng sẽ được tăng cường trong toàn hệ thống. Theo đó, tiêu chuẩn kiểm định sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn kiểm định của ASEAN (AUN) để chất lượng đào tạo của VN tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Các kết quả kiểm định, xếp hạng, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các trường sẽ được dùng để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH, và công khai cho toàn xã hội biết để lựa chọn cơ sở đào tạo chất lượng” - bà Phụng nói.

Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Ngoài ra, bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia đều đã được bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, vì vậy việc nguồn tuyển có đủ là không thể nghi ngờ” - bà Phụng khẳng định.

 

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top