ClockThứ Bảy, 18/09/2021 15:19

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Điểm chuẩn tăng là hiện tượng bình thường

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí về hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt ở một số khối ngành và định hướng trong tuyển sinh đại học chính quy năm tới.

Điểm chuẩn công bố đã tính toán tỷ lệ ảoĐiểm chuẩn các ngành của Đại học Huế từ 14 - 27,25Dự báo điểm chuẩn nhiều ngành có thể tăng

Như đã phản ánh, điểm chuẩn vào hệ đại học chính quy ở một số khối ngành, trường cao và tăng vọt so với năm trước tiếp tục diễn ra ở mùa tuyển sinh năm nay. Điểm cao nhưng không đỗ được vào ngành có nguyện vọng học khiến không ít thí sinh khóc ròng. Đặc biệt, có những trường đại học có ngành lấy trên mức 30 điểm (thang 30 điểm đã cộng các điểm ưu tiên). Như vậy có thí sinh đạt điểm tuyệt đối, không có điểm ưu tiên mà vẫn không đỗ. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh. (Ảnh chụp trước năm 2020). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn, mùa tuyển sinh năm nay có nhiều đặc biệt. Đây là năm học bị sự tác động của dịch bệnh kéo dài, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt, nhiều trường đưa ra các mốc tuyển sinh khác nhau. Cuối cùng, ngành giáo dục cũng hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh với việc xét tuyển, lọc ảo trơn chu. Xét tình hình chung, các trường tuyển sinh năm nay với kết quả khá tốt so với năm 2020. Dựa trên số thí sinh tuyển được trên tổng chỉ tiêu cho thấy đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2020. Các trường tuyển được nghĩa là thí sinh trúng tuyển tốt. 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc điểm chuẩn một số ngành, một số khối trường tăng có một số lý do chính như sau:

Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 11% (từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh). Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng gần 24%. Có thể do thí sinh không đi du học; có thể do xu hướng chọn ngành nghề đại học nhiều lên; số thí sinh đăng ký dự thi tăng lên là 152.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong khi đó, điểm chuẩn của các trường top trên có tăng nhưng không nhiều, tổng số chỉ tiêu không tăng. Số thí sinh sau khi chọn trường top trên không đạt đã tập trung xuống những trường, ngành top giữa. Đây là lý do quan trọng nhất về tăng điểm chuẩn. Do đó, hiện tượng điểm chuẩn tăng là bình thường. 

Thứ hai, tâm lý thí sinh lựa chọn ngành nghề trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay có sự cân nhắc kỹ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên là kỹ thuật công nghệ, với 70 mã, nhóm ngành. Tiếp theo là nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, với 64 ngành. Hai khối ngành này chiếm nửa số các ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020. Sau đó, mới đến các ngành kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn. Xu hướng chọn các ngành Kỹ thuật công nghệ và giáo viên là tín hiệu đáng mừng cho cả hệ thống. 

Thứ 3, trong khi phân tích phổ điểm thi, một số môn như tiếng Anh có kết quả cải thiện so với năm 2020. Điều này góp phần tăng điểm chuẩn như năm nay. 

Trước vấn đề hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt và đột biến như hiện nay khiến thí sinh có nguy cơ điểm cao trượt nguyện vọng, thậm thí trượt đại học năm nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Số lượng các trường tuyển được và tỷ lệ tuyển được năm nay cao hơn năm 2020. Chỉ những em điểm cao không đạt nguyện vọng mới chuyển nguyện vọng hoặc trượt. Điều đó là đáng tiếc. Nhưng các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, các em có cơ hội trúng tuyển vào phương thức xét tuyển khác”. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh. Bộ GD&ĐT đưa ra mô hình xét tuyển nhiều trường, nhiều ngành và cơ hội trong tay thí sinh. Để kỳ thi đi vào thực chất hơn, các trường đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh, Bộ GD&ĐT đang xây dựng lộ trình, phương án cho năm tới. Đáng lẽ phương án này sẽ được từng bước đưa vào lộ trình tuyển sinh. Nhưng do những tác động của dịch bệnh từ năm 2020, một số trường xây dựng thêm các phương án khác nhau như: Kỳ thi đánh giá năng lực; Bài kiểm tra tư duy nhưng cũng không tổ chức được. Điều này là hợp lý vì không nên để thí sinh đi lại nhiều lần. 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá: Để tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt như năm nay là một nỗ lực cao của Bộ GD&ĐT cũng như địa phương. Nếu các trường đại học có tổ chức kỳ thi xen giữa cũng chỉ làm học sinh vất vả thêm trong bối cảnh dịch bệnh.

"Dựa trên diễn biến của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án tuyển sinh để các trường đại học tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh. Hoặc các trường liên kết tổ chức thi để bổ sung kỳ thi tốt nghiệp THPT trên tinh thần nhẹ nhàng đánh giá tốt năng lực thí sinh. Thí sinh không phải đi dự thi nhiều lần, các trường vẫn chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành mình. Điều quan trọng, việc tổ chức tuyển sinh không làm tăng áp lực thí sinh, xã hội", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

TIN MỚI

Return to top