ClockThứ Tư, 05/02/2014 07:23

Bộ sưu tập “Giấc mộng triệu phú”

TTH - Ngoài mê nhạc, ít ai biết nhạc sĩ Nguyên Thành còn mê sưu tầm đồ điện tử cổ, tiền xưa… lần này, tôi được anh cho xem bộ sưu tập vé số từ năm 1951 đến 1985, giấc mộng triệu phú một thời của hai cha con anh.

Trước sự chứng kiến của một người bạn chơi nhạc tâm giao, tại căn nhà ở phường Phú Nhuận, nhạc sĩ Nguyên Thành khai mở bộ rương đựng 4.000 tờ vé số có tuổi từ 30-50 năm. Cẩn trọng lật lại từng trang album phủ bụi thời gian cho chúng tôi xem dấu tích của giấc mộng đổi đời một thời, anh nói vui: “Cộng tiền mua vé số của hai cha con tui từ xưa đến nay chắc loạn bạc! Vậy mà bấy nhiêu năm, thần tài vẫn chưa tới gõ cửa”.

 

Lúc vé số mới được phát hành tại Việt Nam, mỗi tháng chỉ có 4 kỳ. Trong khi người ta xổ số xong bỏ đi, cha ông Thành lại đem những tờ vé số đã mở thưởng tập hợp thành từng quyển album. Ông còn đánh máy lại hoặc cắt kết quả giải thưởng của mỗi kỳ dán bên cạnh những tờ vé số. Lần nào vé số phát hành, cha ông đều trích tiền lương ra mua vài tờ. “Đơn giản chỉ là một thú tiêu khiển hoặc lưu giữ những hình ảnh đẹp về phong cảnh Việt Nam, những vé suýt trúng giải nhỏ… nên cha tôi muốn lưu giữ lại chúng để khi rảnh rỗi lại giở ra xem”, anh Thành lý giải về nguồn gốc bộ sưu tập lạ lùng này. Năm 1976, khi vé số tỉnh Bình Trị Thiên phát hành, anh Thành lại nối gót cha dệt mộng triệu phú và bổ sung vào bộ sưu tập đang còn dang dở cho đến năm 1985.

Nhìn vào bộ sưu tập vé số cũ, có thể thấy được những cột mốc riêng của “hai nhà đầu tư” người Huế đầy đam mê này. Tất cả đều được ghi chép tỉ mỉ như: mua vé số đến cái thứ 1.200 suýt trúng giải nhất; ngày 20-1-1981 mua 3 cái suýt trúng giải nhất. Ngoài ra có thể thấy được những điều thú vị qua những tờ vé số cũ. Một vài tờ in năm 1963 mặt sau được tận dụng quảng cáo thương hiệu sản phẩm như: RODAL trị cảm sốt, cúm, nhức đầu, nhức răng… Công ty xe hơi Kim – Long: 23-39 Lê Lợi Sài Gòn, đại lý xe Ford và Simca…
 
Một người quen biết anh Nguyên Thành có thú sưu tầm khác người nên đã tặng ông những tờ vé số phát hành ở Hà Nội năm 1972, 1973. Vé số Hà Nội thời kỳ này kích cỡ to gấp rưỡi tờ vé số hiện nay, phía trên được in câu slogan khá ấn tượng: “Cần kiệm kiến thiết thủ đô”. Tinh thần đoàn kết quốc tế cũng được ghi rõ trên vé số. Điều này thể hiện rõ nhất vào hai đợt phát hành năm 1985. Đó là loạt vé số chào mừng Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới (Festival 12) tổ chức tại nước Nga mở thưởng ngày 31/3/1985. Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam có một đợt phát hành với mục đích: “Xổ số quốc tế đoàn kết các nhà báo” mở thưởng ngày 26/3/1985.
 
 
 
Riêng bộ vé số Bình Trị Thiên dù quãng thời gian mua và sưu tầm ít hơn nhưng chúng được nhạc sĩ Nguyên Thành lưu thành một quyển riêng tạo thành một nhật ký vé số về nơi anh sinh ra và lớn lên. Tờ vé số mua đầu tiên trong quyển album ghi ngày 3/5/1976 với giá 3 hào. Năm 1981, vé số phát hành hai ngày một lần. Vé số Bình Trị Thiên phát hành tại Huế năm 1984 được đóng dấu đỏ từ “Huế” phía góc phải. Năm 1985, có những tờ vé số do Bộ Tài chánh (Bộ Tài chính cũ) in mô hình thiết kế được đóng dấu với mục đích “Xây dựng Bệnh viện Huế”… Còn rất nhiều thông tin khác về vé số ở mảnh đất Cố đô nhưng sau nhiều lần liên hệ với Công ty TNHHNN MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế để nhờ giải mã thêm, rất tiếc, lãnh đạo công ty đều báo bận.
 
Nói về lý do ngừng sưu tầm vé số cũ vào năm 1985, nhạc sĩ Nguyên Thành cho biết: “Do vé số phát hành đều đặn mỗi ngày và hình ảnh in trên tờ vé số khá đơn điệu nên tôi quyết định khóa sổ bộ sưu tập”. Tuy ngừng sưu tầm nhưng người mê vé số này thi thoảng vẫn mua vé số cho những cụ già vì mục đích giúp đỡ người bán và góp chút đỉnh xây dựng quê hương. “Ngày xưa ôm mộng được một lần làm triệu phú không thành nên chừ mình không mơ làm tỷ phú nữa”, anh Thành dí dỏm.

Dù không đạt được ước vọng đổi đời như một số người khác nhưng người nhạc sĩ này vẫn hài lòng với những gì trong cuộc sống hiện tại. Anh kể: “Có người đã ra giá để sở hữu bộ sưu tập này nhưng tôi chưa muốn bán. Thi thoảng cùng con lật vé số cũ ra ôn lại kỷ niệm ngày xưa cũng vui và tự hào vì ít ra mình đã góp một phần công sức xây dựng quê hương”.

(Bài Tất niên)

Bài, ảnh: L.Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Return to top