ClockThứ Tư, 27/05/2020 21:23

Bỏ thuốc lá vì những người yêu thương

TTH.VN - Sau những ngày đeo bám bệnh viện để cấp cứu, thở oxy và theo dõi cơn hen, câu đầu tiên khi về nhà, cậu con trai 7 tuổi thỏ thẻ với ba: “Bữa ni ba còn hút thuốc lá nữa không rứa? Thương con ba đừng hút thuốc nữa hí!”. Nhờ vậy, đã bước sang tuần thứ 3 chưa thấy người đàn ông ấy hút thuốc trở lại, ít ra trong suốt thời gian anh ở nhà.

Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19Chung tay phòng, chống tác hại thuốc láBệnh viện nói không với thuốc láXây dựng môi trường du lịch Huế không khói thuốc láGiám sát phòng chống tác hại thuốc lá tại 16 xã, thị trấnThái Lan: Hút thuốc lá tại nhà sẽ bị cấm

"Con giám sát giúp ba"

Chuyện của nhà tôi và chắc là rất giống ở bao nhà – chuyện về những người đàn ông hút thuốc lá, hẹn nay hẹn mai sẽ bỏ, vì này vì kia, nhưng cuối cùng đều như không có gì. Chồng tôi bắt đầu hút thuốc lá khi bước vào năm 3 đại học, chỉ vì tò mò muốn thử cảm giác rít một hơi thuốc như bè bạn. Dần rồi quen. Không thuộc dạng nghiện, nhưng bình quân mỗi ngày anh đốt 5 điếu. Chưa kể, lúc ngồi thiền cà phê hay trong bàn nhậu với bạn bè, số điếu thuốc bị đốt là không nhớ được. Cưới nhau, anh hẹn bỏ thuốc khi vợ mang thai. Sau, lời hẹn ấy được chuyển lúc sinh con, con đầy năm, rồi đứa thứ hai… Rồi anh cũng làm được. Nhưng khi vợ gợi ý: Nấu bữa cơm ngon ngon mừng tròn năm chồng bỏ được thuốc lá, thì anh giả lả: “Lỡ hút lại hơn một tháng rồi”. Cho đến hôm nay, khi đứa con trai thứ 2 lên 7 của anh phải nhập viện cấp cứu vì lên cơn hen suyễn, anh vẫn là người đàn ông thuộc trường phái “bỏ vợ dễ hơn bỏ thuốc”.

Tranh kêu gọi phòng chống tác hại của thuốc lá qua góc nhìn của các em thiếu nhi 

Có thể là phiến diện, nhưng nếu một người đàn ông yêu bản thân mình hơn vợ, thì vợ không bao giờ là lý do đủ mạnh để thôi thúc anh ấy bỏ được thuốc lá. Nhưng với con thì lại khác. Chính những hình ảnh thấy cậu con trai nhỏ chân bước không nổi, thở hổn hển một cách mệt nhọc và mềm oặt trên tay, rồi lại được các bác sĩ đẩy vào phòng cấp cứu ngay khi tiếp nhận, dây dợ, ống thuốc quanh người, chồng tôi đã sợ. Sợ một cách nghiêm túc. Và không ai khác, chính anh là người thủ thỉ với con: “Con giám sát ba hí. Nếu thấy có thuốc lá của ba ở nhà, cho con đem vứt”, hay: “Về nội, thấy thuốc lá ông nội ở mô thì con cứ thẹ thẹ giấu đi nghe”!…

Vì người mình yêu thương

Theo tài liệu của Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, thuốc lá gây tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: 30% tất cả các loại ung thư. Ung thư phế quản đứng đầu danh sách kế đến là ung thư các cơ quan khác, như: thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạy dày, tụy tạng, bàng quang, thận, cổ tử cung, vú…

Những bệnh lý không phải ung thư do thuốc lá gây ra cũng rất nhiều, như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh lý đường tiêu hóa… Tiếp xúc khói thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây một số bệnh ở trẻ em như: tăng tần suất viêm tai giữa, cơn hen cấp.

Những nguy cơ trên, không riêng chồng tôi mà tất cả đàn ông trưởng thành trong gia đình và hầu như những người hút thuốc đều biết. Nhưng biết các nguy cơ và coi đó là động lực để họ từ bỏ hút thuốc lại là hai việc khác nhau. Nhiều người đã thử bỏ, nhưng vì nhiều lý do mà họ đã không thể đạt được thành công.

Gia đình lớn của tôi có 6 người đàn ông thì cả 6 đều hút thuốc lá, trong đó riêng cha tôi bình quân mỗi ngày đốt hết một gói Khánh Hội. Cơ thể ông vốn èo uột, mang nhiều bệnh nên lần vào viện nào cũng bị bác sĩ nặng nhẹ vì không chịu kiêng thuốc lá. Bao nhiêu năm, tình trạng hầu như không được cải thiện, vì cả đàn con đàn ông cũng không bỏ được thuốc, lấy chi can ngăn cha. Còn vợ, con gái hay dâu, khuyên răn, dỗ ngọt thậm chí nói nặng, ngoảnh mặt đủ cả… nhưng đều không có giá bằng điếu thuốc.

Sau ngày con trai tôi vào viện cấp cứu cắt cơn hen suyễn, chúng tôi họp đại gia đình tính chuyện “nhà không khói thuốc”. Nhìn quanh 5,6 đứa cháu nheo nhóc, có đứa cuối tuần mới về, có đứa phải nhờ ông bà trông suốt các ngày trong tuần, mẹ tôi nói cứng: “Giải phóng hết đám cháu nếu ông và cha chúng nó còn hút thuốc ở nhà”. Cánh đàn ông ai nấy ngồi im re, cha không lên giọng mắng át như mọi khi mà chỉ lẳng lặng đi ra võng nằm.

Từ hoàn cảnh của gia đình mình, chúng tôi nghiệm ra nếu người đàn ông coi trọng thói quen hút lá hơn người phụ nữ của mình, thì dù là mẹ, vợ hay là bạn gái, có đưa ra ý kiến này nọ thì hiệu quả cũng chẳng đạt được bao nhiêu. Họ nhận thức được sự nguy hiểm của thuốc lá, bất chấp sức khỏe của bản thân và cứ luẩn quẩn, không thoát ra được sức hấp dẫn của thuốc lá. Lúc này, cơ hội cuối cùng là vin vào những đứa trẻ - những đứa con, đứa cháu máu mủ mà họ vô cùng yêu thương.

Chúng tôi đang tranh thủ cơ hội ấy để bảo vệ chính mình!

Bài, ảnh: Đồng Văn 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Brazil: Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư

Một nghiên cứu cho thấy thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng đậu nành có thể liên quan đến sự gia tăng tử vong do ung thư ở trẻ em tại Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và là một trong những nước sử dụng thuốc trừ sâu hàng đầu để ngăn chặn cây trồng khỏi sâu bệnh.

Brazil Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư
Trung thu cho em và sinh nhật hồng cho bệnh nhi ung thư

Tối 27/9, tại Trung tâm Nhi, Phòng Công tác xã hội – Chăm sóc khách hàng, Công đoàn Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cùng các "mạnh thường quân" đã phối hợp tổ chức chương trình Trung thu cho em.

Trung thu cho em và sinh nhật hồng cho bệnh nhi ung thư
Return to top