ClockThứ Hai, 02/11/2015 10:50

Bộ trưởng Y tế: Người có thẻ BHYT được lợi nhiều nhất khi tăng giá dịch vụ

TTH.VN - “Khi chúng ta không tính giá dịch vụ đúng, đủ thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Cũng như một cái cốc giá 100 đồng, nhưng chỉ cho phép thanh toán 50 đồng. Như vậy còn 50 đồng nữa là người dân tự bỏ tiền túi chi trả... 

Vì vậy, chỉ có trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó thì mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh. Người có thẻ BHYT sẽ được lợi nhiều nhất khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh”, Bộ trưởng Tiến trả lời trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV1 tối 1/11.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về việc điều chỉnh viện phí trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về việc điều chỉnh viện phí trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính với các chi phí trực tiếp như thuốc, vật tư tiêu hao điện, nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì cũng như lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học... Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố đó. Một số địa phương cũng chỉ áp mức giá đạt 60-70% giá trị thực trong 3 yếu tố đó.

Liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội dự kiến ban hành Thông tư về điều chính giá dịch vụ y tế và dự định thực hiện vào cuối năm nay. Theo đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ sẽ thống nhất các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc với 1.800 giá dịch vụ và chủ yếu điều chỉnh ở giá tiền khám bệnh và tiền giường theo các hạng bệnh viện khác nhau.

Theo lộ trình này, trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT, người chưa có thẻ BHYT vẫn được áp dụng mức giá cũ. Tuy nhiên, dự kiến từ 1/4/2016, khi mức giá tính thêm tiền lương của người lao động thì mức giá sẽ áp chung cho mọi bệnh nhân. Đến năm 2020 giá viện phí sẽ được tính đúng 7 yếu tố giá dịch vụ.

Bà Tiến khẳng định, chỉ có điều chỉnh giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thực, chất lượng y tế mới tăng lên. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ quyết liệt, đã và đang thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

“Khi chúng ta không tính giá dịch vụ đúng, đủ thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Cũng như một cái cốc giá 100 đồng, nhưng mà chỉ cho phép thanh toàn 50 đồng. Như vậy còn 50 đồng nữa là người dân và BV không thể bỏ vào đấy được đầy đủ. Chính vì vậy, trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó thì mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh”.

Theo đó, khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ, BV sẽ có đủ nguồn để chi phí trực tiếp và các chi phí khác thì chất lượng khám chữa bệnh bắt buộc phải tăng lên và có điều kiện để đầu tư máy móc và mua đủ trang thiết bị, không bắt buộc người dân phải đi mua bổ sung thêm phần mà không được tính.

Hơn nữa, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong đó tính tiền phụ cấp đặc thù cũng như là tiền lương thì phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế vì đã có thu nhập của họ được cải thiện và tăng thêm để tái tạo sức lao động. Như vậy, trách nhiệm tăng thêm và khi BV tự chủ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập, nên bặt thuộc BV phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút bệnh nhân. BV nào phục vụ tốt thì công ty bảo hiểm mới ký hợp đồng.

Khi cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu của BHYT thì bắt buộc phải đổi mới toàn bộ để phục vụ và đổi mới tư duy từ chỗ ban ơn trở thành người phục vụ bệnh nhân và coi bệnh nhân là trung tâm của sự phục vụ. Chúng tôi cũng hi vọng rằng việc này không thể một sớm một chiều, nhưng chắc chắn là chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đánh giá sự tác động của điều chỉnh dịch vụ y tế đối với người dân, Bộ trưởng Tiến khẳng định người dân có thẻ BHYT đều được lợi khi điều chỉnh giá. Thay vì trước kia tất cả các yếu tố cấu thành không được kết cấu vào giá thì người bệnh và người nghèo phải trả thêm phần chưa được tính giá và tự bỏ tiền túi ra, thì nay cái đó đã được BHYT chi trả.

Với nhóm người nghèo đã được Nhà nước mua 100% thẻ bảo hiểm và không phải đồng chi trả. Các đối tượng diện chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người sống vùng biển đảo, vùng núi… cũng được hưởng như người nghèo. Đối với người cận nghèo, Nhà nước đã hỗ trợ mua 70% thẻ bảo hiểm y tế và rất nhiều địa phương đã mua nốt 30% cho người cận nghèo và việc đồng chỉ trả hiện nay cũng chỉ còn 5%. Vì thế, việc điều chỉnh giá lần này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người cận nghèo. 

Hơn nữa, trước những chi phí chưa được tính vào giá cho cả người giàu và người nghèo thì nay được tính đến, ngân sách nhà nước sẽ dùng tiền đó để mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và những đối tượng chính sách xã hội khác. Như vậy cũng làm tăng thêm quyền lợi cho những người nghèo, người thuộc diện chính sách và những đối tượng cần được bảo trợ khác.

Tác động lớn nhất trong việc điều chỉnh này là đối với người chưa có thẻ BHYT. Đến năm 2016 và cuối năm 2016 tùy theo tình hình nếu như điều chỉnh cả giá dịch vụ đối với những người không có thẻ BHYT thì đây là vấn đề lớn.

"Chúng tôi nghĩ rằng sức khỏe là vốn quý nhất của con người và tham gia bảo hiểm là sự chia sẻ cộng đồng giữa người bệnh và người khỏe, giữa những thành viên trong gia đình thì cách tốt nhất là tham gia BHYT để xây dựng một nền y tế công bằng, hiện đại và phát triển", Nữ Bộ trưởng cho biết.

Hồng Hải (Theo Dân trí)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Return to top