ClockThứ Tư, 25/04/2012 21:07

Bộ tứ họ Nguyễn ở Huế

TTH - Vào những năm 40 (thế kỷ 20), ở Huế có bốn nhân vật được xã hội chú ý. Cả bốn con người này cùng chí hướng, hoạt động cách mạng một thời gian dài cho đến khi lần lượt qua đời, họ là đồng chí, bạn tù, bạn chiến đấu. Cả bốn người đều họ Nguyễn và trưởng thành tại Huế. Và có ai đó nói rằng; bốn con người này là Bộ tứ bình họ Nguyễn đã làm rạng rỡ thêm cho vùng đất núi Ngự sông Hương. Và hôm nay tên tuổi của họ đã để lại cho vùng đất này bằng những tên đường tên phố.

Chúng ta lần lượt điểm tên của bốn nhân vật theo thứ tự năm sinh.

Người anh cả cao tuổi nhất là nhà văn, nhà lý luận văn học Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn.
 
Hải Triều sinh ra tại Huế trong một dòng họ danh tiếng và ông đã tham gia cách mạng từ những năm 30, đã từng vào tù ở khám lớn Sài Gòn. Là một nhà chính trị giác ngộ cách mạng rất sớm. Nhưng ở vị trí xã hội người ta vinh danh ông là nhà lý luận văn học, ông đã đứng hàng đầu và đi tiên phong trong hai trận bút chiến “duy tâm hay duy vật”, rồi sau đó là “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Hai cuộc tranh luận này có ảnh hưởng rất lớn vào giai đoạn đất nước ta bị chủ nghĩa thực dân Pháp đô hộ và Hải Triều đã đánh thức cả dân tộc phải làm gì để giải phóng dân tộc.
 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

 
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Hải Triều là Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền Trung bộ, cùng với Nguyễn Chí Thanh là Bí thư Xứ uỷ, với Tố Hữu là Chủ tịch lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế và Vĩnh Mai là Bí thư Thành uỷ Huế. Cả bốn vị trực tiếp giảng dạy các lớp chính trị văn hoá do Xứ uỷ tổ chức cho cán bộ từ Thanh Hoá đến Bình Thuận về Huế học tập.
 
Năm 1954, trong một trận đau nặng, Hải Triều đã qua đời tại tỉnh Thanh Hoá. Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu đang ở Việt Bắc, chỉ có Vĩnh Mai lúc ấy phụ trách Chi hội Văn nghệ khu 4 ở Nghệ An đi bộ cả trăm cây số để đến thắp một nén hương cho người bạn, người anh đã qua đời. Trước khi mất, Hải Triều chỉ thốt lên: “Ôi nhớ Bác quá và cho gửi lời thăm anh Trường Chinh”. Đó là vào đầu mùa hè năm 1954, khi Điện Biên Phủ toàn thắng, hội nghị Giơ-ne-vơ sắp ký kết, hoà bình sắp được vãn hồi trên toàn xứ Đông Dương.
 
Người anh thứ hai là Nguyễn Chí Thanh, là vị đại tướng văn võ song toàn.
 

Nhà thơ Vĩnh Mai. Ảnh: Internet

 
Ông sinh năm 1914 và tham gia cách mạng từ rất sớm. Khi đang hoạt động bí mật, Nguyễn Chí Thanh đã biết Tố Hữu và Vĩnh Mai. Nhưng khi vào nhà tù Buôn Ma Thuột, Vĩnh Mai mới gần gũi hơn với ông Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh).
 
Nguyễn Chí Thanh biết Vĩnh Mai giỏi tiếng Pháp nên giao cho làm công việc ngoại giao với tên Mi-ghét, một cai ngục gian ác. Với lý luận tài ba của mình, Vĩnh Mai đã nói cho tên cai ngục này rằng, Đức đã tấn công Pháp, và Pháp đã bại trận. Tổng thống rồi cả quan chức cao cấp Pháp ở chính quốc đều làm tay sai cho phát xít Đức. Liên Xô, Đồng Minh rồi sẽ thắng. Nếu Mi-ghét hợp tác với những tù chính trị Việt Nam thì có ngày có cơ hội về nước. Nếu không, Nhật vào Đông Dương thì sẽ bị cầm tù. Nhờ vậy mà Mi-ghét và những tên cai ngục đã nới lỏng cho tù chính trị từ sinh hoạt, ăn ở; đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức cho nhiều đồng chí trốn trại trở về hoạt động cách mạng. Vĩnh Mai thân thiết với ông Thanh đến xuề xoà. Ông Thanh gọi Vĩnh Mai là thằng Cãi (Vĩnh Mai là cây tranh luận). Còn ông Vĩnh Mai gọi ông Thanh là ông “Kè Lừ”.
 
Năm 1945, Vĩnh Mai điện báo về từ Tuy Hòa là bắt được Ngô Đình Diệm ở dưới ghe bầu sắp vượt biển. Ông Thanh điện trả lời: “Đích thân đồng chí phải giải Ngô Đình Diệm về Huế bằng tàu hoả và nhận nhiệm vụ mới”. Về đến Huế, giao Ngô Đình Diệm cho Uỷ ban Trung bộ, Vĩnh Mai được phân công làm Bí thư Thành uỷ Huế cho đến khi mặt trận Huế vỡ.
Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời, Vĩnh Mai đến viếng và đọc bài thơ “Gặp Anh”.
 
Tôi gặp anh trong nhà tù đế quốc
Giọng nói Kè Lừ rắn rỏi vang vang
Đôi mắt anh vừa khoan hậu dịu dàng
Vừa sáng quắc có gì hóm hỉnh”.
 

Nhà thơ Tố Hữu

 
Với Nguyễn Chí Thanh, Vĩnh Mai tâm phục khẩu phục và xem đạo đức tác phong của vị tướng tài là tấm gương cho mình noi theo.
 
Vĩnh Mai là người thứ ba trong bộ tứ, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng. Ông đã gắn bó với Huế từ những năm đầu học Trường Quốc Học cho đến năm 1936. Sau đó, ông dạy học và hoạt động cách mạng tại Huế. Vĩnh Mai từng làm gia sư ở nhà ông Ngô Tuyên, dạy học cho ông Tú và nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha. Vĩnh Mai đã kinh qua các chức vụ Bí thư Thành uỷ Huế, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị, rồi Tuyên huấn Trung ương. Nhưng năm 1958, ông xin từ bỏ hết mọi chức vụ, nhận một công việc biên tập thơ cho Tuần báo Văn Nghệ cho đến cuối đời (năm 1981).
 
Sau khi Vĩnh Mai qua đời, nhiều nhà thơ, nhà văn đánh giá ông là một nhà thơ chân chính, một người cộng sản mẫu mực thẳng thắn, không ham chức tước địa vị quyền lợi. Cả tiêu chuẩn đi nằm bệnh viện đặc biệt ông cũng không nghĩ đến.
 
Hiện nay chưa có tên đường Vĩnh Mai ở thành phố Huế nhưng trong quỹ tên đường đã có dành một con đường mang tên Vĩnh Mai ở đô thị phía bắc.
 
Người thứ tư trong bộ tứ bình là Tố Hữu.
 
Tố Hữu có tên là Nguyễn Kim Thành sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, huyện Quảng Điền.
 
Tố Hữu hoạt động cách mạng từ rất sớm; làm thơ cũng rất sớm và có nhiều ảnh hưởng đến lớp thanh niên trước Cách mạng tháng 8. Tố Hữu đã đi trọn đời với thơ và song song với cương vị cao cấp của Đảng và Nhà nước cho đến khi trút hơi thở cuối cùng năm 2002. Con người thì mất đi nhưng thi ca còn đọng lại giữa đời. Trên đất nước ta có những vùng đất sản sinh ra nhiều con người tài ba.
 
Vậy là Bộ tứ họ Nguyễn xứ Huế cũng là niềm tự hào cho Núi Ngự Sông Hương và đất nước Việt Nam ta.
 
Nhất Lâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top