ClockThứ Sáu, 31/07/2015 14:53

Bóc gỡ chiêu trò bơm tạp chất vào tôm sú

TTH - Bơm bột agar (bột thạch rau câu) vào tôm sú để biến những con tôm đông lạnh màu nhợt nhạt, hư hỏng thành tôm có màu tươi sống và tăng trọng lượng là chiêu trò đang được một số chủ kinh doanh tôm sú áp dụng vừa được cơ quan công an triệt phá.

Người làm công đang thực nghiệm lại công đoạn bơm hóa chất vào tôm

Những ngày cuối tháng 7/2015, sau quá trình mật phục điều tra, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã liên tiếp “đột nhập” và phát hiện 2 cơ sở chuyên kinh doanh tôm sú đang cho bơm bột thạch rau câu agar vào tôm sú. Đó là cơ sở Thân Huệ (địa chỉ 268 Kinh Dương Vương) do ông Lê Văn T. (47 tuổi) làm chủ và cơ sở Hồng Dung (địa chỉ 169 Kinh Dương Vương, đều thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) do ông Võ Mạnh H. (45 tuổi) làm chủ.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại các cơ sở nói trên, những người làm công đang dùng xilanh rút một hợp chất lỏng sền sệt (như hồ dính) từ trong những tô nhựa bơm vào lưng tôm. Tại hiện trường, cơ quan công an đã phát hiện nhiều tang vật liên quan đến việc bơm bột agar vào tôm và thu giữ 150 kg tôm sú đã chết, 202 kg tạp chất và 80 kim tiêm; trong đó, nhiều khay tôm đã được bơm bột agar vào.
Về động cơ mà các đối tượng bơm bột agar vào tôm sú, một cán bộ cảnh sát môi trường cho biết, theo điều tra ban đầu, việc dùng kim tiêm bơm bột agar vào từng con tôm là nhằm tăng trọng lượng. Tôm sau khi được bơm bột có agar thân sẽ to ra, 1 kg tôm sau khi bơm bột vào sẽ thành 1,2 - 1,3kg. Ngoài ra, cỡ tôm sẽ được nâng lên. Cụ thể, tôm từ loại 40 con/kg, sau khi bơm sẽ tăng lên thành 30-32 con/kg, hoặc loại 30 con/kg khi được bơm bột vào thì biến thành 21- 23 con/kg. Theo tính toán ban đầu, với phương thức bơm bột agar vào tôm sú, các chủ cơ sở thu lợi bất chính từ 70- 90 ngàn đồng/kg.
Đại tá Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cho biết, qua đấu tranh khai thác, bước đầu 2 chủ sở kinh doanh nói trên thừa nhận bơm bột agar thạch rau câu hòa với nước vào tôm. Chiêu trò này đã “phù phép”, biến tôm đông lạnh chết nhợt nhạt trở nên như tôm tươi. Với lời khai này và qua khám nghiệm hiện trường cùng những tang vật thu được tại 2 cơ sở nói trên có sự trùng khớp nên cơ quan công an xác định tạp chất được bơm vào tôm sú chính là bột agar thạch rau câu và nước lã. 
Theo cơ quan công an, 2 cơ sở kinh doanh này hoạt động từ năm 2012 đến nay, thường xuyên nhập khẩu tôm sú chết, rồi bơm bột agar vào tôm để bán cho các nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, 2 cơ sở trên còn cung cấp một lượng tôm và xuất ra thị trường Nghệ An, Thanh Hóa. Các chủ cơ sở nói trên khai nhận, trung bình mỗi ngày, họ bơm bột agar vào khoảng 50-100 kg tôm và cũng tùy thuộc vào từng ngày do lượng đặt hàng. Tại thời điểm kiểm tra, cả hai cơ sở này đều không có giấy chứng nhận đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại tá Nguyễn Thành Luân cho biết thêm, theo bảng đối chiếu của cơ quan chức năng, đối với loại tôm đã tiêm bột agar, thân tôm căng phồng, mọng nước, mang rất cứng, các đốt trên thân tôm bị giãn ra; khi nấu lên thường chảy ra nhiều nước, thịt tôm bị teo lại, ăn có cảm giác bị nhạt, thịt bở hơn tôm bình thường, vỏ tôm thường có lớp rau câu bám vào. Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch.
“Nước là môi trường thuận lợi để các loại vi trùng, vi khuẩn phát triển. Nếu các chủ cơ sở kinh doanh tôm, ngoài tiêm nước, tạp chất, còn dùng các loại chất hóa học, chất bảo quản để bảo vệ, cất giữ tôm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước mắt, khi chưa có kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua tôm các cơ sở tin cậy, tôm còn sống, tươi ngon để sử dụng”, đại tá Nguyễn Thành Luân khuyến cáo.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top