ClockThứ Ba, 24/07/2018 06:30

Bội chi quỹ bảo hiểm y tế

TTH - Thừa Thiên Huế là một trong 13 địa phương bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trên 200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đã “liệu cơm gắp mắm”, song tình trạng thiếu hụt nguồn quỹ vẫn chưa giảm.

Chi phí giường điều trị khi thanh toán BHYT có tăng?Phủ sóng bảo hiểm y tế toàn dânNâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở

Người dân làm thủ tục để khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Dẫn đầu trong cả nước về tỷ lệ người tham gia BHYT nhưng luôn ở tình trạng bội chi và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, ước tính quỹ KCB BHYT của tỉnh là trên 417 tỷ đồng, trong khi số tiền phải chi là 649 tỷ đồng (vượt 232 tỷ đồng). Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thông tin, trong số trên 1,1 triệu người tham gia BHYT thì số người thuộc diện ngân sách Nhà nước đóng theo mức lương cơ bản khá nhiều nên nguồn quỹ BHYT trong tỉnh không cao.

Không có nguồn quỹ dồi dào, người dân vẫn được hưởng nhiều dịch vụ kỹ thuật hiện đại. Thừa Thiên Huế có Bệnh viện T.W Huế và bệnh viện hạng I kéo theo sự gia tăng chi phí KCB. Ngay tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được chuyển giao kỹ thuật nên người có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Lợi thế tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục khiến rất nhiều người dân không cùng chi trả mỗi khi nằm viện có chi phí vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Thế nên, nhiều bệnh nhân điều trị dài ngày được BHXH thanh toán lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ đồng, trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về chi phí KCB cao trong quý I/2018.

Người dân có tâm lý chọn khám chữa bệnh ở tuyến trên. Ảnh: Hữu Phúc

Một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí quỹ BHYT là do cơ chế thông tuyến BHYT khiến người bệnh có quyền chọn lựa cơ sở KCB. Người dân có tâm lý lựa chọn KCB ở tuyến trên nhiều hơn. “Mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi từ 100.000 đồng – 200.000 đồng thì ở bệnh viện tuyến trên chi gấp 10 lần nên bệnh nhân thích lên tuyến trên”. Ông Trương Như Sơn, Giám đốc Bệnh viện huyện Phú Vang dẫn chứng.

Các cơ sở KCB bị sức ép khi trở thành đơn vị tự chủ theo Nghị định 16. Mức phí BHYTvẫn thấp, trong khi tiền lương, phụ cấp, chi phí điều trị, nhất là những bệnh nhân có chi phí điều trị BHYT trọn đời như HIV/AIDS... đang được gộp dần cho quỹ BHYT chi trả. Các cơ sở KCB phải căn cơ, tiết kiệm theo kiểu “liệu cơm, gắp mắm” mới hạn chế tình trạng bội chi. Theo ngành BHXH, vẫn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, chỉ định xét nghiệm không phù hợp, thanh toán sai giá dịch vụ kỹ thuật... ở các cơ sở KCB. Thế nên, BHXH tỉnh đã từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng khi các đơn vị tính sai giá, sai dịch vụ, kỹ thuật.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH khẳng định: “Tiết kiệm trong KCB không phải là cắt giảm quyền lợi mà là sử dụng đúng, đủ cho những bệnh nhân thực sự cần sử dụng các dịch vụ y tế; không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, trong khi nguồn quỹ có hạn. Riêng chế tài xử phạt, vẫn chưa nghiêm, chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng ở việc sai thì xuất toán”.

Vấn đề bội chi quỹ có thể kiểm soát được nếu có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa 2 ngành BHXH và y tế cũng như giữa các cơ sở KCB trong tỉnh. Các cơ sở KCB BHYT đã tăng cường kiểm tra việc sử dụng thẻ BHYT của người bệnh cũng như giám định điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chi trả BHYT. Công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc chỉ định điều trị đối với người bệnh BHYT đã được tăng cường.

Cơ sở KCB ở các tuyến chủ động kiểm tra thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí đối với người bệnh có thẻ BHYT; trong đó, kiểm tra các bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của người bệnh, bảo đảm tính chính xác; kiểm tra và bàn giao cho cơ quan BHXH số lượng thẻ BHYT do người bệnh bỏ lại, thẻ của người bệnh đã tử vong, thẻ không có người nhận. Các bệnh viện công khai bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi thanh toán cũng như kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế.

Cân đối quỹ BHYT là câu chuyện cũ, nhưng luôn nóng. Đến năm 2020, mức đóng BHYT không tăng, nên nguồn dự phòng để cân đối quỹ sẽ “cầm hơi” nếu không kiểm soát được tình trạng sử dụng quỹ BHYT. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mở rộng đối tượng thì chính sách BHYT khó bền vững mà cần cân đối quỹ, phát triển quỹ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân tham gia BHYT.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Đơn giản hoá thủ tục trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian qua, các cơ sở y tế đã triển khai khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”, ứng dụng VNeID. Đây là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bước đầu đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở KCB trên địa bàn.

Đơn giản hoá thủ tục trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top