ClockThứ Bảy, 24/12/2016 06:01

Bồi thường cho doanh nghiệp tồn kho hải sản

TTH - Tìm phương án gỡ khó, bồi thường cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua hải sản bị tồn kho do sự cố môi trường biển đang được các cấp, ngành quan tâm triển khai…

Hải sản đông lạnh khó tiêu thụ

Đang gặp khó

Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở đông lạnh Chính Thủy ở thị trấn Thuận An cho biết, thời điểm xảy ra cá chết do sự cố môi trường biển, cơ sở thu mua, đông lạnh 150 tấn cá, giá từ 10-15 ngàn đồng/kg. Lượng hải sản được cơ sở thu mua tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, trong đó, tiền vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Thời điểm thu mua được Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn, ghi rõ thời điểm đánh bắt, nhập cá, định vị khu vực đánh bắt (xa bờ). Tuy nhiên, hải sản không tiêu thụ được phải tốn chi phí đông lạnh, tiền điện, nhân công bảo quản… mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng.

Từ khi có công bố kết quả kiểm tra, xét nghiệm hải sản an toàn, khoảng một tháng nay, hải sản tồn kho tại cơ sở đông lạnh Chính Thủy bắt đầu tiêu thụ. Nhưng số lượng bán ra vẫn còn rất chậm, do tâm lý người dân vẫn còn e ngại, nhiều người chưa dám ăn cá biển. Giá hải sản cũng chỉ bằng một nửa so với thời điểm bình thường. “Với tình hình tiêu thụ như hiện nay thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Rất mong sự quan tâm hỗ trợ, bồi thường kịp thời để cơ sở ổn định hoạt động thu mua, kinh doanh hải sản”, bà Thủy mong mỏi.

Trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp thu mua, đông lạnh hải sản cũng lâm vào cảnh tương tự. Cơ sở đông lạnh Tám Thế ở thị trấn Thuận An tồn kho đến 340 tấn cá nục. Mặc dù toàn bộ hải sản được cấp chứng nhận an toàn, khai thác ngoài 60 hải lý nhưng vẫn không tiêu thụ được. Ông Trần Văn Châu, chủ cơ sở Tám Thế buồn bã: “Tình hình thế này sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, cũng như thu mua hải sản cho ngư dân. Nguồn vốn thu mua lượng hải sản (đang tồn kho) khoảng 6 tỷ đồng, trong đó có đến 5 tỷ đồng phải vay ngân hàng, đến nay vẫn chưa trả hết. Hải sản không tiêu thụ được đã đành, mỗi tháng cơ sở phải chi 50 triệu đồng tiền điện, nhân công phục vụ đông lạnh, bảo quản”.

Hải sản tồn kho tại cơ sở đông lạnh Chính Thủy (Thuận An)

Đã có phương án bồi thường

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trong đợt sự cố xảy ra môi trường biển, toàn tỉnh có khoảng 600 tấn hải sản bị tồn kho, phải đông lạnh chờ tiêu thụ. Tính riêng tại bốn cơ sở đông lạnh lớn, gồm: Chính Thủy, Tám Thế, Bà Cả và Công ty Phú Thuận An bị tồn kho khoảng 450 tấn. Các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như sớm được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại nhằm ổn định hoạt động kinh doanh. Các cơ sở này gặp khó, đồng nghĩa với ngư dân sẽ gặp khó trong tiêu thụ hải sản.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, vừa qua, các sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công thương đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm số hải sản tại các cơ sở đông lạnh. Trong số gần 600 tấn hải sản tồn kho, chỉ có khoảng 20 tấn không đảm bảo an toàn, còn lại được chứng nhận an toàn, tiêu thụ bình thường. Các cơ quan chức năng cũng đã công bố kết quả hải sản an toàn để người dân yên tâm tiêu thụ. Số sản phẩm không an toàn đã được các ban, ngành tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Cũng theo ông Đức, tại cuộc họp bàn về bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Chính phủ tổ chức vào ngày 21/12 đã nêu các giải pháp, phương án bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua, đông lạnh hải sản bị tồn kho. Theo tinh thần tại cuộc họp, Chính phủ đồng ý phương án bồi thường 100% số hải sản không an toàn, buộc tiêu hủy. Số hải sản được xác nhận an toàn, đang tiến hành tiêu thụ được bồi thường 100% chi phí tiền điện trong quá trình đông lạnh. Sau khi có văn bản chính thức của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh sẽ triển khai chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Vấn đề quan tâm nữa hiện nay đối với người dân là chất lượng hải sản tầng đáy đã an toàn chưa? Tại cuộc họp của Chính phủ vào ngày 21/12, Bộ Y tế thông tin, từ ngày 28/11 đến 2/12 đã tiếp tục lấy mẫu cá ở bốn tỉnh, mỗi tỉnh hơn 100 mẫu để kiểm nghiệm và sẽ sớm công bố kết quả… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, môi trường biển miền Trung đã được đánh giá một cách toàn diện, đảm bảo an toàn cho các hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh, du lịch….

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo hoàn thành công tác bồi thường thiệt hại đúng tiến độ; sớm tập trung vào công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống. Các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có sự phối hợp, thực hiện việc đánh giá môi trường biển liên quan đến an toàn cá tầng đáy để người dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 5/4, Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp (Đảng ủy Khối) tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 16 (khóa VII) nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 182 của Đảng bộ Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Return to top