ClockThứ Hai, 17/10/2016 05:21

Bồi thường sự cố môi trường biển: Niềm vui và chờ mong

TTH - “Sử dụng tiền bồi thường thiệt hại sao cho hiệu quả?”, hay “tôi cũng bị thiệt hại nhưng sao không được thống kê đưa vào diện bồi thường?”… Đó là những trăn trở, băn khoăn đối với nhiều ngư dân.

Bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển: Không để xảy ra tiêu cựcBồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển: Công bằng, không để sót đối tượngBan hành định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển

Việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển đến thời điểm này đã cận kề. Các hộ trong diện sắp được nhận tiền bồi thường đều rất vui. Cũng có người lúng túng khi nhận được số tiền lớn, song chưa biết sử dụng vào mục đích gì cho hiệu quả...

Dịch vụ thu mua hải sản bị thiệt hại được bồi thường

Định hướng đúng

Ngư dân Phan Tước ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), có ba chiếc tàu công suất từ 500 CV trở lên. Theo quy định, mỗi tàu có công suất 500 CV được bồi thường gần 37,480 triệu đồng/tháng, như vậy với 3 tàu 500 CV, được bồi thường trong 6 tháng, ông Tước nhận gần 675 triệu đồng. Ông Tước chia sẻ: “Sau khi nhận tiền bồi thường, tôi cùng với ngư dân họp bàn phương án chia tỷ lệ giữa chủ tàu và người lao động trên tàu theo quy định. Sau khi chia cho lao động, số tiền còn lại tôi sẽ gửi ngân hàng, sau này lo trang trải các khoản sửa chữa tàu, máy móc, xăng dầu khi gặp khó khăn trong quá trình khai thác”.

Với các lao động trên tàu, từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, thu nhập của họ hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Được nhận kinh phí bồi thường là niềm vui lớn đối với ngư dân. Ông Nguyễn Văn Hối ở thị trấn Thuận An cho biết, đến nay chưa tính toán được tỷ lệ “ăn chia” giữa chủ tàu và người lao động,  nhưng ước mỗi lao động trên tàu được nhận bồi thường khoảng vài chục triệu đồng. Trong điều kiện đang gặp khó khăn như hiện nay, số tiền bồi thường là khá lớn đối với ngư dân. Ngoài chi tiêu phục vụ đời sống, họ còn lo con cái học hành.

Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An - ông Hoàng Phước nói: “Quá trình triển khai chi trả tiền cho ngư dân, chúng tôi lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng kinh phí bồi thường đúng mục đích, hiệu quả. Ngoài một phần trang trải đời sống, các chủ tàu dành một phần kinh phí đền bù chi các hoạt động khai thác những lúc khó khăn. Điều rất đáng mừng là ý thức của ngư dân ngày càng cao nên họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn khối tài sản lớn (tàu thuyền) nằm bờ”.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sau khi nhận tiền đền bù, các chủ tàu dành vào việc sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, nhiên liệu phục vụ hoạt động khai thác trong lúc gặp khó khăn là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Trong quá trình triển khai chi trả bồi thường, các địa phương, ban ngành cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng kinh phí theo hướng này nhằm mang lại hiệu quả, tránh lãng phí. Chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, giám sát việc chi tiêu, sử dụng kinh phí bồi thường để có sự định hướng kịp thời.

Nuôi cá lồng đang gặp khó vì giá giảm 30-40% nên ngư dân mong muốn được bồi thường

Nhiều đề xuất chính đáng

Ông Trần Hiền ở thôn 11, xã Điền Hòa (Phong Điền) tâm sự: “Mặc dù khó khăn, nhưng sau khi nhận được tiền bồi thường, tôi sẽ mở rộng lưới, mua sắm thêm lưới đánh bắt cá tầng nổi”. Tuy nhiên, trong điều kiện nghề biển khó khăn như hiện nay, ngoài bám trụ nghề, ngư dân cần có thêm nghề mới.

Ông Võ Viên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải băn khoăn: “Khi nhận được tiền bồi thường, tôi thật sự lúng túng, chưa biết nên sử dụng vào mục đích gì cho hiệu quả. Muốn chăn nuôi, trồng trọt, hay mở dịch vụ kinh doanh thì không có mặt bằng, đất đai. Mong rằng các cấp, ngành sớm có định hướng và hỗ trợ ngư dân trong lúc khó khăn này”. Đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ ngư dân ở vùng biển Ngũ Điền và các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.

Ngoài lúng túng trong việc sử dụng tiền bồi thường, nhiều hộ bị thiệt hại trong khai thác, nuôi trồng thủy sản “nỗi niềm” khi chưa được đưa vào diện bồi thường. Ông Đoàn Mão ở thị trấn Thuận An cho rằng, theo quy định, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 70% trở lên mới được bồi thường. Trong khi đó, gia đình ông cũng như nhiều hộ ở địa phương bị thiệt hại 50-đến trên 60%, chủ yếu các loại cá hồng, đối… đã 2-3 tháng nuôi, bị chết do sự cố môi trường biển, nhưng không được bồi thường là thiệt thòi lớn. “Mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xem xét, bổ dung đưa diện thiệt hại của chúng tôi được bồi thường nhằm ổn định cuộc sống”. Đó cũng là nguyện vọng của nhiều hộ ở Thuận An và các hộ nuôi cá lồng trên đầm phá.

Ông Phan Văn Luyện, hội viên Chi hội Nghề cá Thuận An 1 thông tin, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, cá lồng nuôi trên địa bàn hầu như chết hết. Có đến 200 hộ nuôi với khoảng 600 lồng cá hồng, chẽm, mú, đối… bị thiệt hại bình quân từ 50% đến 100%. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới đưa vào diện bồi thường khoảng 200 lồng bị thiệt hại 70% trở lên. Một số hộ còn ảnh hưởng, thiệt hại do cá không bán được, giá thấp chỉ còn một nửa. Có hộ nuôi đến 25 lồng, mỗi ngày chi phí thức ăn từ 1-2 triệu đồng do cá không bán được. Các hộ này cần được đưa vào diện bồi thường nhằm đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng.

Ông Trần Thanh Hữu, Tổ trưởng Tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An tỏ ra băn khoăn, theo quy định của Chính phủ, các nghề đáy, cào, mò… bị thiệt hại đều được bồi thường. Địa phương nằm gần cửa biển, có rất nhiều nghề khai thác trong, ngoài, giữa cửa biển (đáy, mò, câu, cào…) nhưng không được kê khai, đưa vào diện bồi thường. “cấp trên cần xem xét, bổ sung các nghề này vào diện bồi thường thiệt hại”, ông Hữu đề xuất.

Tại thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong (TX. Hương Trà) có đến hàng chục hộ chuyên nghề cào trìa biển ở gần cửa biển Thuận An. Đây là một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính của các hộ dân. Mỗi ngày, có hộ thu nhập từ vài trăm ngàn đến 500 ngàn đồng. Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, họ mất nguồn thu nhập lớn. Ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng thôn Thuận Hòa cho biết, hội đồng thẩm định của thị xã Hương Trà và xã Hương Phong đã về tận thôn, họp dân để nắm bắt tình hình, đang xem xét, nhưng chưa biết có được bồi thường hay không?. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, thì nghề cào là một trong những nghề được bồi thường nếu bị thiệt hại.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công thương, Y tế vào ngày 14/10, lãnh đạo các huyện, thị xã cho rằng, những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân nêu trên là chính đáng; đồng thời, đề xuất cấp trên xem xét, bổ sung đưa vào diện bồi thường.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản-trưởng đoàn cũng đã tiếp thu, ghi nhận những kiến nghị, nguyện vọng của người dân và sẽ đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ xem xét giải quyết.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Niềm vui từ workshop thủ công

Đa dạng hình thức trải nghiệm và khám phá, các chương trình workshop nở rộ đã mang đến thêm nhiều không gian thư giãn, giải trí và kích thích óc sáng tạo cho các bạn trẻ.

Niềm vui từ workshop thủ công
Khảo sát khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu

Ngày 7/3, Đoàn công tác của tỉnh do Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát, xác định các khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Khảo sát khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu
Đọng lại là niềm vui và tình thương

Đó là trải lòng của nữ bác sĩ đa khoa (BSĐK) Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Xuân, Nam Đông sau hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Đọng lại là niềm vui và tình thương

TIN MỚI

Return to top