ClockChủ Nhật, 08/01/2023 15:19

Boléro

20 thí sinh tranh tài quán quân cuộc thi "Tiếng hát Bolero khu vực miền Trung"

Không quá ngạc nhiên khi “Tình khúc Boléro” được chọn là một chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - Festival Huế 2022. Cách nay 4 năm, Liên hoan “Giọng ca vàng Boléro” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất đã được tổ chức, vinh danh Quán quân Nguyễn Thành Nhân đến từ Quảng Điền. Từ nhiều năm nay, Huế có câu lạc bộ Boléro thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, quy tụ trên 50 thành viên, là sân chơi giải trí cho những người yêu dòng nhạc xưa, trữ tình, trong đó nhạc Boléro là chủ đạo.

Cũng nên biết, Boléro có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và du nhập sang Mỹ Latinh. Khi vào Việt Nam, Boléro được Việt hóa, rất hợp với lối nói và phát âm của người Việt. Boléro nhịp nhàng, dễ hát, dễ nghe, rất gần gũi với đa số quần chúng. Mỗi bản nhạc như một câu chuyện buồn vui, rất quen thuộc với đời sống thường ngày của chúng ta. Nghe Boléro là nhắc nhớ tới những kỷ niệm buồn vui của đời người. Tính tự sự và tính buồn thường thấy kia ở Boléro, rất gần gũi với Huế mình.

Ở Huế có câu “Boléro chợ Nọ” (chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng Dương Nỗ). Ý rằng, nhạc Boléro là nhạc quê mùa. Nhưng nên nhớ rằng, Boléro cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn. Nhiều khi cái quê mùa của Boléro cũng đánh động được tâm hồn của những người thành thị, những người có kiến thức. Thích nhạc Boléro nhưng họ mang mặc cảm, không dám cho bạn bè biết.

Một trong những người tiên phong đẩy Boléro ở Việt Nam đến điểm vinh quang là Châu Kỳ, một nhạc sĩ người Huế. Trong gia tài hơn 200 ca khúc ông để lại, gần như tất cả đều là những bản “thất tình ca”. Những Con đường xưa em đi, Đừng nói xa nhau, Xin làm người tình cô đơn... đều là lời chia biệt cho những cuộc tình đẹp nhiều ngang trái. Và, để viết ra được những khúc ca lay động lòng người ấy là cả một vốn liếng âm nhạc đồ sộ. Cha ông là nghệ nhân ca Huế Châu Huy Hà và âm hưởng cổ nhạc Huế cũng tìm thấy rõ qua nhiều tác phẩm của Châu Kỳ. 

Cách đây không lâu, Thái Hằng, một giọng ca được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Huế, bước vào làng giải trí với hành trang là Top 4 cuộc thi Solo cùng Boléro 2019. Với chất giọng ngọt ngào và dáng vóc đẹp, Thái Hằng tỏa sáng là dấu ấn tươi trẻ mới của dòng nhạc Boléro. Thái Hằng đã quyết định Nam tiến để viết tiếp đam mê âm nhạc. Cùng hành trình với Thái Hằng, còn có Hồ Ngọc Vàng, một giọng ca trẻ sở hữu chất giọng tự nhiên, riêng biệt không lẫn vào đâu được và rất nhiều nữa những giọng ca nổi tiếng đã chọn Boléro như một đặc sản giới thiệu của miền Hương Ngự.

Cũng phải thấy rằng, nếu có một địa phương nào của miền Nam được đi vào âm nhạc, đặc biệt là Boléro nhiều nhất thì chắc chắn đó là đất Huế. Với vẻ đẹp nên thơ đầy mộng mơ, xứ Huế từ lâu trở thành chủ đề để các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc ngọt ngào và trữ tình mà mới nghe qua tên gọi cũng đã thấy xao xuyến: Mưa trên phố Huế (của Minh Kỳ), Thương về Cố đô (của Thanh Sơn), Huế thương (của An Thuyên) hay  Ai ra xứ Huế (của Duy Khánh).

Buổi chiều giữa đông, tầm tã mưa rơi, đi qua cầu Trường Tiền và rồi dọc theo đôi bờ sông Hương có thành quách rêu phong và đôi bờ phố thị soi bóng, bất chợt ngân vọng trong tôi một “Chiều nay mưa trên phố Huế”. Nhớ ai đó đã có lời, rằng hầu như ai đến Huế cũng cảm nhận được một nét buồn man mác, và mưa cũng là một đặc sản của xứ này. Trước không gian u buồn, trầm mặc của Cố đô, cơn mưa chiều nặng hạt làm cho Huế u trầm hơn, da diết nhớ nhung với người xưa, cảnh cũ hơn. Và, nó đã được chuyển tải bằng Boléro mang sắc màu đất Thần kinh.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế

Có những nhạc sĩ mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong số đó. Ông là nhạc sĩ được công chúng biết đến và yêu thích với những ca khúc quen thuộc: Tình ta biển bạc đồng xanh, Phố biển tình anh, Tiếng dạ tiếng thương, Tình người hương lúa, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Thành Huế chúng mình thương, Nhớ Ngự Bình… trong những thập kỷ qua.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế
Return to top