ClockThứ Bảy, 22/10/2022 05:03

Bộn bề nỗi lo phòng trọ sinh viên

TTH - Kiếm được phòng trọ gần chỗ học đã khó, sinh viên lại phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo phòng trọ mùa mưa lũ. Mong có được chỗ ở an toàn là ước muốn của hàng ngàn sinh viên mỗi năm học.

Tiếp tục hỗ trợ sinh viên, nhắc nhở phòng tránh tai nạn đuối nướcCác trường đại học mở cửa, hỗ trợ sinh viên tránh bãoGặp mặt giao lưu giữa học sinh, sinh viên Thừa Thiên Huế với các tỉnh nước bạn Lào

Đội phản ứng nhanh Trường ĐH Sư phạm hỗ trợ sinh viên ra khỏi phòng trọ khu vực thấp trũng

Từ nỗi lo nước ngập

Đêm 14, rạng sáng ngày 15/10, nước ngập nhanh lên đến mép giường khiến Trịnh Thị Hải Yến, Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế phải cầu cứu đến các thầy cô. Yến chia sẻ: “Nước lên quá nhanh, không có người thân bên cạnh, lại giữa đêm khiến em rất sợ. May nhờ có đội phản ứng nhanh của nhà trường hỗ trợ”.

Chuyện trọ sinh viên một lần nữa đặt ra nhiều nỗi lo. Cách đây hơn nửa tháng, hàng ngàn sinh viên phải chật vật để tìm phòng trọ gần trường học. Nguyễn Thị Phương Thuý, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ: “Kiếm đỏ cả mắt nhưng vẫn khó tìm được trọ ưng ý. Do có nhiều trường ở gần nhau nên khu vực trung tâm thành phố đều hết phòng, ở xa trường mới còn phòng. Hoặc có chăng, chỉ còn những phòng vệ sinh ngoài, ẩm thấp. Đến mùa lụt lại thấp thỏm lo”.

Trong trận mưa lịch sử ngày 14-15/10, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng đã có không ít phòng trọ sinh viên bị ngập, kéo theo hàng loạt tài sản, sách vở của sinh viên bị ướt, hư hỏng. Tại các dãy trọ đường Hải Triều, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tuân… nước ngập sâu làm đảo lộn cuộc sống của sinh viên. Nhiều trường hợp không chạy kịp phải kê cao đồ, ăn mì tôm sống chờ nước rút. “Nghe mưa là sốt ruột, thực sự em đã có một đêm không ngủ khi chứng kiến cảnh ngập dãy trọ”, Nguyễn Thanh Hải, sinh viên ở trọ đường Nguyễn Lộ Trạch kể.

Trong hàng chục ngàn sinh viên ở Huế, rất nhiều trường hợp phải liên tục chuyển trọ, có nhiều người chuyển đến 3-4 lần vẫn không thể hài lòng. Doãn Hùng, sinh viên ĐH Huế chia sẻ: “Các cư xá sinh viên có khá nhiều, nhưng với mức giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng với sinh viên là số tiền rất lớn. Xa quê, bố mẹ hỗ trợ nhiều lắm là 2 triệu đồng/tháng, phải đi làm thêm để trang trải. Vì vậy, em với nhiều bạn luôn muốn tìm trọ ở mức giá dưới 1 triệu đồng/tháng. Các nhà trọ trong khu dân cư thường đã xây nhiều năm, ít được tu sửa, chỉ lâu lâu sơn quét lại nên chất lượng thấp. Ẩm thấp, mưa dột, lo bão, lụt là điều khó tránh khỏi. Chuyển từ Nguyễn Lộ Trạch sang Dương Văn An, rồi qua Bà Triệu nhưng năm nào em cũng phải chạy lũ”.

TS. Trần Đăng Huy, Trưởng ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế trăn trở: “Khó khăn của sinh viên về chỗ ở tiện nghi, an toàn cũng là trăn trở của tỉnh và ĐH Huế. Ký túc xá (KTX) sinh viên vẫn thiếu phòng, trong khi điều kiện thời tiết khiến các KTX xuống cấp nhanh. Dù các ban, ngành của tỉnh và ĐH Huế có nhiều nỗ lực thu hút nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng nhà ở cho sinh viên”.

Mong đầu tư chỗ ở khang trang

Huế hiện có hơn 15 trường ĐH, học viện, đơn vị đào tạo ĐH, cao đẳng. Chỉ riêng ĐH Huế đã có 8 trường thành viên, 1 trường và 3 khoa trực thuộc với số lượng sinh viên hằng năm khoảng 40.000 người. Nhu cầu bức thiết về chỗ ở, nhưng ngoài hai KTX Trường Bia và Tây Lộc, đa phần sinh viên ĐH Huế đều phải tìm trọ. Ông Hồ Nhật Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế cho biết, cả hai KTX Trường Bia và Tây Lộc có sức chứa trung bình chưa tới 3.000 sinh viên. Hằng năm, trung tâm dành khoảng 750 - 800 chỗ ở cho tân sinh viên, nhưng trong giai đoạn cao điểm vẫn khó đáp ứng được nhu cầu.

Vào năm 2016, thông tin Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tisco Huế được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở sinh viên tại khu quy hoạch ĐH Huế, khiến nhiều người cảm thấy phấn khởi. Thế nhưng, đã qua nhiều năm, do nhiều nguyên nhân, khu vực trên vẫn còn là một bãi đất trống. Sở Tài nguyên và Môi trường đã huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng gần 8.300m2 đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở sinh viên và trước đó (năm 2019), Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chấm dứt hoạt động với dự án do vi phạm quy định tại điểm g, khoản 1, điều 48, Luật Đầu tư. Điều này đồng nghĩa, mong ước về một khu nhà ở sinh viên vẫn chưa thể thực hiện.

TS. Lê Nam Hải, Phó Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế chia sẻ, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, lưu trú của sinh viên một cách tốt nhất luôn là mong mỏi của lãnh đạo ĐH Huế và các trường. Thực tế, cần một khu KTX đáp ứng khoảng 25% tổng sinh viên (khoảng 10.000 chỗ ở) mới giải quyết được phần nào những trăn trở về nhu cầu cho sinh viên.

Cuối tháng 8/2022, Giám đốc ĐH Huế và Chủ tịch Ủy ban Quản lý HK, Hàn Quốc đã cùng ký biên bản thỏa thuận xây dựng KTX sinh viên trên hai khu đất: khu đất thứ nhất có diện tích 8.500m2 (phường An Tây) theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và khu đất thứ 2 khoảng 30.000m2 trong khu quy hoạch KTX thuộc Khu quy hoạch ĐH Huế đã được Thủ tướng phê duyệt. Song, về mặt thực tế mới chỉ là những thỏa thuận ban đầu, để đi đến triển khai vẫn còn nhiều điều kiện, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Lãnh đạo ĐH Huế vẫn đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chung tay cùng ĐH Huế xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt văn minh, hiện đại tại các khu KTX, đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Hiện, ĐH Huế nỗ lực kết nối, tìm kiếm các nhà đầu tư theo hướng vừa đầu tư vừa khai thác và hai bên cùng quản lý. Mong rằng sắp tới, sẽ có một khu nhà ở cho sinh viên được đầu tư khang trang, giá cả phù hợp với người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top