Thể thao trong nước

Bóng bàn & cơ hội trở lại

ClockChủ Nhật, 17/06/2018 09:55
TTH - Nội dung thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh năm 2018 vừa khép lại cũng chính là thời điểm người hâm mộ chờ mong ngành thể thao sẽ tính toán để bộ môn này quay trở lại trên hệ thống các môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Với phong trào mạnh, cơ hội cho bóng bàn không phải là quá khó.

Hấp dẫn thi đấu cờ ngườiThừa Thiên Huế giành giải Nhất toàn đoàn nội dung trên 18 tuổiKết thúc các nội dung thi đấu môn điền kinh và bơi lội Đại hội TDTT tỉnh

Một trận đấu bóng bàn tại Đại hội TDTT tỉnh năm 2018

Phong trào mạnh

Giải thi đấu môn bóng bàn Đại hội TDTT tỉnh năm 2018 (từ ngày 6 - 9/6) quy tụ đến 55 vận động viên (VĐV) nam, nữ xuất sắc của tỉnh tranh tài ở 6 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội nam. So với các môn thể thao nằm trong khuôn khổ đại hội, chất lượng ở môn bóng bàn khá cao với nhiều trận đấu gay cấn, hấp dẫn.

Rõ ràng, để tạo ra một giải đấu tại kỳ đại hội thành công thì phong trào phải đủ mạnh và các VĐV trải qua quá trình tập luyện, “mài dũa” kinh nghiệm dài ngày. Bằng chứng là ngoài đơn vị có thế mạnh là TP. Huế cùng một số huyện, thị thì Đại học Huế và Công an tỉnh cũng cho thấy quá trình chuẩn bị lực lượng và chất lượng chuyên môn VĐV khá cao.

Đại hội TDTT tỉnh là cơ hội để đánh giá, rà soát lại phong trào nhằm đưa ra những tính toán để phát triển thể thao thành tích cao. Ở đấu trường đại hội tỉnh lần này, sự phát triển phong trào đã “lột tả” được sự lớn mạnh của bộ môn này trong phong trào tập luyện thể thao của người dân, qua đó tạo ra cơ sở để ngành thể thao đầu tư và định hướng phát triển.

Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao) Lê Ngọc Tư khẳng định, môn bóng bàn đã trở thành môn thể thao phổ thông với phong trào tập luyện rộng khắp tỉnh. Ngay tại các huyện, thị cũng đã hình thành các câu lạc bộ (CLB), sân tập và thanh, thiếu niên dần lựa chọn môn thể thao này để chơi thường xuyên. “Chi phí đầu tư cho môn bóng bàn rẻ nên dễ hình thành các CLB, nhóm tập và phát triển phong trào ở các địa phương. Nhiều gia đình cũng sắm bàn bóng bàn để tập luyện. Ngoài ra, hằng năm, có 10 giải đấu lớn nhỏ của môn bóng bàn thu hút hơn cả ngàn VĐV tham gia tranh tài”, ông Tư nhấn mạnh.

Bóng bàn là môn nằm trong hệ thống thể thao Olympic. Trong quá khứ, Huế cũng có đội tuyển năng khiếu vào năm 1986 và từng rất thành công. Song, vì nhiều lý do, bộ môn bóng bàn phải giải tán đội tuyển năng khiếu vào năm 2004. Nhìn từ kỳ Đại hội TDTT tỉnh năm 2018, có thể thấy so với giai đoạn trước, phong trào bóng bàn Huế đã phát triển vượt bậc cả về chất lẫn lượng. Điều này cộng thêm cơ sở vật chất của môn thể thao này đang được đầu tư mạnh ở khắp các huyện, thị thì cơ hội để đưa bóng bàn “vươn mình” ra khỏi khuôn khổ phong trào là rất lớn.

VĐV Đại học Huế thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội TDTT tỉnh năm 2018

Nghiên cứu đầu tư

Sau Đại hội TDTT tỉnh năm 2018, ngành thể thao tỉnh sẽ có quá trình đánh giá, nghiên cứu và xây dựng các chiến lược thể thao giai đoạn tiếp theo. Với những gì đã nói, việc đầu tư cho bóng bàn cũng cần được nghiêm túc tính toán.

Trong làng thể thao toàn quốc đã có nhiều đơn vị bỏ ra hàng chục năm đầu tư cho bóng bàn và đang phát triển phong trào mạnh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hải Dương… vì vậy việc xây dựng lại môn bóng bàn ở Huế để có thể cạnh tranh khi thi đấu các giải trong nước không thể một sớm một chiều, cần có giai đoạn. Ngay cả việc hình thành đội tuyển cũng không thể vội vàng. Trước mắt, ngành thể thao có thể hình thành bộ môn, đưa vào chính sách đào tạo huấn luyện viên, VĐV năng khiếu, sau đó từng bước hình thành các tuyến VĐV để phát triển thể thao thành tích cao. Nhìn sang nhiều tỉnh, thành khác, việc các đội tuyển “sinh sau, đẻ muộn” nhưng tranh chấp huy chương tốt không phải không có, nhưng quan trọng vẫn là chiến lược xây dựng và đầu tư hợp lý. Hơn nữa, với thể thao Huế, bóng bàn từng đã có giai đoạn “làm quen” với môi trường tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp nên đầu tư cho bóng bàn dễ có hiệu quả.

Phát triển môn bóng bàn, ngoài vai trò của Nhà nước, các CLB phải góp sức. Trong đó, có thể hướng đến thành lập tổ chức hội hay Liên đoàn Bóng bàn tỉnh nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển môn thể thao này. Nhìn nhận lại số lượng CLB và niềm đam mê bóng bàn, có thể thấy giải pháp này sẽ triển khai được nếu những người đứng đầu các CLB đồng lòng, chung sức và tâm huyết.

Một điều có thể thấy, người yêu bóng bàn đang khao khát đưa môn thể thao này phát triển thành môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Khi bóng bàn có đội tuyển năng khiếu, thi đấu thành công ở các đấu trường lớn chắc chắn sẽ tác động ngược trở lại để thể thao phong trào phát triển. Quyết định và những tính toán thuộc về ngành chức năng, nhưng trước mắt những người hâm mộ môn thể thao này cần duy trì ngọn lửa đam mê, quyết tâm.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top