ClockThứ Hai, 11/09/2017 13:26

Bồng bềnh Huế

TTH - Bạn từ Bình Dương ra thăm Huế, vội vã tranh thủ non hai ngày đã phải chia tay. Chuyến xe du lịch vừa lăn bánh, bạn để lại lời nhắn: “Giờ thì tui đã hiểu sao người Huế hiền lành và dễ thương quá đỗi rồi. Cảm ơn sông Hương, niềm tự hào của Huế và cũng là của tui trong lần “check - in” này”.

Hoàng hôn trên sông Hương. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Bạn về Huế. Giữa rất nhiều lời mời tham quan lăng tẩm, chùa chiền, đền đài cổ kính, nơi đầu tiên bạn chọn đến để thăm Huế là sông Hương. Bạn cười: “Nhà thơ Thu Bồn ngậm ngùi: Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu… Tui chỉ có niềm mơ nho nhỏ là muốn biết “độ sâu” ấy đến nhường nào thôi”. Vậy là đi, suốt một ngày.

Buổi sáng, chúng tôi xuôi dòng Hương Giang về phía hạ lưu để thăm một đô thị Huế sôi động và bình dân. Mặc tiếng máy nổ ồn ào của chiếc thuyền rồng đơn, bạn cứ lặng yên ngắm nhìn cuộc sống ngược xuôi diễn ra hai bên bờ sông – nhịp sống hẳn rất khác với thế giới riêng của bạn. Để lại sau sóng nước nhịp cầu Trường Tiền, bến chợ Đông Ba, thuyền đi ngang Cồn Hến. Giới thiệu với bạn phía đối diện, con đường men theo bờ sông được mang tên của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Rồi qua khúc quanh ôm cả tòa thành phòng thủ Trấn Bình Đài, là phố cổ Bao Vinh - Thanh Hà, nơi cách đây hơn 3 thế kỷ đã từng là đầu mối giao thương tập hợp và trung chuyển các loại sản vật của thương lái từ khắp nơi đổ về.

Cuộc hành trình tiếp tục về qua làng Sình - ngôi làng cổ với hội vật võ truyền thống nổi tiếng. Có điều, thay vì ghé bến Lại Ân, ghé thăm làng Sình, bạn lại chỉ muốn “đi tiếp ra phía biển để thấy tận cùng của dòng Hương là gì”. Chiều lòng khách, bác tài công vui vẻ: “Nếu muốn ngắm làng Huế, đoạn từ ngã ba Sình về đập Thảo Long là số một đó. Đoạn ni phong cảnh hữu tình, làng quê bình yên mà lại có nhiều bến nước, có cả những đoàn trâu đằm, đẹp mê hồn”.

Chiều, chuyến hành trình tiếp tục bằng tuyến ngược dòng Hương ngắm hoàng hôn. Từ bến đò Tòa Khâm, thuyền rồng lướt nhẹ trong bóng chiều ngược nắng. Khác với phía hạ nguồn, đôi bờ sông Hương phía thượng nguồn ít bến nước hơn và nhiều bóng cây rợp mát hơn. Bạn cứ “ngẩn” theo lời giới thiệu của bác tài mến khách khi thuyền qua Kim Long, Nguyệt Biều… Lên quá chùa Thiên Mụ một quãng, thuyền tắt máy cho tự thả trôi để khách xa ngắm hoàng hôn lấp loáng trên sông. Bạn vốn đã quen với nhịp sống nhanh và phóng khoáng miền Nam nên giữa phong cảnh hữu tình trên dòng Hương, cái gì cũng khiến bạn ngạc nhiên. Ngạc nhiên nhưng không dám bày tỏ cảm xúc một cách thái quá, bởi muốn “mình cũng có thể dịu dàng như con nước này”.

Sông Hương dài 80km, riêng đoạn từ Bẵng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Do độ dốc của dòng nước không chênh lệch nhiều so với mặt biển nên nước sông chảy êm đềm. Đoạn sông chảy qua Huế mở rộng và uốn lượn, tôn thêm vẻ đẹp cho TP. Huế. Bất cứ dòng sông nào hiện hữu cũng là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho xứ sở. Riêng với Huế, sông Hương càng đặc biệt khi chính dòng sông được coi là một trong những yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô. Từ lâu, vẻ đẹp của sông Hương đã đi vào thi - ca - nhạc - họa và không câu từ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp của dòng sông này.

Sinh thời, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan dẫn giải: “Bắt đầu từ thế kỷ 17, sông Hương có một vị trí đặc biệt trong việc tổ chức không gian đô thị Huế. Từ phủ Kim Long đến các đô thị tiền thân Huế như thủ phủ Phú Xuân, đô thành Phú Xuân, kinh đô thời Tây Sơn đều lấy sông Hương làm trục chính trong việc quy hoạch và xây dựng đô thị. Đến kinh đô triều đại các vua Nguyễn, sông Hương là tuyến giao thông trọng yếu để từ Huế lên tây xuống đông và đi mọi miền đất nước. Trong khi, trầm tích văn hóa giải mã từ các cổ vật thì sông Hương là vùng biên viễn của nhiều nền văn minh trước khi nó trở thành kinh đô nước Việt Nam thống nhất vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19”.

Huyền tích về sông Hương, bằng cách này hay cách khác cũng đã được các kỳ Festival Huế giới thiệu với du khách qua những chương trình nghệ thuật quảng diễn, như: Thao diễn thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn, Huyền thoại sông Hương, Thiên hạ thái bình… Và về với Huế hôm nay, du khách có rất nhiều sự lựa chọn để khám phá sông Hương. Bất kể là đường bộ hay đường thủy, những con đường dẫn đến các di tích lăng tẩm, chùa chiền, làng mạc, giao thông đều rất thuận tiện, con người bản xứ lại hiền lành, thân thiện.

Trong hành trình khám phá sông Hương, buổi tối chúng tôi có thêm một trải nghiệm vô cùng đặc biệt là ngắm dòng sông và phố phường thành Huế từ tầng hai của thuyền ngự Long Quang. Thuyền ngự Long Quang được chế tạo mô phỏng theo mẫu ngự thuyền Tế Thông nổi tiếng thời Nguyễn. Thuyền có hai tầng; trong đó tầng 1 dùng để phục vụ ẩm thực cung đình, ca Huế, tầng 2 là không gian để du khách thưởng trà, hưởng gió và ngắm cảnh. “Huế có rất nhiều không gian đẹp, có nhiều chốn bình yên để thăm chơi, nhưng được ngắm Huế, thưởng thức cà phê trong không gian này thì quả là món quà vô cùng ý nghĩa với khách xa. Lần sau lại hẹn ở đây nếu có dịp ra Huế nhé”, bạn thủ thỉ. 

Trong đêm chúng tôi “du sông”, sông Hương có phần bình lặng hơn thường ngày. Thuyền rồng ca Huế cũng không quá nhộn nhịp, chỉ độ 5-7 chiếc lên về nghe văng vẳng lời ca, tiếng phách. Anh nhân viên nhà thuyền góp chuyện: “Nhiều đêm có đến 20 chiếc thuyền ca Huế, rộn ràng cả đoạn sông, rất vui. Hơn nữa, trên nhiều thuyền các nghệ sĩ chỉ biểu diễn “mộc” nên sông đêm cũng êm đềm hơn, khách giữa các thuyền ít bị ảnh hưởng vì loạn âm”.

“Có điều, sông tối quá”, bạn nhận ra điều đó khi thuyền xuôi về Gia Hội, ngoài đoạn qua phố đêm Nguyễn Đình Chiểu, nhà hàng nổi, bến Thương Bạc lấp lóa anh đèn, còn thì mờ mờ tối. “Sáng quá thì sẽ không còn là Huế, nhưng ít ra cũng phải thể hiện được Huế đêm đẹp đến mức nào. Với mức độ chiếu sáng hiện tại, mình thấy khoảng tối nhiều quá. Tiếc!”, khách xa ngậm ngùi.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top