Thể thao

Bóng đá Huế với 3 lần play – off

ClockThứ Bảy, 17/10/2020 13:22
TTH - Kể từ khi bóng đá Việt Nam có thể thức thi đấu play-off (tranh suất vớt để chọn một đội bóng lên chơi ở hạng cao hơn), thì bóng đá Huế là một trong những đội thi đấu play-off nhiều nhất với 3 lần tranh tài. Đó đều là những trận đấu đáng nhớ trong lòng người hâm mộ bóng đá Cố đô...

Trắng tay trên sân kháchÉo leGục ngã trước ngưỡng “thiên đường”

Một buổi tập bổ sung thể lực của U15 Thừa Thiên Huế gợi nhớ đến hình ảnh trận “thủy chiến” năm nào

“Thủy chiến” trên sân Tự Do

Năm 1996, Á quân Thừa Thiên Huế rớt xuống hạng Nhì chỉ sau một năm làm mưa làm gió ở giải các đội mạnh toàn quốc. Sau 2 năm chơi ở giải hạng Nhì, bóng đá Huế hồi sinh trở lại với việc lọt vào vòng Chung kết giải hạng Nhì năm 1998 thi đấu trên sân Long An.

Trận chung kết của giải là cuộc đối đầu với kỳ phùng địch thủ Đà Nẵng. Trong một trận đấu căng thẳng suốt 90 phút, đội bóng sông Hàn đã giành chiến thắng với cú sút phạt thành bàn của danh thủ Hà Xá. Thất bại trận chung kết nhưng đội quân của HLV Nguyễn Đình Thọ khi đó còn một cửa nữa để trở lại giải các đội mạnh toàn quốc, đó là hai trận play-off gặp đội bóng danh tiếng Hải Quan của TP. Hồ Chí Minh.

Trận đấu trong mưa giữa CLB Bóng đá Huế (trắng) với Đồng Tháp ở giải hạng Nhất 2019 trên sân Tự Do

Hải Quan là một đội bóng từng vô địch quốc gia, có nhiều danh thủ trong đội hình. Mặc dù năm đó Hải Quan sa sút nhưng trong đội hình của họ vẫn còn những tên tuổi như Đỗ Khải, Chí Bảo, Nguyên Chương, Anh Trung, Kiên Hùng... Trong khi đó, Thừa Thiên Huế vẫn là những cái tên quen thuộc như: Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Nguyễn Đức Dũng, Lê Minh Sỹ Hùng, Đinh Công Thịnh và thêm một số cầu thủ trẻ như Quang Phú, Quyết Thắng, Văn Hiền.

Trận play-off lượt đi trên sân Thống Nhất, HLV Nguyễn Đình Thọ táo bạo khi cho các học trò chơi tấn công trước các cầu thủ chủ nhà. Lối chơi này đã làm cho các cầu thủ Hải Quan bất ngờ. Bất ngờ hơn khi đội bóng Cố đô ghi bàn mở tỷ số từ một pha phạt góc sau khi hậu vệ Lê Minh Sỹ Hùng dâng cao tấn công buộc một hậu vệ đối phương đánh đầu phản lưới nhà.

Nhưng cầu thủ ấn tượng nhất trận đấu hôm đó là tiền đạo số 8 Trần Quang Phú. Quang Phú chính là người ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 sau pha bóng thoát khỏi sự truy cản của trung vệ kỳ cựu Đỗ Khải và thực hiện một cú sút trước vòng 16m50. Tuy nhiên, Hải Quan vẫn là một đội bóng kinh nghiệm, họ bình tĩnh để gỡ hòa 2-2 với 2 bàn thắng của tiền đạo Anh Trung.

Sau đó một tuần, vào một ngày cuối tháng 12/1998, trận play-off lượt về diễn ra trong thời tiết mưa lạnh trên sân Tự Do. Trận đấu diễn ra lúc 15 giờ nhưng từ trưa, các khán đài của sân Tự Do đã ken đặc khán giả. Trận đấu thực sự là một cuộc thủy chiến, các cầu thủ tranh chấp bóng trên từng khoảng nước trên sân trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả Huế.

Tất nhiên, với lợi thế có bàn thắng trên sân khách, Lê Đức Anh Tuấn và các đồng đội đã biết cách giảm tốc độ trận đấu. Đồng thời, mưa lạnh khiến mặt sân trơn, hầu như các cầu thủ Hải Quan không thể tổ chức những pha bóng theo ý muốn và bất lực để trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0.

Thừa Thiên Huế trở lại mái nhà xưa. HLV Nguyễn Đình Thọ đã khóc ngon lành trên sân quanh những vòng tay ấm áp của các học trò...

Cú ngã trên sân Vinh

Mùa bóng 2002, HLV Đoàn Phùng có mùa bóng thứ hai dẫn dắt đội Huda Huế. Ngoài một số cái tên quen thuộc như Đình Tuấn, Văn Trương, Thanh Tuấn, Ngô Việt Trung, ông Phùng còn bổ sung bộ 3 người Hàn Quốc từ Khành Hòa là Hwang Jung Min, Hwang Jung Man và Kim In Sik. Những cầu thủ Hàn Quốc có thể lực mạnh mẽ, tốc độ cao, họ cũng rất chuyên nghiệp từ tập luyện đến thi đấu.

Thế nhưng, lối chơi của bộ ba người Hàn lại không hợp với các cầu thủ còn lại. Vì thế mặc dù trận nào Huda Huế đá cũng tích cực, di chuyển nhiều nhưng kết quả lại không được như ý. Kết thúc mùa bóng năm 2020, Huda Huế phải đi đá play-off với đội hạng Nhất là Hà Nội ACB tại sân Vinh.

Ở trận đấu này, mặc dù cầm bóng nhiều hơn, tổ chức nhiều đợt tấn công hơn nhưng điểm yếu ở khâu ghi bàn của các học trò HLV Đoàn Phùng vẫn không được khắc phục. Tấn công nhiều nhưng thiếu hiệu quả, các học trò của HLV Đoàn Phùng bị cú “hồi mã thương” khi cầu thủ Hungari Lajos có cú sút chìm hạ gục thủ môn Ngô Việt Trung ấn định tỷ số trận đấu. Cú ngã đau trên sân Vinh đã đưa Huế xuống chơi ở hạng Nhất mãi đến năm 2006.

Niềm vui sân Thiên Trường

Mùa bóng 2006, HLV Đoàn Phùng mạnh dạn đưa các cầu thủ tuổi 20 như Trọng Trung, Độ Thắng, Tuấn Tú, Cửu Phú, Viết Hải lên thi đấu ở giải hạng Nhất. Dàn cầu thủ trẻ này hợp cùng một số cầu thủ kinh nghiệm như Thanh Tuấn, Cảnh Lâm và các cầu thủ ngoại chất lượng như Marcelo hay Flavio đã thi đấu rất ấn tượng ở mùa giải năm đó, đồng thời bất ngờ giành tấm vé play-off thi đấu với Hải Phòng trên sân Thiên Trường của Nam Định.

Trận đấu trên sân Thiên Trường làm nhiều người yêu bóng đá Huế nhớ lại trận đấu play- off trên sân Tự Do năm nào khi mà trời mưa to, nước sũng khắp mặt sân. Các cầu thủ Cố đô bất ngờ mở tỷ số trước với pha đánh đầu dũng mãnh của hậu vệ Marcelo trong một pha dâng cao. Nhưng sau đó các cầu thủ Huế không giữ được lợi thế và hai đội bước vào loạt đấu luân lưu.

Trong khung thành, thủ môn của Huế là Ulrich đã chơi môt trận đấu tuyệt vời, cản được một cú sút của đối phương. Khi đó thật khó có thể tả được niềm vui sướng tột cùng của Huế, khi thủ quân Nguyễn Trường Giang của Hải Phòng đá hỏng cú penalty quyết định.

Ngay sau đó là màn ăn mừng rất sôi nổi và cũng rất xúc động của đội bóng Cố đô. HLV trưởng Đoàn Phùng và Giám đốc Sở Thể dục Thể thao đó là ông Ngô Văn Trân (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) được các cầu thủ công kênh trong những tiếng reo hò không ngớt của nhóm cổ động viên nhiệt tình từ Huế ra Nam Định cổ vũ cho đội bóng con cưng...

Bài: Phi Tân - Ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Thua ở phút chót

Từ pha đánh đầu chuyền bóng chọc khe của trung vệ Thanh Bình, Quang Hải phá bẫy việt vị lao xuống sút chân trái chéo góc gỡ hòa 2-2 cho tuyển Việt Nam. Đồng hồ chỉ vào phút thi đấu chính thức cuối cùng. Một bàn thắng đầy cảm xúc khi các học trò của ông Troussier đang chơi thiếu người.

Thua ở phút chót
Bóng đá “phủi” chào xuân mới

Có một hoạt động thể thao chào mừng xuân mới thu hút sự quan tâm của nhiều người, là các giải bóng đá phong trào được tổ chức sôi nổi và rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh trong những ngày đầu năm 2024.

Bóng đá “phủi” chào xuân mới
Chờ ngày “hóa rồng”

Biết dựa vào nội lực và đặt niềm tin vào lớp trẻ, bóng đá Huế đang có hy vọng “cá chép hóa rồng” và tạo được đột phá trong tương lai.

Chờ ngày “hóa rồng”
Vòng loại Giải U19 quốc gia 2024:
U19 Huế có 4 cầu thủ thuộc biên chế đội Hạng Nhất Quốc gia

Từ ngày 7/1 đến 29/1/2024, trên sân vận động Tự Do diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ bảng C Vòng loại Giải U19 quốc gia 2024. Bảng C có 5 đội tham dự, cùng với U19 Huế còn có U19 SLNA, U19 Đà Nẵng, U19 Quảng Nam và U19 Quảng Ngãi.

U19 Huế có 4 cầu thủ thuộc biên chế đội Hạng Nhất Quốc gia
Return to top