Thể thao

Bóng đá sinh viên thiếu môi trường cọ xát

ClockChủ Nhật, 23/10/2022 06:45
TTH - Bóng đá sinh viên khó có bước tiến lớn nếu chỉ quanh quẩn trên sân nhà, với những giải giao lưu nội bộ. Thiếu môi trường cọ xát sẽ khiến giấc mơ về những quả ngọt và mục tiêu vươn tầm chậm lại.

3 đội vào vòng chung kết giải bóng đá sinh viên toàn quốcKhởi tranh giải bóng đá sinh viên toàn quốc 2022 khu vực miền Trung

Trận đấu giữa hai đội bóng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế - Trường ĐH Đà Lạt

Thiếu cơ hội cọ xát

Giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc 2022 khu vực miền Trung vừa khép lại trên sân vận động Tự Do Huế (đầu tháng 10), để lại cho người hâm mộ cả niềm vui lẫn tiếc nuối. Vui vì ở giải đấu, cả 3 đội bóng đá thuộc Đại học (ĐH) Huế là Cơ quan ĐH Huế, Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Kinh tế giành quyền tham gia vòng chung kết Giải bóng đá sinh viên toàn quốc năm 2022. Nhưng tiếc nuối ở chỗ, dù là một giải đấu có tính chất, quy mô lớn nhưng cơ hội cọ xát cho các đội còn quá ít ỏi.

Nhìn vào giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc năm 2022 diễn ra ở 3 khu vực, mới thấy những tiếc nuối hoàn toàn có cơ sở. Ở khu vực phía Bắc, giải đấu có đến 24 đội, khu vực phía Nam gồm 20 đội nhưng khu vực miền Trung chỉ có 6 đội bóng tranh tài. Nếu không tính 4 đội thuộc ĐH Huế (Cơ quan ĐH Huế, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm) thì chỉ có 2 đội trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên góp mặt là Học viện Hải quân và Trường ĐH Đà Lạt. Đây là điều đáng tiếc khi nhiều năm qua, ĐH Huế mới lại có một cơ hội đăng cai giải như vậy.

Trận đấu tại Giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc 2022 khu vực miền Trung

Số lượng đội ít chắc chắn làm giảm cơ hội cọ xát cho tất cả đội bóng. Nói như cách của ông Trần Quốc Hùng, Trưởng khoa Giáo dục Thể chất, Trưởng đoàn Bóng đá Trường ĐH Đà Lạt ngay trước giải đấu, nếu không tiến đến được bán kết, các đội chỉ có 2 trận đấu đã phải ra về. Dường như mỗi giải đấu ở các địa phương, sức hút với các đơn vị trong cùng khu vực còn chưa cao.

Bóng đá là môn thể thao vua. Ngay tại Huế và khu vực miền Trung, môn thể thao này cũng cực kỳ cuồng nhiệt với hàng loạt các giải đấu giao lưu nội bộ hoặc các giải đấu tự phát do các đội bóng tự liên kết tổ chức. Tuy nhiên, để có môi trường cọ xát lớn hơn, vượt ra khỏi phạm vi địa phương thì vẫn còn là một khó khăn. Đây là rào cản lớn với bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt là bóng đá nếu muốn vươn xa.

Nói bóng đá sinh viên không cần hoặc khó chuyên nghiệp có thể đúng nhưng cũng có thể sai bởi, nhìn vào bóng đá sinh viên ở Đông Á, chắc chắn nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại. Hơn 10 năm trước, những đội bóng sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc là khách mời thường xuyên của làng bóng Việt Nam, từ cúp quốc tế TP. Hồ Chí Minh, các giải tập huấn của tuyển quốc gia, U23, cho đến BTV Cup, giải quốc tế U21 báo Thanh Niên... Điều đáng kinh ngạc là cầu thủ sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản có trình độ không thua kém các đội tuyển Việt Nam. Họ để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ một phong cách thi đấu chững chạc, fairplay.

Trên thực tế, người Nhật, Hàn từ lâu đã xây dựng một hệ thống các giải sinh viên rất chuyên nghiệp, với nguồn cầu thủ từ bóng đá học đường xuyên suốt từ cấp tiểu học lên đến trung học. Giải vô địch các trường ĐH ở Hàn Quốc có gần 80 đội bóng trải dài ở những vùng, miền trên cả nước. Họ thành lập cả Liên đoàn Bóng đá ĐH Hàn Quốc, chịu sự quản lý của Liên đoàn Bóng đá Quốc gia với mô hình và cách thức hoạt động theo chuẩn chuyên nghiệp. Cũng từ đó, có rất nhiều cầu thủ đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp xuất thân từ sinh viên, theo dòng chảy từ các cấp học với sự cọ xát song song với nhiều giải bóng đá trẻ tổ chức quanh năm.

Tìm môi trường & tạo cơ hội

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng và sự so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản nói trên không ngoại lệ. Song, cũng cần nhìn vào những mô hình hiệu quả ở các nước để học hỏi những điểm hay, vì muốn có bước tiến lớn từ thể thao thành tích cao, phải xây nền móng, bắt đầu từ phong trào tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng.

Đội bóng Cơ quan ĐH Huế nâng cúp Giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc 2022 khu vực miền Trung

Thấy rõ rào cản thiếu cơ hội cọ xát, các đơn vị cũng nên bắt tay giải quyết từ đây. Từ các giải đấu nội bộ, có thể mở rộng mời các đội bóng bạn, hoặc nghiên cứu tổ chức các giải đấu mở rộng dần quy mô. Bên cạnh đó, cũng có thể tìm các giải đấu tương tự ở các đơn vị, địa phương bạn để đăng ký tham gia, đó cũng là cách tìm môi trường và tạo cơ hội cọ xát.

Ở những giải đấu được trao cơ hội đăng cai, cần tận dụng tốt vai trò để thu hút nhiều đội bóng tham dự, thông qua cách chuẩn bị, tổ chức, mối liên kết để mời các đội bóng cùng tạo ra cơ hội cọ xát cho nhau.

Ngược lại, có môi trường để thử sức với các giải đấu lớn, cũng cần đầu tư tập luyện kỹ. Như 3 đội bóng thuộc ĐH Huế đang có cơ hội rất lớn để cọ xát và tiến sâu hơn vào Giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc 2022. Nhưng muốn được đi xa và cọ xát với nhiều đối thủ, sự chuẩn bị kỹ và nhận thức về cơ hội đáng giá phải đặt lên hàng đầu.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top