Thể thao

Bóng đá trường đại học & chuyển động từ sân cỏ nhân tạo

ClockChủ Nhật, 18/07/2021 11:52
TTH - Sự phát triển của sân cỏ nhân tạo, tạo ra tính sôi nổi của bóng đá phong trào. Bóng đá trường học vì thế không ngừng phát triển và các giải đấu của giảng viên, sinh viên dần trở nên hấp dẫn…

Khai mạc giải bóng đá thanh niên Công ty Điện lực tỉnhGần 200 cầu thủ tham gia giải bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh

Một trận đấu tại giải bóng đá nam cán bộ, viên chức, lao động ĐH Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chuyển động tích cực

Tháng 4/2021, hai giải đấu của Hội Thể thao đại học (ĐH) và Chuyên nghiệp Huế và giải bóng đá nam cán bộ, viên chức, lao động ĐH Huế lại được khởi tranh. Đáng ấn tượng trên sân cỏ, dù là giải phong trào nhưng có đến hàng chục đội bóng tham gia.

Chất lượng từ giải đấu mới là điều quan trọng. Theo sát diễn biến các trận đấu, những màn rượt đuổi tỷ số trên sân khiến khán giả không khỏi hồi hộp. Những đội bóng nhiều năm trước đây từng có lực lượng không quá mạnh như Trường ĐH Ngoại ngữ nay lại 2 năm liên tục giành ngôi vô địch giải bóng đá nam cán bộ, viên chức, lao động ĐH Huế. Ông Lê Trần Quang, Tổng thư ký Hội Thể thao ĐH và Chuyên nghiệp Huế cũng khẳng định: “Chất lượng chuyên môn bóng đá cán bộ, giảng viên, sinh viên tăng cao so với trước từ chính phong trào tập luyện ở cơ sở. Chính vì thế, đã làm tăng kịch tính các giải đấu”.

Không phải vô cớ, bóng đá phong trào của giảng viên, sinh viên lại trở nên hấp dẫn. Nếu hơn 10 năm về trước, phong trào bóng đá cộng đồng chỉ dừng lại trong khuôn khổ một môn thể thao nhiều người yêu thích thì nay lại thống lĩnh người chơi với số lượng khủng về mức độ thu hút tập luyện. Chỉ riêng tại các trường ĐH tại Huế, mỗi trường đều có rất nhiều đội tuyển cả nam lẫn nữ, thậm chí hình thành các đội tập luyện thường xuyên.

Đam mê được nuôi dưỡng và thúc đẩy từ chính môi trường thuận lợi. Sự tăng lên về số lượng sân cỏ nhân tạo đã mở ra điều kiện để những người đam mê bóng đá tập luyện. Con số từ Phòng Quản lý thể dục thể thao (TDTT) - Sở Văn hóa và Thể thao cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 50 sân cỏ nhân tạo, riêng thành phố chiếm khoảng 80%. Điểm đặc biệt, nhiều trường ĐH, như: Nông Lâm, Luật, Khoa học, Khoa Giáo dục Thể chất… có sân bóng đá cỏ nhân tạo trong trường hay ngay cạnh trường. Anh Lê Chí Hùng Cường, cán bộ và cũng là một cầu thủ đội bóng Trường ĐH Nông Lâm thừa nhận, khi có sân bóng nhân tạo trong trường, mọi người chủ động được sân bãi và thời gian tập luyện.

Một trận đấu tại giải bóng đá của Hội Thể thao ĐH và Chuyên nghiệp Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Việc hình thành các sân tập kéo theo hệ thống tổ chức giải tạo động lực cho các đội tập luyện thường xuyên. Theo ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT – Sở Văn hóa, Thể thao, các trường ĐH thời gian qua tổ chức rất nhiều giải đấu ở nhiều cấp độ, từ các khoa, trường đến đơn vị, hội thể thao ĐH. Cũng nhờ đó, phong trào tập luyện bóng đá hiện nay ở Huế nói chung, các trường rất phát triển.

Kỳ vọng lớn hơn

Bước tiến từ bóng đá phong trào ở các trường ĐH là một trong những tín hiệu vui cho thể thao quần chúng, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy phong trào TDTT, tăng số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên. Không những thể, còn mở ra những hy vọng lớn hơn.

Còn nhớ năm 2015, ĐH Huế vô địch giải bóng đá sinh viên toàn quốc. Vua phá lưới Phan Công Thuận (cựu sinh viên Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế) với 10 bàn thắng còn lọt vào “mắt xanh” của ban huấn luyện để đội tuyển bóng đá Đồng Tháp đặt bút ký hợp đồng, đưa chàng trai quê ở Phong Điền lên đá ở sân chơi chuyên nghiệp V. League. Thời điểm ấy, nhiều người ví đó như câu chuyện cổ tích có thật.

Chuyện quá khứ mà chẳng cũ. Nói như cách của cựu trọng tài FIFA Nguyễn Long Hải, Trưởng Ban chuyên môn Hội Thể thao ĐH và Chuyên nghiệp Huế (hiện cũng là giám sát trọng tài các giải bóng đá trẻ quốc gia), so trong các môn thể thao, bóng đá được rất nhiều giảng viên, đặc biệt là sinh viên đam mê, kể cả nam lẫn nữ. Môi trường tập luyện tốt, có nhiều giải đấu để cọ xát để thúc đẩy phong trào phát triển. Phong trào tốt sẽ mở ra những cơ hội để hy vọng.

Mơ về những tấm huy chương hay chiếc cúp vô địch ở những giải đấu như giải bóng đá sinh viên toàn quốc không phải quá tầm khi sinh viên Huế có thừa đam mê và cũng có những chuyển động tích cực từ sân cỏ nhân tạo. Tuy nhiên, thể thao quần chúng, nhất là bóng đá phong trào ở nhiều địa phương trong nước hiện nay cũng đang bứt phá, sự đầu tư cho thể thao trong trường ĐH cũng được nhiều nơi quan tâm. Vì vậy, muốn đạt những mục tiêu cao, cần phải có quyết tâm lớn, cùng việc tiếp tục đầu tư sân tập quy mô và chất lượng, lựa chọn tổ chức nhiều giải đấu để rèn luyện chuyên môn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ đến... dài cổ!

Cùng với CLB Huế đang thi đấu ở Giải hạng Nhất Quốc gia, CLB Thể Công - Viettel ở sân chơi V. League nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Cố đô, bởi ở đội bóng này có bộ đôi cầu thủ gốc Thừa Thiên Huế là Hữu Thắng và Danh Trung.

Chờ đến  dài cổ
Khóc nhiều & cười ít

Cũng bởi tính ganh đua căng thẳng nên V. League 2023 - 2024 trở lại với các trận đấu của vòng 9 cuối tuần qua đã có đến 4 đội bóng thay đổi vị trí chiếc ghế nóng. Họ hy vọng “đổi thầy” để qua đó “đổi vận” chạy trốn suất rớt hạng đang treo lơ lửng hay đơn giản, không thỏa mãn với thành tích đang có.

Khóc nhiều  cười ít
Return to top