Thể thao quốc tế

Bóng đá và đạo đức

ClockThứ Sáu, 29/10/2010 19:22
TTH - Trong cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Bóng đá thế giới có một cơ quan mang tên Ủy ban Các vấn đề đạo đức (Ethics Committee). Và có lẽ chưa bao giờ ủy ban này lại bận bịu như những ngày vừa qua, khi làng bóng đá thế giới sôi sục vì vấn đề đạo đức của các quan chức cũng như các ngôi sao hàng đầu...

Từ chuyện của FIFA

Tuần trước có tới hai thành viên Ban chấp hành FIFA là hai ông Amos Adamu (từng giữ chức Tổng giám đốc Hội đồng thể thao Nigeria) và Reynald Temarii (người Fiji, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Đại dương) phải ra điều trần trước Ủy ban Đạo đức của FIFA sau khi tờ Sunday Times của Anh cáo buộc hai ông này đã có hành vi gạ bán phiếu bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 với giá hàng triệu USD. Sau đó, FIFA cũng quyết định đình chỉ chức vụ của hai ông này cùng với bốn cựu thành viên Ban chấp hành khác để phục vụ cho công tác điều tra.

 

 

Không có quy định nào về việc các ứng cử viên tranh quyền đăng cai World Cup tặng quà cho các thành viên ban chấp hành FIFA, điều dễ làm nảy sinh tiêu cực

Chưa hết, cả cựu Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen cũng bị cáo buộc là dùng ảnh hưởng của mình tác động tới một số thành viên Ban chấp hành FIFA, những người có quyền bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022 vào ngày 2/12 tới đây.

Nói cách khác, ông Ruffinen, một luật sư, từng có 16 năm làm việc cho FIFA, đã hoạt động như một chuyên gia vận động hành lang trong cuộc vận động nói trên để thu lợi bất chính.

Thế nhưng, những vụ việc nói trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Và lý do khiến có nhiều vụ bị đưa ra ánh sáng như thế là vì chưa bao giờ cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup lại có đông đảo ứng cử viên tham gia, đồng thời diễn ra quyết liệt như lần này.

Tổng cộng có tới 9 ứng cử viên tham gia hai cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Cả hai cuộc đua lại cùng diễn ra vào một thời điểm và cuộc bầu chọn sẽ diễn ra vào ngày 2/12 tới đây. Đấy được coi như là kẽ hở để tạo ra tiêu cực.

Thực tế, bất cứ cuộc bầu chọn ở lĩnh vực nào cũng diễn ra những cuộc vận động hành lang. Tuy nhiên, do cơ cấu bầu chọn không rõ ràng, cộng với việc FIFA đã bỏ thể thức luân phiên giữa các châu lục nên khiến các cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup luôn diễn ra trong sự nghi ngờ về tính trung thực.

Điều đáng nói là từ trước tới nay chưa có vụ việc nào được FIFA đưa ra kết luận cuối cùng (nói nôm na là “chìm xuồng”), cứ như thể FIFA... cố tình tạo ra sự lập lờ.

Mà không chỉ có các cuộc vận động đăng cai World Cup, ngay cả những cuộc vận động bầu cử cho chiếc ghế Chủ tịch FIFA cũng luôn tạo ra dư luận về sự không minh bạch.

Thế nên, nhìn chung, dư luận cho rằng, nếu như FIFA muốn làm trong sạch những hoạt động của mình thì chính người ngồi chiếc ghế cao nhất cũng sẽ phải ra điều trần trước Ủy ban Đạo đức!

Tới chuyện của Rooney

Trong tháng vừa rồi, vấn đề đạo đức lại càng trở nên nóng hổi, nhưng lần này là chuyện liên quan tới cá nhân các cầu thủ. Các cổ động viên quá khích của Manchester United thậm chí đã đe dọa giết Wayne Rooney, sau khi tiền đạo số 1 nước Anh lên tiếng công kích đội bóng cũng như huấn luyện viên Alex Ferguson để đòi được ra đi ngay sau kỳ chuyển nhượng mùa Đông tới đây.

 

13 quốc gia, 2 giấc mơ

Ngày 2/12 tới, FIFA sẽ tiến hành bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022 trong cuộc họp Đại hội đồng tổ chức tại Zurich, Thụy Sĩ. Theo nguyên tắc, 24 thành viên Ban chấp hành sẽ tham gia bỏ phiếu. Nhưng hiện có 2 thành viên bị đình chỉ công tác, nên chưa rõ FIFA sẽ có áp dụng thể thức bầu chọn cũ hay không.

Hiện cuộc đua 2018 diễn ra giữa Anh, Nga cùng hai liên danh là Bỉ - Hà Lan và Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha. Còn cuộc đua 2022 thì diễn ra giữa Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Qatar.

Tuy vậy, vụ việc này đã kết thúc một cách quá bất ngờ khi Rooney đồng ý gia hạn hợp đồng 5 năm với Manchester United, dĩ nhiên là với điều kiện mức lương được tăng lên gấp đôi, từ 90 ngàn lên 180 ngàn bảng/tuần!

 

Trong vụ này, chung quy, hành động của Rooney cũng chỉ là vì tiền, và dù anh có bị tác động bởi người đại diện cũng như gia đình nhà vợ (như lời đồn đoán của cánh báo chí Anh) hay không, thì vấn đề đặt ra ở đây là đạo đức của các cầu thủ ngày càng xuống cấp.

Dĩ nhiên, các cầu thủ cũng là người lao động, và chuyện đòi tiền lương cao hơn cũng là một nhu cầu chính đáng.

Song việc không từ một thủ đoạn nào, kể cả nói xấu đội bóng lẫn huấn luyện viên, để đạt được ý đồ thì rõ ràng là một hành động đáng phê phán.

Thế mà, hành động này lại có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tỷ lệ thuận với số tiền lương tăng chóng mặt của các ngôi sao.

Rooney không phải là ngôi sao đầu tiên làm mình làm mẩy với mục đích đòi tăng lương, hoặc chuyển đến câu lạc bộ khác với mức lương cao hơn.

Năm ngoái, các cổ động viên Chelsea cũng từng chứng kiến thủ quân John Terry có hành động như vậy. Và ngay cả một cầu thủ trước nay vẫn được ca ngợi về đạo đức như Kaka cũng bỏ Milan để sang Real Madrid với mục tiêu chính không gì ngoài chuyện tiền bạc.

Nhưng xét cho cùng, nếu một khi cả chiếc ghế Chủ tịch của cơ quan quyền lực cao nhất của thế giới bóng đá cũng có thể mua bán, đổi chác được, thì chuyện đạo đức của các cầu thủ đang ngày càng xuống cấp cũng là điều dễ hiểu, nếu như không muốn nói đấy là một hệ quả tất yếu!
 

Phương Vy ( DNSG)
 


 


 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

AFC Asian Cup 2023: 'Hat-trick' penalty giúp Qatar bảo vệ ngôi vương

Chung kết Asian Cup 2023 là trận chung kết lịch sử của cả Jordan và Qatar. Với chủ nhà Qatar, họ có cơ hội để bảo vệ ngôi vương sau chiến thắng ở trận chung kết năm 2019 và trở thành đội thứ 5 trong lịch sử có hai lần liên tiếp vô địch Asian Cup.

AFC Asian Cup 2023  Hat-trick penalty giúp Qatar bảo vệ ngôi vương
Lịch trực tiếp tứ kết Asian Cup 2024

Đã xác định được 4 cặp đấu tứ kết Asian Cup 2024. Đáng chú ý là cặp đấu giữa Iran và Nhật Bản. Trận đấu giữa 2 ứng viên vô địch là Hàn Quốc và Australia cũng rất được chú ý.

Lịch trực tiếp tứ kết Asian Cup 2024
Return to top