ClockThứ Bảy, 23/02/2019 13:11

Bỗng dưng nhớ Huế

TTH - Chỉ là bất chợt đọc thấy câu bình luận trên mạng xã hội của một người chị đồng nghiệp ở đất thần kinh thôi, bỗng dưng nỗi nhớ Huế mộng mơ trỗi dậy. Nhớ lạ lùng, bâng quơ, mà sao thao thiết thế...

Cảm nhận tết HuếNhỏ, xinh và tinh tếNhớ Huế

Nhưng cũng dễ cắt nghĩa nỗi nhớ bỗng dưng ấy thôi, bởi lần đầu đặt chân đến Huế, chạm mặt Cố đô xưa là trong chuyến đi du lịch cùng gia đình chỉ thảnh thơi, nhẩn nha tận hưởng, cảm nhận nhiều mặt về mảnh đất, con người nơi đây. Thế nên, rất dễ dội về những đậm sâu kỷ niệm với nên thơ phong cảnh, tĩnh tại phố phường, lững lờ dòng Hương đến cũ xưa, cổ kính kinh thành, đền đài, lăng tẩm..., mặc dù không cần xem lại những bức ảnh lưu giữ trong album hay ở máy tính. Cũng có thể, đó là do thói quen, thậm chí là thú vui riêng tư cá nhân tôi, ấy là việc hay xem lại những bức ảnh gia đình, cả lúc buồn, khi vui, hay bất chợt như nỗi nhớ Huế, nhớ những nơi mình đã đặt chân đến cùng với gia đình chẳng thể quên. Bởi nó đã được lưu trữ vào trí não, trái tim...

Cuộc sống đổi thay từng ngày. Cái mới luôn xuất hiện, nhưng có những cái cũ không bao giờ mờ phai, mất đi. Những bức ảnh ngày càng dễ chụp, dễ lưu giữ hơn khi thời đại số lấn át, chiếm lĩnh, ngự trị, thậm chí “tàn phá” nhiều mặt đời sống xã hội, gia đình, cá nhân... Nhưng có vẻ như cái gì càng dễ có, dễ thấy, càng dễ nhạt nhoà, mờ phai. Hay mình già rồi lẩn thẩn không biết nữa, khi cứ mỗi lần xem những bức ảnh chụp bằng máy ảnh phim ngày xưa lại thấy bao kỷ niệm cũ hiển hiện rõ nét, đậm sâu. Và cứ mỗi lần bỗng dưng xem như vậy, ký ức lại tròn đầy, bồi lắng thấm đẫm những dấu vết thời gian tầng lớp kỷ niệm...

Thế nên, tôi còn nhớ cả sự ngại ngùng, bẽn lẽn của hai cậu con trai khi làm dịch vụ thuê đội mũ, mặc áo hoàng bào trèo lên ngai vàng (đã phục chế) để chụp ảnh kỷ niệm.

Và tôi cũng nhớ những ngọt ngào, xôn xao trong lần đến các địa điểm du lịch, nghe ca Huế vào buổi tối trên lững lờ sông Hương hay khi thưởng thức các món ngon xứ Huế, trong nhà hàng cũng như ngoài hè phố, ban ngày hay ban đêm. Nhớ cả việc tìm địa chỉ, xếp hàng mua quà xứ Huế khệ nệ mang về.

Thế nên, từ ngày các quán ăn bán đồ Huế khá phổ biến ở Hà Nội, cả nhà tôi cũng thi thoảng tìm đến để thưởng thức bún bò, bánh bèo, bánh ram ít, bánh ướt thịt nướng, bún thịt nướng, cơm hến... Những lần như vậy, có thấy thấp thoáng Huế thật, nhưng không thật là Huế. Nên vẫn bất chợt nhớ Huế bâng quơ, lạ lùng, từ ẩm thực, cà phê bên dòng Hương ngắm cầu Trường Tiền, phố phường đến “khuôn mặt” kinh thành xưa cổ kính, trầm mặc, phong rêu... Và tất nhiên, cả những người Huế nhẹ nhàng, kín đáo, khuôn phép, thân thiện, nhiệt tình…

Rất Huế, trong những nỗi nhớ bất chợt, bâng quơ...

DŨNG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ Huế là nhớ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa

Nguyên Hà, một thầy giáo ở Kiên Giang năm nào cũng vậy, vào mỗi dịp hè anh đều có chuyến du lịch đến Huế. Khi thì đi cùng gia đình, khi thì với bạn bè, cơ quan. Chọn Huế làm điểm du lịch nhiều lần bởi theo anh Hà, Huế không bao giờ hết hấp dẫn với du khách. Mỗi lần đến Huế là một lần khám phá thêm nét duyên thầm mà quyến rũ. Bên ly cà phê trong quán Mai Uyển bên dòng sông Hương xuôi về Vỹ Dạ, anh say sưa nói về Huế, về tình yêu mà anh dành cho đất và người cố đô: “Mình yêu Huế từ những tác phẩm viết về Huế khi còn đi học phổ thông. Bao lần đến Huế vẫn cứ thích cảm giác bình yên. Giữa nhịp sống sôi động, Huế vẫn giữ cho mình nét riêng không nơi nào có được”.

Nhớ Huế là nhớ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa
Phía những ngọn đồi

Nhớ năm ấy, tại ngôi làng nhỏ Georgethal của nước Đức, chúng tôi chịu đựng cái lạnh trong nỗi nhớ nhà quay quắt. Tôi hay thơ thẩn ra khu rừng phía nhà ga. Ở đó, cạnh đường ray có một mũi tên gỗ chỉ về phía tây - phía có con đường sắt xuyên sâu vào cánh rừng rồi mất hút. Tôi nhớ nhà, nhớ Huế.

Phía những ngọn đồi
Nỗi nhớ giữa ngày đông

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng.

Nỗi nhớ giữa ngày đông
Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của nhà báo Phi Tân (công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) vừa được Công ty TNHH Văn hóa & truyền thông Lệ Chi (Chibooks) và NXB Lao Động ấn hành là tác phẩm được Chibooks lựa chọn đưa vào “Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới”, được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh.

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”
Return to top