ClockThứ Bảy, 03/04/2021 13:57

Bóng hình của Trịnh

Tái hiện chân thật tinh thần và phong cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “Em và Trịnh”Triển lãm tranh “Trịnh & những âm ba” sẽ khai mạc vào chiều 1/4“Em và Trịnh” có kinh phí 50 tỷ đồng

(Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Cuối năm nay, “Em và Trịnh”, bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh do Galaxy sản xuất về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính thức ra mắt. Mới đây, vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ, “Em và Trịnh” đã công bố clip đầu tiên. Nhạc sĩ được khắc họa là chàng trai trẻ (do diễn viên Avin Lu đóng) ngồi sáng tác, sững người vì hình bóng áo dài trắng của nàng thơ Bích Diễm (diễn xuất của diễn viên Lan Thy). Đoạn phim làm sống lại những  gì mà trước nay khán giả mới chỉ được nghe qua lời kể: này là gác Trịnh, nhà thờ Phủ Cam, này là con đường bờ sông trong cơn mưa Huế, và đặc biệt là nàng thơ “Diễm xưa” - Bích Diễm.

 “Em và Trịnh” khiến tôi nhớ lại “Em còn nhớ hay em đã quên”, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được trình chiếu vào những năm đầu 90. Khác với “Em và Trịnh”, như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần có lần chia sẻ, “Em còn nhớ hay em đã quên” không phải bộ phim chân dung về cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ông bảo, chỉ sử dụng những bài hát của Trịnh ấy để tạo ra một con người, thân phận nhạc sĩ. Nhân vật chính Quang Sơn (Lê Công Tuấn Anh đóng) là một nghệ sĩ lang thang, rời khỏi Huế để tránh lệnh tòng quân, và cả quên đi mối tình đầu sớm bị chiến tranh chia cắt.

Vẫn còn trong quá trình thai nghén nhưng hình ảnh nhân vật Trịnh trong “Em và Trịnh” được thể hiện ra sao là điều dư luận quan tâm. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể khi ông đưa nam diễn viên đến gặp Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ rất đồng cảm khi đã nhìn thấy ở chàng diễn viên trẻ một tâm hồn nghệ sĩ nhưng cô đơn. Chiếc kính Lê Công Tuấn Anh đeo khi hóa thân vào vai diễn chính là kính của cố nhạc sĩ. Còn chọn diễn viên vào vai Trịnh Công Sơn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lý giải: Người diễn viên này phải có sự tươi mới trẻ trung của tuổi 19, đồng thời có sự trầm tư của một nghệ sĩ luôn nghĩ cho thân phận con người ở tuổi 30. Khó thật (!)

Để hiểu được nội tâm của Trịnh Công Sơn, Avin Lu chuyển lên Đà Lạt sống một mình trong hai tháng. Anh sống chậm, trải nghiệm sự cô đơn, nghiên cứu vai diễn, tập đàn, tập hát, viết nhạc, tập nói giọng Huế, tập viết thư và ký được chữ ký của nhạc sĩ. Còn nghệ sĩ Trần Lực vào vai nhạc sĩ khi vào tuổi trung niên thì bảo, ông đã chờ đợi trong 10 năm để quay trở lại màn ảnh với vai diễn mình mơ ước. Được đoàn phim gửi cho những tư liệu về Trịnh Công Sơn, ông quyết tâm giảm cân để tạo hình dáng mảnh mai, thanh thoát giống  Trịnh; tập nói giọng Huế, bật các clip có Trịnh để nghe ông hát và nói.

Thỉnh thoảng bắt gặp nơi góc phố ai đó hao hao giống Trịnh và ở Huế mình những bóng hình như vậy không ít. Cũng không gì lạ khi đơn giản Trịnh Công Sơn đã là hình tượng nên bao người muốn hóa trang giống ông, “mình hạc xương mai”, hay học theo cách đeo kính, nói chuyện, ăn mặc…  của ông. Và điều đáng nói hơn là, không chỉ được thể hiện trong sáng tác âm nhạc và mỹ thuật, mà nữa, thân dáng hao gầy, và cả những ứng xử và tính cách thiệt lạ lùng của ông nữa đã là cái gì đó đậm đà chất Huế. Thế nên, Avin Lu và Trần Lực hãy chờ, chỉ cần một tiếng ồ thích thú vang lên khi “Em và Trịnh” ra mắt, đồng nghĩa họ đã chạm được tới Trịnh Công Sơn của Huế. 

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngồi xuống đây với Trịnh

Chiều xuống, phố Huế đượm nắng vàng tươi, miên man sông, miên man hoa thơm cỏ ngọt, mây trời xanh. Thả bộ dạo bước quanh những con đường ven dòng Hương, bắt gặp từng góc nhỏ loang loáng ánh sáng mặt trời, như vừa đủ để lấp lánh trên môi mắt biết cười của đôi bạn nữ sinh vừa tan lớp, đang thủ thỉ bên kia chiếc ghế đá trong công viên Trịnh Công Sơn.

Ngồi xuống đây với Trịnh
Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn

Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi ước mong trở về với Huế quê hương, khởi đầu là bức tượng được dựng trong công viên ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba...

Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn
Return to top