ClockThứ Tư, 02/09/2020 08:52

Bông hồng cài áo

TTH - Những năm 1963 -1966, cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị chế độ cũ bắt giam, đọc được áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Cứ mỗi độ Vu lan tháng Bảy trở về, trong tâm trí bao thế hệ người Việt lại ngân đọng “Một bông hồng cho em/Một bông hồng cho anh/Và một bông hồng cho những ai/Cho những ai đang còn mẹ/Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn”. Đó là những ca từ xao lòng, mở đầu của bài hát huyền thoại “Bông hồng cài áo”. 

Chuyện rằng năm 1962, vị thiền sư người Huế Thích Nhất Hạnh đi nghỉ hè cùng với các sinh viên tại Mỹ, đã viết nhiều đoản văn gửi cho đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn. Một trong số những bài được lưu truyền nhiều nhất là “Bông hồng cài áo”, lấy cảm hứng từ tập tục nhà sư bắt gặp khi sang Nhật. Một nhóm sinh viên đã cài hoa trắng lên áo ông sau khi hỏi ý kiến. Sau này, thiền sư mới biết trong Ngày của Mẹ theo lịch phương Tây, người Nhật cài hoa trắng lên áo những ai không còn mẹ, hoa đỏ cho những người may mắn có mẹ ở bên.

Những năm 1963 -1966, cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị chế độ cũ bắt giam, đọc được áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tràn đầy những đồng cảm, năm 1967, ông sáng tác ca khúc “Bông hồng cài áo”. Hơn 50 năm qua, bài hát trở thành nhạc phẩm bất hủ về tình mẹ con, đặc biệt được yêu thích trong dịp Vu lan báo hiếu. Tập tục cài hoa hồng lên áo trong ngày Rằm tháng Bảy cũng từ đó được phổ biến, trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt.

Xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm) có từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam. Theo truyền thống của người Việt, Rằm tháng Bảy còn là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng lễ nên được gọi là “ngày xá tội vong nhân”.

Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam trong cùng một ngày, mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mục đích của cả 2 lễ đều thể hiện sự nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng. Năm nay, ý nghĩa của ngày lễ càng được tôn vinh khi đó cũng là ngày Tết Độc lập 2/9.

Không phải là ngày lễ riêng, nhưng Vu lan là không thể nào lẫn lộn, là dịp mà tính cách và tâm hồn Huế được bộc lộ rõ rệt. Ở Huế, Vu lan là ngày mà nhiều người dân đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố một cách trân trọng và thành kính. Người dân Cố đô, dù theo đạo Phật hay không, cứ đến ngày 15/7 Âm lịch đều ngưỡng vọng hướng về ngày lễ Vu lan, dù đó là một lễ hội Phật giáo. Và rồi, cũng từ sự khởi phát truyền bá một nét văn hóa từ thiền sư Nhất Hạnh, cộng hưởng với sự tồn tại của hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ mà “bông hồng cài áo” tại Huế có điều kiện phát huy tối đa giá trị tinh thần qua mỗi mùa Vu lan.

Còn khi mà dịch bệnh COVID -19 đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống thì việc tổ chức các buổi lễ trực tuyến được Giáo hội khuyến cáo là một điểm nhấn đặc biệt của mùa Vu lan năm nay. Báo hiếu cần tấm lòng thành. Và, nói như thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì “lòng thành ở cái tâm của mình biết dừng lại công việc bề bộn để báo ân cha mẹ, tổ tiên, dành những khoảnh khắc thanh tịnh nhất để tưởng nhớ, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ”.

Đan Duy

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra
Return to top