ClockChủ Nhật, 07/03/2021 07:56

“Bông hoa Huế” ở Phần Lan

TTH - Ở đất nước Phần Lan xa xôi, có một người phụ nữ “nhỏ bé” bình dị, luôn hướng về quê hương bằng những chia sẻ yêu thương quý giá.

Chị Gấm đang làm món bánh lọc chay Huế

Dồn hết yêu thương

Nói về chị Phan Thị Hồng Gấm (hiện ở Metsolantie 3 B46 Vantar 01450, Phần Lan), mọi thành viên nhóm từ thiện “Chung tay” của xã Phú Hải (Phú Vang) lúc nào cũng dành tình cảm trân quý nhất.

Chị Lê Bích Truyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Hải kể rằng, người phụ nữ “nhỏ bé” ấy là một trong những động lực khiến nhóm thiện nguyện “Chung tay” quên đi mọi vất vả để kịp thời đến với những địa bàn bị chia cắt, những hoàn cảnh đang vô cùng khó khăn trong các đợt bão lũ khốc liệt kéo dài cuối năm 2020 vừa qua.

Chị Gấm là mạnh thường quân, trước đó đã đồng hành trên con đường thiện nguyện cùng nhóm “Chung tay”, hỗ trợ, chia sẻ yêu thương với nhiều trường hợp già cả, neo đơn, bệnh tật, khó khăn của xã Phú Hải và trên địa bàn toàn tỉnh. “Đặc biệt trong những ngày Thừa Thiên Huế và cả miền Trung chìm trong bão lũ, hầu như mỗi ngày chị Gấm đều làm việc “chấp ngày chấp đêm”. Lệch múi giờ 5 tiếng đồng hồ, nhưng các cuộc điện thoại giữa chị Gấm và chúng tôi “phủ sóng” bất kể lúc nào. Bất kể “bên kia” 2-3 giờ sáng, chị Gấm vẫn thức để cặm cụi làm bánh, tăng thêm thu nhập, gửi về chia sẻ “nóng”. Sau khi chuyển tiền về đóng góp, bao giờ chị cũng “hối thúc”, “cố gắng đi trao liền cho bà con, đi liền để bà con có gạo, có nhu yếu phẩm…”. Chúng tôi đâu có thể “phụ” tấm lòng của chị. Vậy nên, hết các xã thấp trũng của Phú Vang, nhóm “Chung tay” không ngưng nghỉ, lại tất tả ra vùng trũng Phong Điền, Hương Trà... Bởi trong các suất quà thiết thực đưa đến cho các hoàn cảnh khó khăn, người dân đang khổ sở vì địa bàn bị lũ lụt chia cắt, là tâm nguyện, là sự dõi theo của các mạnh thường quân, trong đó có người phụ nữ ở nơi xa xứ, hướng về quê hương bằng tất cả tấm lòng. Cứ như vậy, hàng ngàn suất quà trị giá tiền tỷ đã kịp thời đến với bà con trong bão lũ”- chị Lê Bích Truyền xúc động kể.

Trong các chuyến thiện nguyện của nhóm “Chung tay” Phú Hải, có tấm lòng mà chị Gấm gửi gắm

Chị Phan Thị Hồng Gấm thì mộc mạc: “Thấy bà con quê mình chịu bao mất mát, khổ cực do bão, lũ, tôi thương đứt ruột. Ở xa xôi chỉ biết cố gắng làm. Bây giờ các con đã trưởng thành, tự lo được cho mình, bản thân tôi cũng không dám chi tiêu gì cho riêng mình, làm được bao nhiêu dồn gửi hết về đồng hành cùng nhóm “Chung tay” và nhiều nhóm thiện nguyện khác để kịp thời chia sẻ với bà con”.

Nuôi dưỡng thiện lành

Khi còn ở quê hương, chị Gấm là người phụ nữ lao động, cuộc sống vất vả, tảo tần nuôi con. Người làng biển Phú Hải tình cảm chân chất mộc mạc, thường sẻ chia, động viên những điều nhỏ nhặt. Tình cảm đó, chị Gấm đã cất giữ trong lòng, là động lực để cố gắng vươn lên trong những năm tháng mưu sinh nơi xa xứ. Tình cảm đó cũng nuôi dưỡng thiện lành trong tâm hồn người phụ nữ “nhỏ bé” ấy, với tâm niệm phải nỗ lực để có cơ hội, điều kiện chia sẻ yêu thương.

“Hồi mới đặt chân đến xứ lạ, tôi vấp phải rất nhiều khó khăn. Quê hương và tình cảm của những người thân yêu “ở nhà” là nguồn động viên tôi vượt qua những khó khăn ban đầu. Tôi nỗ lực học tiếng để xóa đi rào cản ngôn ngữ, thuận lợi trong việc mưu sinh”- chị Gấm trải lòng. 

Không một chút đắn đo, chị Gấm lựa chọn công việc chế biến những món bánh chay Huế, với tâm niệm rằng, sẽ đưa nỗi nhớ, tình yêu dành cho quê nhà vào nguyên liệu nấu nướng. Những món bánh chay như bèo, nậm, lọc, bánh ướt, bánh cuốn…, do người phụ nữ ấm áp ấy chế biến, không những được cộng đồng người Việt mà cả người dân đất nước Phần Lan yêu thích. “Cửa hàng” của chị Gấm là mạng xã hội facebook. Đơn hàng đặt bánh lúc nào cũng “xếp hàng dài”. Chị Gấm tâm sự, chị luôn làm việc hết công suất để cố gắng đáp ứng tình cảm của khách hàng dành cho các món bánh chay thiện lành của Huế.

Người phụ nữ làng biển Phú Hải cũng bày tỏ hạnh phúc, bởi từ món ăn Huế, chị kiếm được những đồng tiền quý giá, vừa trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con nên người, vừa chia sẻ, hỗ trợ được cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn.

Chị Nguyễn Thị Tường Vy, Trưởng nhóm “Chung tay” và nhiều người dân Phú Hải nở nụ cười tự hào khi kể rằng, tấm lòng của chị Gấm không hề “ích kỷ”. Trên con đường dài thiện nguyện, không chỉ sẻ chia với các hoàn cảnh bệnh tật khó khăn ở Phú Hải, Phú Vang, yêu thương của chị Gấm sẵn sàng đến với các địa chỉ cần giúp đỡ trên khắp cả nước, nhất là trong đợt bão, lũ vừa qua, chị Gấm đã trực tiếp hỗ trợ và kết nối với các mạnh thường quân khác, đưa đến hàng ngàn suất quà đến với người dân bị thiệt hại nặng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình…

“Chị Gấm từng được UBND xã Đăk R’tih (huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định, Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Sen Việt (tỉnh Bình Định)…, tặng “Bảng vàng tri ân” vì đã có tấm lòng nhân ái, chia sẻ với người nghèo. Chúng tôi càng yêu thương và tự hào về chị, một “bông hoa Huế” trên đất nước Phần Lan- người phụ nữ “nhỏ bé” nhưng yêu thương thật rộng”- chị Lê Bích Truyền nói.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho 2 phụ nữ nước ngoài

Sáng 7/3, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho Bà Andrea Teufel, Trưởng Đại diện Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc Trẻ em châu Á - Nhật Bản. Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Trao danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho 2 phụ nữ nước ngoài
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế

TIN MỚI

Return to top