ClockChủ Nhật, 18/10/2020 15:10

Bữa ăn mùa lụt

TTH - Trước khi cơn lũ thực sự dâng lên như thông báo, người con đã đưa mẹ vào gửi lại nhà Vinh. Đó là bác dâu của anh. Chẳng là, nhà bác thuộc diện thấp nhất trong vùng, chỉ cần mưa thôi là ngập chứ đừng nói tới lũ lụt. Nên những dự đoán rõ ràng cho một trận lụt sẽ đến, người con quyết định gửi mẹ đến nơi an toàn hơn và dù sao cũng là ruột rà.

Câu thơ ẩn ý của khách qua đườngQuán Bình AnMùa thu vàng hoa cúc

- Cho anh gửi nhờ bác ít hôm, nghe mô năm ni lụt lớn. Có ít tiền, anh gửi trước. Trăm sự nhờ em.

- Mấy khi có cơ hội để bác ở lại nhà em mà anh làm rứa. Em đã lo đủ phần thức ăn cho mấy ngày lụt rồi. Anh yên tâm. Vinh nói và lấy tay đỡ bác vào nhà.

Khi tuổi ngày càng lớn, sức khỏe yếu dần, chuyện đi đâu đó cũng trở nên khó khăn. Thường ngày, người bác chỉ quanh quẩn trong nhà với vài việc lặt vặt. Không có bệnh tật gì, nhưng ở cái tuổi chín mươi rồi thì không thể khỏe như thời còn trẻ được. Bác là vợ của một thiếu úy quân đội. Khi đứa con trai duy nhất vừa tròn năm tuổi, chồng hy sinh và bác ở vậy, một mình nuôi con cho đến tận bây giờ.

Người con trai thường đi làm xa. Lúc Quảng Bình, lúc Đà Nẵng, có khi vào tận Khánh Hòa, Sài Gòn. Cuộc sống của một thợ phụ công trường trôi nổi theo nhà thầu như thế. Không có nhiều thời gian cho gia đình, cũng không có nhiều định hướng cho một công việc chân tay. Và anh cũng không thể quay được guồng quay về lại một gia đình cơ bản.

- Hôm nay bán về muộn vậy con? Người mẹ vừa hỏi vừa loay hoay nhắc chiếc xe xuống sân để đi làm.

- Dạ, giờ con về là giờ mẹ đi.

Những con người sống trong mái nhà thấp trũng đó đều có riêng cho mình một khung giờ sinh hoạt. Từ giờ thức dậy, đi làm, cho đến giờ ăn, mỗi người như sống trong những thế giới khác biệt. Có người bắt đầu đi làm từ lúc ba giờ sáng, có người thì mãi đến giờ đó mới làm về. Mẹ, vợ và ba đứa con cứ như những tinh cầu xa xôi nào đó, cứ quay đều theo năm tháng mà chẳng mấy khi có mặt trong một bữa ăn chung.

Nhà Vinh cách nhà bác không xa. Những hôm nhà có gì ngon đều mang riêng một phần ra bác. Có khi là trái chuối, miếng mít, có khi là tô cháo, bát bún. Vinh mang ra để thấy thoải mái trong lòng chứ biết bác cũng không quá thiếu thốn về vật chất bởi con cái, cháu chắt đều cho bác tiền mỗi tháng và cả phần lương tử tuất liệt sĩ được hưởng. Nhưng Vinh vẫn muốn làm để có thêm nhiều dịp cho hai bác cháu cùng ngồi nói chuyện.

- Khi nào bác cũng ăn một mình thế này à? Chị và mấy đứa đi mô?

- Thiệt lâu nhà bác chẳng ăn chung. Mỗi người một khung giờ, mỗi người một mâm riêng, kể cả lúc anh mi có về phép thì cũng bưng một tô giống bác rứa đó. Bác thèm không khí quây quần quá.

- Có bao giờ bác nói với anh chị chưa?

- Bác không dám

- Tại sao?

- Sợ mấy đứa bận rồi mình còn bày chuyện.

Ngày xưa của bác là những bữa cơm gia đình đầm ấm. Hồi đó, anh chị quần quật trên ruộng đồng nhưng vẫn ngồi cùng nhau trong những bữa ăn. Món ăn chỉ đơn giản như canh tập tàng, mớ tép rang mà ngon chi lạ. Chẳng như bây giờ, nấu xong cứ để yên trong nồi, ai đói bụng thì tự lấy. Bác vẫn nghĩ rằng, nếu hồi đó bác cẩn thận hơn, không để đứa cháu bị té gãy xương sườn, chắc anh mi không phải phiêu bạt làm ăn như rứa. Có khi lại khác. Giống cái gia đình hơn là cái nhà.

Cuộc sống cuốn mỗi người theo một cách nào đó không định lượng. Những áp lực vô hình đè nén khiến những điều dĩ nhiên lại đi theo một cách bất khả kháng. Tâm hồn mỗi người lại ngập ngụa đâu đó trong những tù túng của suy nghĩ.

Bây giờ, nước đang dâng tới mé sân. Lên rất nhanh. Đây là lần lụt thứ ba liên tiếp trong đợt mưa bão này. Sau hơn bốn mươi năm sống ở trên đời, lần đầu tiên Vinh mới thấy cảnh tượng lạ kỳ đến thế. Con nước cứ ra vô như trêu ngươi con người, gây nhiều khó khăn với người dân vùng trũng.

Nhà Vinh may mắn hơn một số hộ gia đình khác trong vùng. Như trận lũ lịch sử năm 1999, nước cũng chỉ mấp mé phần hiên, trong khi nhà bác Vinh ngập đến quá phần cửa sổ. Năm đó đói hơn, thiếu thốn hơn và căn nhà cũng chỉ làm bằng phên tre xập xệ nhưng đều tai qua nạn khỏi. Và như cách người dân mình hay nói “trời thương”.

Mấy hôm nay đón bác lại nhà, chính Vinh là người vui nhất. Bởi anh biết, ít nhất cũng có những bữa ăn đúng nghĩa, là xôm tụ, là vui tươi cho bác. Đã rất nhiều lần, Vinh nói chuyện với anh, chị dâu con bác và cả những đứa cháu về điều này, nhưng như là không thể. Bởi chẳng ai tin, con người cần những thứ hình thức đó hơn tiền. Chỉ có điều, họ quên mất, một bà mẹ chín mươi tuổi thì chỉ cần như vậy chứ không phải những tờ bạc lạnh ngắt chu cấp mỗi tháng.

Vinh vui và người bác cũng vui. Bởi cái không khí của một gia đình rất lâu trở về trong bác. Bữa ăn nhiều hơn một người, bữa ăn nhiều hơn sự im lặng và bữa ăn với rất nhiều sự quan tâm. Huyên thuyên với bao nhiêu câu hỏi “Bác ăn có vừa miệng không?”, “Món này kho lâu lắm đó”, “Cái này cháu đã bỏ xương rồi”. Chính những điều quan tâm nhỏ nhoi đó đã thôi thúc mạnh mẽ ước muốn của người đàn bà đã chín mươi tuổi. 

Con nước lần này khó tính quá. Cứ xuống rồi lại lên, cứ như thế đã ba đợt khiến phần thức ăn mà Vinh nghĩ sẽ thoải mái tự dưng thiếu hụt. Anh phải mang cái hũ mắm cà mặn mẹ anh làm để phòng bị cho những ngày thiếu thốn ra ăn. Và dù cho đang mùa lụt, điều kiện nấu nướng khó khăn, thức ăn không lấy gì làm sung sướng nhưng bù lại phần không khí lúc nào cũng ấm cúng đã giúp những bữa ăn ngon hơn. Và trong những thời khắc như thế, hình ảnh những tháng ngày xa xưa của tuổi trẻ cứ về trong mắt bác.

- Để con gắp cho ba miếng mắm cà này. Con gắp cho mẹ nữa.

- Vậy ba cũng gắp cho mẹ một miếng giống con nhé.

Những lời nói đan xen trong tiếng mưa rơi vào khoảng không trước mặt, vào cánh đồng giờ là biển nước. Người miền Trung bao đời qua vẫn khổ. Làm cả năm bù cho một lần lũ. Nhưng đâu phải chỉ có gió bão mới là ác mộng của bình yên. Những khát khao đời thường không thực hiện được mới là giông tố nỗi mãi trong lòng. Người đàn bà kia đã có đủ động lực để nói lên mong muốn cho những tháng ngày không còn nhiều của mình. Và khi nước lũ vừa xuống, người con trai vào đón mẹ về, Vinh đã nghe những âm thanh rộn ràng nhất.

- Con ơi, hôm nay chúng ta cùng ngồi ăn cơm nhé.

- Vì chuyện gì thế mẹ?

- Mừng lũ lụt qua đi.

YÊN THƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

TIN MỚI

Return to top