ClockThứ Năm, 17/04/2014 10:54

Bữa tiệc của nghệ thuật thị giác

TTH - Bên cạnh những sân chơi âm nhạc sôi động, các chương trình biểu diễn hoành tráng hưởng ứng sự kiện Festival Huế 2014, bằng ngôn ngữ giàu tính sáng tạo và riêng có, giới nghệ sĩ thị giác đã có nhiều hoạt động khá đa dạng từ triển lãm tranh, tranh minh họa cho đến sắp đặt phục vụ công chúng.

Điểm nhấn của các hoạt động nghệ thuật thị giác, có lẽ là tác phẩm sắp đặt ảnh trên cầu Trường Tiền của nghệ sĩ Sébastien Laval bởi tính mới, đột phá trong quan niệm sáng tạo.Hãy ngước nhìn (người thiểu số) và thay đổi góc nhìn là thông điệp của tác giả. Cầu Tường Tiền cũng sẽ được các nghệ sĩ sắp đặt lửa Carabosse(Pháp) thắp sáng bằng hàng vạn lò than lửa vào hai đêm 18, 20 tháng 4 sẽ là tác phẩm sắp đặt không lồ và chắc chắn sẽ tạo được hiệu quả thị giác đặc biệt khi ánh lửa tương tác với cây cầu để rồi phản chiếu vào dòng sông Hương huyền hoặc.

Dáng Huế của Hà Văn Chước

Về các triển lãm mỹ thuật, trên trục đường Lê Lợi, trước tiên phải kể đển triển lãm Hội tụ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh của họa sĩ các vùng kinh đô xưa và nay với 52 tác phẩm của 46 tác giả. Riêng Huế - đơn vị chủ nhà có 18 nghệ sĩ tiêu biểu được ban tổ chức mời tham gia. Mảng đề tài mang tính chủ đạo lấy cảm hứng sáng tạo từ di sản kiến trúc, mỹ thuật xưa. Điều này cho thấy xu hướng sáng tạo đứng trên nền tảng di sản dân tộc để gửi gắm thông điệp là một nhu cầu, một hướng sáng tác và cũng là thế mạnh, quán tính tạo hình của các họa sĩ tại các vùng kinh đô. Tùy ý đồ tạo hình và thông điệp mà các trầm tích văn hóa được các họa sĩ vay mượn và tái tạo theo nhiều cách khác nhau. Một hướng tiếp cận di sản khác, khi một số họa sĩ không dừng lại ở việc sao chép bên ngoài, từ xa mà họ thể nhập vào di sản, chọn lọc lấy cái cần biểu hiện để rồi biến đổi, tái cấu trúc nó để đưa ra hình dạng thị giác mới mẻ Ngoài ra, ký ức vùng miền cũng được nghệ sĩ quan tâm thông qua việc phản ảnh những sự kiện lịch sử, sinh hoạt lễ hội. Tiếc rằng, vì một số lý do, phút cuối thiếu sự tham gia của họa sĩ đất các vua Hùng-Phú Thọ, nên chưa thể coi trọn vẹn các vùng kinh đô.

Triển lãm Sắc màu lần thứ V-Nếp gấp quy tụ 32 họa sĩ nữ ba miền tại bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi). Các họa sĩ đem đến cho người xem cái cảm giác nhẹ nhàng , lãng mạn thông qua các tác phẩm về hoa cỏ, phong cảnh thiên nhiên và thiếu nữ. Dù vẽ đề tài gì, phong cách đột phá ra sao thì người xem vẫn nhận thấy tính nữ vẫn bộc lộ rõ nét qua màu sắc, đường nét như là một đặc tính chung. Triển lãm cá nhân Những mảnh rời ký ức của Đặng Mậu Tựu với 26 tác phẩm acrylic trên toan tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 - Lê Lợi, Huế) đã tạo được ấn tượng bởi không gian trưng bày sang trọng và tranh có mạch cảm xúc xuyên suốt, phong cách nhất quán. Trung tâm cũng kết hợp trưng bày một số tác phẩm mới mang tên Mặc áo cho cây nhiều màu sắc của Lê Bá Đảng đã góp sự phong phú ngôn ngữ, thể loại, tác phẩm.

Hai triển lãm gây được chú ý và đánh giá đa chiều của khán giả diễn ra cùng một thời gian và địa điểm (Trung Tâm văn hóa Phương Nam - Làng Nghề Huế - 15 Lê Lợi là Vào hạ của anh em Le Brother (Lê Ngọc Thanh-Lê Đức Hải) và 10 ngày ở chỗ này - trình diễn của Trương Thiện. Vào Hạ bao gồm 18 tác phẩm sơn dầu khổ lớn và 18 ảnh nhỏ đen trắng - ảnh góc. Đi kèm, có khoảng 200 bức ảnh đen trắng được lồng trong các khung gỗ để mộc, chúng được trình bày theo ngôn ngữ sắp đặt theo và 1video art trình bày lần lượt và lặp lại các bức ảnh đen trắng kể trên. Đây là một phần trong dự án nghệ thuật khá qui mô mang tên Befores/ trước 1986 đã từng triển lãm tại Art Camp Hive - Hàn Quốc. 10 ngày ở chỗ này là một phòng kín sơn trắng và tác giả sẽ ở trong đó 10 ngày. Người xem sẽ không biết, nghe, nhìn tác giả trong căn phòng đó 10 ngày và ngược lại, những gì xảy ra bên ngoài cũng là mù mờ với tác giả. Sản phẩm - kết quả của những ngày cách ly sẽ được đóng gói và không ai, trừ tác giả biết nó là cái gì. Một triển lãm trình diễn mang tính khiêu kích và thách đố trí tưởng tượng, cũng như gây tò mò thực hư thời gian tác giả ở trong phòng trắng với người xem.

Tại Đại Nội, sân sau Cung Diên Thọ là sân chơi truyện tranh của nhóm các họa sĩ đến từ Hà Nội và Pháp. Triển lãm mang tên “Mảnh sống”. Đời sống đa sắc màu với nhiều gam màu sáng tối, va đập đâm nhạt của Hà Nội trong thời hiện đại và toàn cầu hóa đã được các họa sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Trần Thu Hương, Tạ Lan Hạnh, LinhRab và Gérald Gorridge (nghệ danh Ma xó Hà Nội) phản ảnh sinh động, hài hước bằng ngôn ngữ pha trộn giữa hình ảnh và tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Đây là thành quả của dự án thuộc hiệp hội Trait Pour Trait vùng Angoulême, Pháp thực hiện. Triển lãm của 5 họa sĩ trẻ mang tên “Tây Hiên” tại Tây Khuyết đài đã đem đến không khí khá trẻ trung và một vài tác phẩm cố gắng tìm tòi, phá cách trong bố cục tạo hình trên chất liệu sơn mài và acrylic. Ngoài ra, tại Tạp chí sông Hương và gallery Sông Như cũng là không gian cho các nghệ sĩ Huế và thành phố Hồ Chí Minh phô bày tác phẩm tranh và các bộ sưu tập thời trang.

Cho dù, kỳ Festival lần này thiếu vắng một vài địa điểm quen thuộc vào các kỳ festival trước, nhưng bù lại, một vài địa điểm mới dành cho mỹ thuật đã ra đời. Công chúng Cố đô, du khách trong nước và quốc tế có dịp thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật thị giác của nghệ sĩ địa phương, trong nước và nước Pháp góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình nghệ thuật của Festival Huế-Di sản, hội nhập và phát triển.

Võ Xuân Huy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top