ClockThứ Tư, 30/03/2016 16:17

Bức tường của cái xấu

TTH.VN - Hôm kia, một phóng viên vào phòng của tôi và đề nghị được rút bài mà chị đã viết về tình trạng một doanh nghiệp sử dụng người lái xe không có bằng đủ tiêu chuẩn để lái xe chở khách từ 40 người trở lên.

Giọng của chị, hẳn nhiên là khá rụt rè nhưng đầy lo âu. “Em đã đọc bài về côn đồ hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – chị nói -  Chuyện không phải ở Huế nhưng đúng là chiếu vào mình ở bài báo này, em sợ.”

Tôi đã im lặng một lúc khi nhìn vào đồng nghiệp của mình. Vấn đề trong bài báo của chị, đã được đề cập đến trong cuộc giao ban sáng vào mấy ngày trước nữa. Khi thảo luận về vấn đề này, chúng tôi đã lật đi lật lại nhiều vấn đề, mục đích là làm thế nào bài báo có đủ các bằng chứng thuyết phục cũng như việc làm thế nào để có thông tin từ nhiều góc độ khác nhau chứ không chỉ là một bài phản ánh thông thường. Điều lúc ấy mà tôi nghĩ, là làm thế nào khuyến khích được các phóng viên khi họ vào cuộc và dấn thân, vì sự an toàn của cộng đồng và phản biện cái xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Nhưng khi đối diện với đồng nghiệp, tôi đã nghĩ sâu hơn về đề nghị của chị. Chính trong lúc ấy, tôi cũng đã tự hỏi mình, liệu tôi có bảo vệ được sự an toàn cho phóng viên của mình cũng như gia đình nhỏ của chị, liệu rằng tôi sẽ là người cảm thấy có lỗi nếu có tình huống xấu nào đó xảy ra? Những điều này đã đến, như một phản xạ tức thời khi đồng nghiệp kể, không phải về những khó khăn của chị trong quá trình tác nghiệp mà là cách ứng xử của người mà chị đã tiếp cận; là cách mà chị nói về những khả năng khác khi một vài trường hợp được nêu danh cũng như những hệ lụy mà họ có thể gây ra khi bị mất việc làm...

Chọn lựa hình thức thông tin và cách thể hiện vấn đề là điều mà chúng tôi đã thống nhất sau đó. Nhưng thú thật là tôi đã suy nghĩ mãi về những điều mà các đồng nghiệp của tôi cảm thấy bất an, cho dù đó là những tác động đến từ một thành phố khác. Sau vụ việc xảy ra đối với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, không chỉ đồng nghiệp từ các cơ quan báo chí khác nhau cùng chia sẻ, động viên mà Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã lên tiếng và mở cuộc điều tra. Nhưng những cú đánh chí mạng của nhóm người xấu, cái ngón trỏ bị giập gẫy và mất móng và những điều mà anh chia sẻ sau đó làm trái tim của những người làm báo cảm thấy nhói đau: “Tôi không thể tin nổi là mình còn sống sót; chúng tôi làm nghề chữ nghĩa, không phải vai u thịt bắp mà đánh thắng chúng (côn đồ- NV) được; không thể có chuyện thuê bọn côn đồ đánh chúng tôi như thế được, đó là chuyện không thể chấp nhận...”

Đó là một bức tường của cái xấu mà Đỗ Doãn Hoàng đã phải đối diện. Trước anh đã có một đồng nghiệp khác bị đánh và sau anh, có thể là những đồng nghiệp khác nữa, trong những vụ việc khác, tình huống khác nhưng nói như cách của Hoàng, thì “Những người làm báo điều tra như tôi luôn muốn bài viết của mình thay đổi cuộc sống, muốn làm gì cho xã hội tốt đẹp hơn. Chúng tôi phải chiến đấu chống tiêu cực. Nhóm những người làm phóng sự như tôi luôn muốn làm gì đó cho xã hội. Chúng tôi cũng muốn xã hội bảo vệ chúng tôi, đồng hành cùng chúng tôi để chúng tôi tiếp tục công việc của mình.”

Bức tường ấy là bức tường trực diện, nó – trước tiên là gây nên nỗi đau và sự tổn thương vào cơ thể, với mục đích đánh vào ý chí, nghị lực và mục đích chân chính của người làm báo. Nhưng còn những bức tường câm lặng khác mà các nhà báo có thể và vẫn phải đối diện hàng ngày: sự thờ ơ, né mình của những người xung quanh; những can thiệp bằng lời để ngăn không cho lên trang một bài báo chống tiêu cực nào đó, một cá nhân, vụ việc nào đó. Cả những bức tường khác, ở nhiều mức độ khác bằng kim tiền mà nhà báo phải tự mình đấu tranh với chính mình, để giữ sự trong sáng và tính đấu tranh của ngòi bút/phím gõ, để không cảm thấy phải hổ thẹn trước cái xấu và người xấu  khi muốn đóng góp phần mình cho xã hội.

Hạnh Nhi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42

Sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường- ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay, ngày 17/3 tại nhà riêng ở Hà Nội.

Ca sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42
Return to top