ClockThứ Ba, 03/05/2022 10:59

Bún bò Huế không chỉ ở Saijo

TTH.VN - Ngoài câu chuyện 9.000 suất bún bò Huế đưa vào thực đơn cho học sinh ở Saijo (Nhật Bản), có những người Việt âm thầm đưa món ăn này đến với xứ Phù Tang từ bữa ăn mời khách cho đến món đặc sản ở hệ thống nhà hàng.

Bún bò Huế được đưa vào thực đơn cho học sinh các trường tiểu học SaijoBún bò Huế chợ Đông Ba - điểm đến ẩm thực yêu thích của đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain4 tấn gia vị bún bò Huế sang Mỹ theo đường chính ngạchDị bản bún bò HuếBún bò Huế kiểu “hợp chủng quốc”

Vui lây

Những ngày này, câu chuyện bún bò Huế được đưa vào thực đơn ăn trưa của học sinh 35 trường tiểu học và trung học cơ sở ở TP. Saijo, tỉnh Ehime, Nhật Bản khiến nhiều người Huế nức lòng. Theo đài truyền hình NHK (Nhật Bản), đây là quyết định của Thị trưởng TP. Saijo - Toshihisa Tamai nhằm thu hút sự quan tâm của các em học sinh với Huế - thành phố xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Saijo 4 năm qua.

Bún bò Huế trong bữa ăn trưa ở Nhật. Ảnh: A.Thư

Sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin, nhiều thông tin được dẫn lại và lan tỏa. Gõ từ khóa “Bún bò Huế ở Saijo” trên thanh công cụ tìm kiếm Google trong vòng 0,72 giây đã cho ra 55.000 kết quả. Bún bò Huế không chỉ là món được yêu thích gắn liền với địa danh mảnh đất sông Hương núi Ngự, giờ đây nó đã là món ăn quen thuộc của nhiều người Việt. Thử tra cụm từ “bún bò Huế” trên Google, trong vòng 0,61 giây đã có 6.000.000 kết quả tìm thấy trong đó bao gồm cả công thức nấu, giới thiệu điểm ăn ngon và các thông tin lịch sử, tra cứu khác.

Đón nhận thông tin bún bò Huế đến với Saijo, người Huế, người Việt Nam đang sinh sống ở xứ sở hoa anh đào cũng vui mừng không kém. Thời điểm này ở Nhật Bản đang là kỳ nghỉ tuần lễ vàng (cuối tháng 4 đầu tháng 5), người dân vui chơi, du lịch nên không khí náo nhiệt hơn ngày thường. Chị Thiên Trang sống ở Tokyo, Nhật Bản tự hào: “Bún bò Huế là món ăn quen thuộc của người Việt Nam nên khi nhiều người biết đến bún bò mình cũng thấy vui lây. Sang Nhật 4 năm, giờ đây bạn bè ở Nhật tò mò về món ăn này nhiều nên mình có cơ hội chia sẻ kiến thức và còn hẹn nấu món ăn này đãi khách ngày lễ”.

Trong khi đó, chị Anh Thư, một người Huế ở Nhật rất hào hứng chia sẻ trước thông tin bún bò Huế qua bản tin của Đài NHK. Chị cho hay, con gái Bảo Bảo khi đến trường được thầy cô bạn bè hỏi han về món ruột trong ẩm thực Huế. Nhiều bạn cùng lớp khoe đã được ăn bún bò Huế của mẹ Bảo Bảo nấu khi đến nhà dự sinh nhật. Câu chuyện đưa chị Thư trở lại hồi ức hơn 10 năm trước, chị Thư kể: “Năm 2011, khi đặt chân đến Nhật gặp gỡ và mời các bạn Nhật đến nhà dùng bữa; mình đã nấu vài món của Việt Nam trong đó có bún bò Huế. Điều khiến mình bất ngờ là các bạn Nhật đều tỏ ra thích thú và ngon miệng khi dùng bữa. Từ đó, gia đình mình cố gắng thường xuyên nấu món ăn này để giới thiệu và quảng bá tinh hoa ẩm thực quê nhà”.

 Bún bò “Quê tôi”

Đầu bếp nấu bún bò Huế ở xứ sở hoa anh đào. Ảnh: T. Nam 

Bún bò Huế không chỉ được giới thiệu qua các hoạt văn hóa hữu nghị, có người đã âm thầm quảng bá món ăn nổi tiếng của Huế bằng nhiều cách, trong đó phải kể đến hệ thống nhà hàng "Quê tôi" của anh Lê Phước Tuấn Nam, một người Huế lập nghiệp ở Nhật Bản.

Phần lớn, người Nhật biết đến món ăn Việt Nam đầu tiên là phở, ngoài ra còn có gỏi cuốn và bánh xèo… Khi đến sinh sống và làm việc tại quận Matsunaga, thành phố Fukuyama, anh Nam mở hệ thống nhà hàng món Việt mang tên "Quê tôi", trong đó, bún bò Huế được đưa vào thực đơn chính.

Để giới thiệu một món ăn mới, khá nhiều mùi và vị như bún bò Huế với thực khách Nhật là hành trình gian nan mà như người sáng lập ra chuỗi nhà hàng "Quê tôi" nghiệm lại rằng đó là cả sự chân thành và lòng kiên nhẫn đến độ “khách phải mở lòng”. Đầu tiên là mời khách ăn thử không lấy tiền. Tiếp đó là mở tivi chạy hình ảnh món bún bò Huế và cả trồng cây sả tươi trong nhà hàng để khách dễ hình dung về mùi thơm và vị ngọt của món ăn. Nhà hàng chính bắt đầu hoạt động từ năm 2018 chỉ bán để giới thiệu duy nhất bún bò Huế vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Khi đầu bếp chính Việt Nam được mời qua, "Quê tôi" chính thức mở cửa vào tháng 3/2020.

Vừa muốn đem nguyên bản hương vị quê nhà và dung hòa hương vị món ăn cho khách trên vùng đất mới, cả công ty, bộ phận nhà hàng và đặc biệt là bộ phận bếp đã tiếp thu ý kiến và tích lũy kinh nghiệm cho ra một công thức nấu món bún bò Huế chung cho tất cả hệ thống nhà hàng. Ngay cả việc lọc nước ruốc; chọn nước mắm, cách băm sả... đều được cân nhắc kĩ để ai cũng có thể ăn được, và thấy ngon khi ăn. Đặc biệt trong tình hình dịchCOVID-19, nhà hàng đưa bún bò Huế như là món ăn để tăng cường hệ thống miễn dịch, phục hồi sức khỏe bằng các hương vị - dược liệu sả, hành tím, hạt tiêu và chút gừng trong cách nấu nước dùng.

Phục vụ bún bò Huế tại nhà hàng "Quê tôi". Ảnh: T.Nam 

Đầu bếp Nguyễn Thanh Duy ở nhà hàng "Quê tôi" cho hay: “Các loại ngò, mùi, rau thơm vào mùa cũng được chúng mình giới thiệu đến khách hàng. Sự nhạy bén trong việc phục vụ thực khách của nhân viên cũng được chú trọng để khách yêu thích món ăn và không bị bất ngờ bởi vị rau. Chúng mình sẽ phải phân biệt được đâu là khách hàng Đông Nam Á thì cho rau khoải mái, còn khách Nhật hay các nước Châu khác đến ăn thì cân nhắc hơn”.

Theo lời Quản lý nhà hàng "Quê tôi" số 2 tại quận Motomachi, TP. Fukuyama - anh Mai Văn Vấn thì bún bò Huế là món ăn yêu thích không những với khách hàng Nhật Bản mà còn cả khách Trung Quốc, Hàn Quốc. “Set bún bò Huế và cơm trắng thịt kho là “set” ăn trưa được gọi nhiều nhất. Khách hàng người Việt Nam đã đến ủng hộ và nhận xét là bún bò Huế ở đây rất ngon. Trước đây, nhà hàng thường nghỉ kinh doanh vào ngày thứ 2, song hiện văn phòng Nhật và ủy ban gần đó qua ăn trưa suốt nên "Quê tôi" bán nguyên tuần không nghỉ ngày nào”, anh Vấn khoe.

Anh Lê Phước Tuấn Nam, Tổng Giám đốc công ty BKN, Chủ hệ thống nhà hàng "Quê tôi" không giấu niềm vui sướng khi nhìn lại hành trình đưa món ăn quê nhà sang xứ người. Anh bảo: “Sau từng ấy năm hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, mình cảm nhận được món bún bò Huế rất được yêu thích. Mỗi lần khách hỏi về lịch sử món ăn này, mình đều bảo đó là món ăn nơi tôi sinh ra, là tinh hoa ẩm thực của đất mẹ nuôi tôi lớn. Sau những nỗ lực, giờ vợ chồng mình đã hái quả ngọt khi gieo mầm ẩm thực Huế đến với Nhật Bản”.

Trong một cuộc hội thảo về ẩm thực mới đây, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam kể lại câu chuyện năm 2018, ông chở 500 bát phở vượt 1.000 km đến Hokkaido giới thiệu với người dân địa phương. Một năm sau, Hokkaido có thêm quán ăn Việt và đến nay đã có hệ thống nhà hàng Việt. Nền tinh hoa ẩm thực Nhật Bản rất hoàn hảo, để món ăn Việt được đón nhận là điều không hề dễ dàng. Câu chuyện của vị đại sứ và hành trình đưa bún bò Huế thành món ăn yêu thích của "Quê tôi" gợi mở một cách quảng bá ẩm thực ở xứ người, điều này không đơn thuần là mang đến một món ăn mà còn là cả câu chuyện ngoại giao văn hóa.    

Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Return to top