ClockThứ Bảy, 28/04/2018 06:00
NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO:

Bước đi cho nông sản hàng hóa

TTH - Trồng rau, hoa quả thủy canh được xem là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp đối với người nông dân. Nguồn nông sản làm ra không chỉ mang tính hàng hóa, hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn mà còn giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nông thôn hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp mở hướng làm ăn mớiPhát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Khu nhà kính trồng rau thủy canh của chị Lê Thị Tám

Đầu ra ổn định

Khu vực nhà kính trên diện tích 1.500m2 của anh Trương Như Hải (phường Thủy Biểu, TP. Huế), được xem là mô hình thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (SXNNCNC) trên địa bàn tỉnh, gồm hệ thống nhà kính do Công ty nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Anh Hải cho biết, mô hình này cho phép trồng nông sản trái vụ, không phụ thuộc vào thời tiết, cho năng suất cao, an toàn.

Khu nhà kính của anh Hải “độc canh” cây dưa lưới với gần 3.000 giá thể ươm, sử dụng xơ dừa và phân chuồng đã ủ để ươm cây. Dưa lưới từ khi xuống giống được nuôi dưỡng qua hệ thống thủy canh kết nối toàn khu vực nuôi trồng, chỉ sau 1 tháng là dưa cho quả và sau 3 tháng có thể thu hoạch. Khi cây dưa phát triển có thể đưa hệ thống dây vào để dưa leo. Quá trình trồng mọi hệ thống đều được kết nối tưới tự động nên rất ít tốn chi phí nhân công, thu hoạch.

Với mô hình “độc canh” cây dưa lưới, mỗi vụ (3 tháng), khu vực nhà kính của anh Trương Như Hải cung cấp cho thị trường khoảng 3,5 tấn dưa. Trong đó, khoảng 60% sản phẩm được anh Hải ký hợp đồng tiêu thụ từng vụ với siêu thị Big C và một số nhà hàng trên địa bàn và đóng hộp đưa ra các thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa.

Với giá 45 nghìn đồng/kg hiện nay, một năm trồng 3 vụ anh Hải lãi vài trăm triệu đồng. Do không phụ thuộc vào thời tiết nên vào vụ đông, với hệ thống đèn thắp tạo nhiệt (giữ nhiệt độ ổn định khoảng 40 độ c), những “vựa” dưa trái vụ của anh Hải bán rất được giá.

Những sản phẩm từ vườn trồng rau thủy canh của chị Lê Thị Tám (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) với quy mô trên 2.000m2 được đầu tư hơn 2 tỷ đồng đã thực sự “bổ túc” thêm cho thị trường rau sạch của Huế một lượng lớn đáng kể. Chị Tám cho biết, rau quả thủy canh không trồng trên đất nên tiết kiệm tối đa các chi phí thuê nhân công làm cỏ và không sử dụng các loại thuốc hóa học để xử lý cỏ, mầm bệnh trong quá trình sản xuất. Rau quả được trồng trong nhà kính hạn chế sự phá hoại của sâu bệnh, dễ thu hoạch.

Hạt giống tại vườn thủy canh của chị Tám được ươm trong các giá thể có chứa chất hữu cơ là xơ dừa đã được xử lý nấm bệnh, cho sản phẩm an toàn nhờ kiểm soát tốt dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), có thể trồng được nhiều vụ trong năm.

Bình quân mỗi tháng, thông qua siêu thị mini Oganic Thảo Vi tại TP. Huế (siêu thị do chị Lê Thị Tám làm chủ) và một số cửa hàng trên địa bàn thành phố, vườn rau thủy canh của chị Tám cung ứng cho thị trường từ 7-10 tạ rau quả sạch.

Ngoài hai cá nhân trên, Tập đoàn Quế Lâm cũng đầu tư 500 m2 sản xuất rau công nghệ cao; Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong đầu tư 1.000m2 hoa lan công nghệ cao tại Thủy Bằng.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Tiến sĩ, nhà Nông học Lê Tiến Dũng cho rằng, SXNNCNC là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, trong đó, mô hình trồng rau theo hướng thủy canh là mô hình còn khá mới mẻ đối với người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nông thôn hiện nay, được xem là hướng đi mới trong sản xuất, đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách hiện nay về rau sạch cũng như diện tích đất canh tác bị thu hẹp hoặc ô nhiễm.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh đánh giá, SXNNCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, hạn chế ảnh hưởng xấu của môi trường, đa dạng hóa các cây trồng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay SSXNNCNC trên địa bàn tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hơn nữa để doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư vì hiện nay làm chưa nhiều, manh mún,  sản phẩm chưa có mẫu mã, bao bì, thương hiệu nên không được biết đến nhiều. Phải có sự liên kết giữa DN với nông dân nhằm tạo ra thương hiệu có giá trị cao. Song song với đó, các địa phương cũng cần đào tạo lượng lao động đáp ứng yêu cầu  sản xuất công nghệ cao.

Theo ông Thám, phía tỉnh đã có những chính sách kịp thời để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, SXNNCNC và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trên địa bàn tỉnh thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Trong các biện pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, biện pháp hàng đầu phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Phải có sự đồng hành, đồng bộ của nhà nước, DN và người dân. Có như vậy, chúng ta mới hình thành được chuỗi liên kết, tận dụng được lợi thế về mặt thị trường, đất đai... Cùng với đó, sẽ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Thám nhấn mạnh.

Hiện toàn tỉnh có gần 20.000m2 nhà lưới, nhà kính trồng rau quả, hoa theo mô hình SXNNCNC, tập trung nhiều nhất ở TP. Huế (7.000m2) và huyện A Lưới (6.200m2).

Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh đến năm 2020 là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm. Trên lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2020 ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 - 52.000 ha/năm, năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha, diện tích lúa chất lượng cao đạt 17.000 ha, diện tích lúa cánh đồng mẫu lớn có liên kết trong tiêu thụ khoảng 5.500 ha.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top