ClockChủ Nhật, 29/04/2018 05:45

Bước tạo đà mạnh mẽ thúc đẩy thắng lợi hoàn toàn

TTH - Chiến dịch Trị Thiên - Huế thắng lợi đã đập tan hệ thống phòng ngự và lực lượng chiến đấu thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 của quân đội Sài Gòn, tạo đà mạnh mẽ để giải phóng Đà Nẵng và thúc đẩy nhanh hơn Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn. Ý đồ “tử thủ” của địch đã bị đập tan trước quyết tâm giải phóng của quân dân Trị Thiên - Huế.

Huấn luyện sát với thực tế chiến đấuHương Thủy diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phườngHuấn luyện sát với thực tế chiến đấu

Đồng bào miền Nam đón chào đoàn quân Giải phóng. Ảnh: tư liệu

Đập tan ý đồ “tử thủ”

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, đẩy cuộc “rút quân chiến lược” của Thiệu khỏi Tây Nguyên thành thảm họa. Thiệu vội vã lập kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Trong đó lấy Trị Thiên - Huế làm một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía Bắc hệ thống, bố trí lực lượng bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam-Đà Nẵng.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, nhận rõ thế phòng thủ chiến lược của địch đã bị rung chuyển nghiêm trọng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Chiến trường được chia thành hai khu vực: Trị Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó hai mục tiêu chủ yếu là Huế và Đà Nẵng.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc xuống Tây Nam Huế, cùng với lực lượng tấn công từ phía Bắc tạo thế bao vây quân địch để giải phóng Huế. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải cô lập, bao vây được Huế.

Giải pháp được lựa chọn là cắt đứt đường số 1, đồng thời phong tỏa cửa Thuận An, cửa Tư Hiền; trong đó cắt đứt đường số 1 là ưu tiên hàng đầu. Tại Tổng hành dinh, sau khi trao đổi với các tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã “Chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu đôn đốc Quân khu Trị - Thiên gấp rút đưa lực lượng xuống đồng bằng, lệnh cho Quân đoàn 2 nhanh chóng cắt đứt đường số 1, không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng”. Thời hạn cho Quân đoàn 2 cắt đứt đường số 1 được Đại tướng đưa ra là ngày 21/3/1975.

Căn cứ vào địa hình, địa thế, khu vực quyết chiến cắt đường số 1 được lựa chọn là đoạn đường kẹp giữa đầm Cầu Hai và dãy Bạch Mã. Nhận thức được sự hiểm yếu và tầm quan trọng của đoạn đường 1 đi qua khu vực này, phía địch đã chiếm giữ từ trước một loạt các điểm cao thuộc dãy Bạch Mã, hình thành tuyến phòng thủ phía tây đường 1 khá vững chắc. Để cắt đứt tuyến giao thông hiểm yếu này, quân ta không còn cách nào khác là phải đập tan hệ thống phòng thủ đó.

Táo bạo và bất ngờ

Một giải pháp táo bạo được Tư lệnh Nguyễn Hữu An đưa ra đó là kéo pháo lên núi Lưỡi Cái. Đưa được pháo lên đây không chỉ khống chế đường số 1 mà còn chế áp được các điểm cao trong hệ thống phòng ngự phía Tây đường số 1 của địch. Pháo đặt ở đây còn có thể khống chế cửa Tư Hiền và trận địa pháo địch ở Mũi Né. Hơn 20 km đường mới được mở cho nhiệm vụ này. Pháo được xe cơ giới kéo theo đường 14B (nối La Sơn với Khe Tre) đến ngang động Truồi rồi rẽ theo đường mới đến chân dãy Lưỡi Cái thì được tháo khỏi xe. Từ đây, mỗi khẩu pháo được hàng trăm bàn tay chiến sĩ đưa vào trận địa. Để giữ bí mật, các chiến sĩ kéo pháo không được “hò dô” mà chỉ được đếm nhẩm theo hiệu lệnh phất khăn trắng của người chỉ huy.

Trong ngày 20/3/1975, Trung đoàn 84 pháo binh (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) với sự hỗ trợ của các đơn vị bạn đã đưa được 12 khẩu pháo các loại, trong đó có cả pháo nòng dài 122mm, 85mm, pháo cao xạ 37mm hai nòng cùng hàng chục dàn DKB lên dãy Lưỡi Cái. Chỉ sau vài loạt pháo của ta, giao thông trên đường số 1 trở nên hỗn loạn. Hàng trăm xe từ Huế chạy về Đà Nẵng bị ùn lại, cuống cuồng quay đầu về Huế. Đòn hiểm nhất của chiến dịch đã được thực hiện thành công. Đường số 1 bị chặn hoàn toàn, việc giải phóng Huế chỉ còn tính bằng giờ. Đến 10 giờ 30 ngày 25/3/1975, cờ chiến thắng đã tung bay trên Phu Văn Lâu, Huế được giải phóng.

Thúc đẩy nhanh hơn sự sụp đổ

Quân dân Trị Thiên - Huế và Quân đoàn 2 đã nhanh chóng tiến công, nổi dậy mau lẹ tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch, làm thất bại kế hoạch co cụm ở Trị Thiên - Huế. Kế hoạch bảo toàn lực luợng rút chạy về co cụm ở Đà Nẵng của chúng cũng bị phá sản.

Thắng lợi của chiến dịch đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch, mở toang cánh cửa án ngữ dày đặc của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta phát triển tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng và một loạt các căn cứ, thành phố, thị xã khác của quân địch.

Giải phóng Huế và giải phóng Đà Nẵng chỉ vài ngày sau đó, chúng ta đã đẩy quân đội Sài Gòn  về sâu phía Nam, làm phá sản kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Ta đã hoàn toàn đập tan khu vực phòng ngự phía Bắc của địch, cùng với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung kết liền một dải tới hậu phương lớn miền Bắc, đáp ứng kịp thời việc tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất cho trận tiến công cuối cùng vào Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất.

Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng cùng với chiến dịch Tây Nguyên đã góp phần quyết định làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta.

Mất Trị Thiên - Huế, quân địch không chỉ mất một số lượng lớn quân và vũ khí, mất khối lượng lớn vật tư chiến tranh và hàng loạt căn cứ, mất thế trận phòng ngự chiến lược, mà  còn hoang mang, dao động trầm trọng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Nhìn tổng thể, trên bàn cờ chiến lược, sau thất bại đầu tiên ở Tây Nguyên, Quân khu 1 của địch gồm Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng thất thủ đã tạo nên hiệu ứng  đô-mi-nô, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ
Thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển

Du lịch tàu biển giữ vai trò quan trọng trong thu hút, gia tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế. Đồng thời, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp khai thác và giá trị cộng hưởng lợi ích cho địa phương.

Thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển
UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức ở Maroc, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Pedro Manuel Moreno cho biết, các nước thu nhập trung bình đang phải vật lộn với những thách thức nghiêm trọng và thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính.

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình
Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Đây cũng là giai đoạn Thừa Thiên Huế cần thực hiện nhiều chiến lược để phục hồi mạnh mẽ thị trường khách quốc tế.

Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế
Return to top