ClockThứ Tư, 25/12/2019 06:15

Bước tiến trong xuất khẩu lao động

TTH - Lần đầu tiên qua nhiều năm, TP. Huế có số người xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt 171 trường hợp trong năm 2019. Tuy nhiên, so với tiềm năng, kết quả này còn khiêm tốn.

Giao lưu trực tuyến: "An toàn khi tham gia xuất khẩu lao động"Triển khai phối hợp với Công ty SULECO đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc

Người lao động tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại Ngày hội việc làm

Điểm đến Nhật Bản

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Nguyễn Mạnh T. (phường Thủy Xuân), sau thời gian loay hoay tìm kiếm việc làm, T. quyết định đăng ký đi XKLĐ ở Nhật, đơn hàng nội thất.

Trở về từ Nhật sau một năm làm việc, Nguyễn Thị Diệu H. (phường Hương Sơ) chia sẻ, công việc ở Nhật không quá vất vả, cuộc sống thoải mái, môi trường sạch sẽ, đời sống người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm. Không chỉ tích lũy được vốn liếng, H. còn học hỏi được tác phong chuyên nghiệp, làm việc đúng giờ, kinh nghiệm, vốn sống… Hiện H. đang học thêm tiếng Nhật để tiếp tục đăng ký XKLĐ với đơn hàng khác. Được biết, ngay sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế, Nguyễn Thị Diệu H. quyết định đăng ký đi XKLĐ ở Nhật Bản.

Thống kê của UBND TP. Huế giai đoạn 2011-2017 cho thấy, nếu trước đây là Malaysia thì hiện nay, điểm đến ưa thích của người đi XKLĐ ở Huế là Nhật Bản. Năm 2017, Huế có 56 người đi XKLĐ thì có đến 41 người chọn đi Nhật.

Sang Nhật, Nguyễn Thị Diệu H. làm việc ở công ty bánh kẹo, thu nhập mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Đó là mức thu nhập cao, nhất là giới trẻ vừa mới ra trường như H. Theo Nguyễn Mạnh T.,  đi Nhật không chỉ là kiếm tiền mà còn là cơ hội để trang bị các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chuyên môn, áp dụng cho công việc sau này.

Lợi thấy rõ

Mới đây xảy ra vụ 39 người chết tại Anh, trong đó có 1 nạn nhân đến từ Huế là anh Nguyễn Bá Vũ H. Chúng tôi đã về phường Vỹ Dạ, nơi anh H. sinh sống và được biết, anh H. từng tốt nghiệp đại học, trước thời điểm mất tích được cho là đang làm việc ở Hungary. Chúng tôi đã được xem đơn tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài của anh H. lưu tại phường và được biết, anh được Công ty cổ phần LMK Việt Nam đưa đi làm việc tại nước ngoài. Như vậy, có thể xem đây là trường hợp cá nhân sau khi ra nước ngoài đã tự ý bỏ đi trái phép không theo hợp đồng cam kết ở Việt Nam, có sự xác nhận của địa phương.

Thời gian qua, UBND TP. Huế đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban ngành, địa phương, hội đoàn triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh XKLĐ. Hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động được tổ chức thường xuyên và được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để cùng với doanh nghiệp (DN) dịch vụ XKLĐ giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ, vướng mắc phát sinh cho người lao động, hạn chế tối đa tiêu cực. TP. Huế cũng phối hợp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục cho vay. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để người dân nhận thấy rõ hiệu quả mà công tác XKLĐ mang lại.

Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương bình và Xã hội TP. Huế Lê Trần Việt Sơn, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên gửi tiền về trả tiền vay trước khi đi và giúp đỡ gia đình, ổn định cuộc sống. Bản thân người lao động từng bước thích nghi dần với môi trường sống mới, có tác phong công nghiệp, có ý thức kỷ luật, lao động có kỹ thuật, năng suất và trình độ chuyên môn ngày được nâng cao. Khi hoàn thành hợp đồng trở về nước, nhiều người có khả năng ngoại ngữ khá tốt, có tay nghề và nguồn vốn để đầu tư, giải quyết việc làm cho bản thân.

Tiếp tục nỗ lực

Con số 171 người đi XKLĐ trong năm 2019 được xem là bước phát triển mạnh. Trước đó, từ năm 2011 đến 2018, số người đi XKLĐ ở TP. Huế ít và bấp bênh. Năm 2011, thành phố có 35 người đi XKLĐ. Ba năm 2012 - 2014 có tổng cộng 40 trường hợp, trong đó năm 2013 thấp nhất chỉ có 8 người đi XKLĐ. Phong trào có dấu hiệu phục hồi và phát triển từ năm 2015 (27 trường hợp) sang năm 2016 (32 trường hợp) và năm 2017 (56 trường hợp).

So với các địa phương trong tỉnh, số lượng người đi xuất khẩu lao động ở TP. Huế vẫn ở mức thấp. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, TP. Huế xếp thứ 4 (73 trường hợp), sau Phú Vang (130 lao động), Hương Thủy (95 trường hợp) và Phong Điền (80 trường hợp).

Thành phố Huế hội đủ rất nhiều điều kiện để tạo nên sự chuyển động tích cực trong XKLĐ với nguồn lao động dồi dào và có trình độ văn hóa cao, cộng thêm bản tính lao động cần cù, siêng năng và trung thực của người Huế.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, XKLĐ còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với nguồn lực hiện có do nhiều nguyên nhân: một số thị trường chưa hấp dẫn, trình độ và chất lượng lao động thấp, uy tín của DN giảm, công tác quảng bá, tuyên truyền và tư vấn còn hạn chế nhưng chủ yếu vẫn là do người lao động chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của XKLĐ.

Hơn 15 năm gắn bó với công tác XKLĐ, bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Trung, Công ty CP Vivaxan cho rằng: “Hiệu quả kinh tế của những người đã và đang làm việc ở nước ngoài là kênh tuyên truyền hữu hiệu để phong trào XKLĐ lan tỏa trong xã hội”. Xem trọng vai trò cấp chính quyền cơ sở, bà Dương không hài lòng: “Trong XKLĐ, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và bày tỏ hy vọng, nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác XKLĐ sẽ thành công.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Return to top