ClockThứ Ba, 16/02/2021 06:23

“Buồn sững sông xanh với núi xanh”

TTH - Danh họa trừu tượng người Nga Kandinsky quan niệm rằng, màu sắc luôn chứa đựng âm thanh. Như màu xanh lục, ông nghe thấy từ đó những âm thanh êm ái, ngân dài, trầm trung của vĩ cầm.

Thật tình cờ, cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng nghe thấy những thanh âm từ màu xanh cây lá ở Huế. Đó là có những loài cây mà sắc màu của chúng có thể “tự hát” không cần nhờ gió bắt nhịp, như những hàng cây nhạc ngựa bên sông Hương...

Hơn chục năm trước, đêm Hoàng mất, từ hành lang tầng hai nơi bạn đang nằm, trong bóng tối tôi nhìn mãi ra hàng long não mùa đông hè đường Nguyễn Trường Tộ bên chiếc cầu dẫn qua nhà thờ Phủ Cam. Khi ấy, ý tưởng những câu thơ chợt đến: “người sẽ không thấy/cũng không thể hình dung/chiếc lá xanh và cả gương mặt người trong bóng tối/nhưng người sẽ đi/không phải bằng đôi chân và ngọn đèn trên tay/mà bằng nụ hoa nhói trắng kia với ý nghĩ - sợi bấc không bao giờ cạn”...

Gần 40 năm gắn bó và đi về với Huế, đến giờ khi tuổi tác đã chất chồng trên vai, cứ mỗi lần ngước lên những hàng cây, bóng lá Huế, tôi lại một lần cảm thấy tức ngực. Bởi vẻ đẹp đến nao lòng, bởi những thanh âm cứ dội tới, cứ ngân rung như làn sóng vẽ vòng, lan mãi. Thương những bạn bè ở Huế, để “sống sót” được qua vẻ đẹp ấy, thì cũng thật gian nan.

Tôi từng viết “Xứ Huế tôi nghĩ mỗi người đều có một công án riêng mình, mà câu trả lời đôi khi như chiếc chìa khóa đã bị ném xuống dòng Hương giang”. Màu xanh xứ Huế cũng là một công án. Tất nhiên, nó không đơn giản chỉ hiển hiện nơi những tàng cây, bóng nước, vệt rêu, ngọn cỏ. Mà còn ẩn giấu neo giữ ở những tầng sâu. Nhớ hồi 2006 khi khánh thành Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng trên đường Lê Lợi, trong cuộc trò chuyện dành riêng cho tôi, họa sĩ bậc thầy ấy hào hứng với bao ý tưởng mới mẻ với mong muốn làm đẹp cả tạo hóa nơi đây, đó là nhà cửa, đường phố, sông nước, cây cỏ hoa lá,... 

Ông nói, các họa sĩ khác ngắm nhìn phong cảnh để vẽ thành bức tranh, còn tôi thì biến chính phong cảnh đó thành bức tranh. Tại sao ta không “mặc áo” cho cây cối? Tôi muốn đặt nơi ngã tư đường phố những bức thảm bằng nhựa hoặc đá thật đẹp mà các nơi khác chưa hề có. Ví dụ như sông Hương, tôi muốn mỗi nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm kể về một câu chuyện tổ tiên xưa rồi đặt xuống đáy nước, du khách sẽ chèo thuyền xem những câu chuyện ấy qua thuyền đáy kính...

Ý tưởng kể chuyện dưới lòng sông Hương ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chiếc chìa khóa vẫn nằm đâu đó dưới làn nước xanh thẳm.

Các nhà nghệ thuật học lý giải: Màu xanh là màu sâu nhất. Bởi mắt nhìn sâu vào đấy không hề bị vướng cản và mất hút vô tận trong đó. Xanh cũng phi vật chất nhất trong các màu, như sự rỗng không tích tụ lại, rỗng không của không khí, rỗng không của nước,... Xanh cũng là màu lạnh nhất, và cũng tinh khiết nhất trong các màu (ngoài cái rỗng không trọn vẹn của màu trắng trung tính). “Một bề mặt quét xanh không còn là bề mặt, một bức tường xanh không còn là tường. Cử động và tiếng động, cũng như hình dạng, biến mất trong màu xanh, chìm trong đó, tan biến trong đó như một con chim mất hút giữa bầu trời” (theo Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới)

Xanh Huế, với tôi sâu nhất là xanh-ký-ức. Màu xanh và âm điệu trầm tư của nó như một thứ tiềm thức mà có lẽ chỉ những ai từng sống ở Huế mới có được. Bạn tôi, họa sĩ Võ Xuân Huy sinh thời từng về quê nhà Vĩnh Linh - Quảng Trị tự tay cuốc cày, gieo cấy để rồi một ngày trên cánh đồng những thảm mạ xanh ngắt mọc lên cụm tác phẩm kỳ vĩ về Mẹ, về thân phận ruộng đồng và những giấc mơ. Tiếp nối là sắp đặt Tháp lúa, cũng từ mạ non. Rồi cũng Huy đem bầu trời xanh quê nhà xuống lòng địa đạo Vĩnh Mốc, để mỗi người có thể ngắm bầu trời... dưới chân mình!

Thực ra, với tôi, Võ Xuân Huy từ lâu đã “cấy trồng” những cánh đồng mạ non ở ngay xứ Huế, nơi bạn đã sống gần cả cuộc đời mình. Cấy trồng trong tâm thức, tiềm thức mỗi ngày. Xanh-Huế ấy thật đặc biệt.

Cái lần tạp chí Sông Hương kỷ niệm 30 năm, hàng trăm chiếc áo được đề thơ rồi treo lên những cành long não cổ thụ cao tít tắp bên sông. Cảnh tượng thật đột ngột và kỳ thú. Đột ngột làm náo động tâm thức như cái câu “Hồng bì! Hồng bì! Mi lại ra hoa đó à?” của đại lão Hòa thượng Thích Chánh Trí gần trăm tuổi đôi mắt đã lòa mà tôi đọc được trong cuốn sách “Thiền sư ở đâu” của nhà báo, nhà thơ Bùi Long.

Xanh–ký-ức đôi khi tưởng xanh chỉ để mà xanh, như “Giậu đổ dây leo suồng sã quá.../Xóm vắng rêu xanh những lối hè” Nguyễn Bính thuở nào từng nện gót qua xóm Ngự Viên, mà giờ đây vẫn còn nguyên màu xanh hoang vắng ấy...

Như Huế xanh mà tôi từng nhìn về từ đỉnh núi Kim Phụng một đêm xưa. Đận ấy tôi duyên may được thượng sơn cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng, đúng vào ngày 2/9/1995 – tròn 50 năm ngày Độc lập.

Hơn nửa ngày leo núi hàng chục cây số, xẩm chiều mới đến nơi. Đêm ấy trên tảng đá phẳng rộng gần hai chục mét vuông trên đỉnh núi nhìn xuống Kỳ đài kinh thành Huế, nhìn xuống Hương giang vắt ngang mờ ảo trên những tàng cây, bóng lá giờ ấy đang âm thầm xanh. Rượu uống pha sương thu mưa thu. Ông Tường suốt đêm rì rầm kể về những ngày tháng sống nơi ngọn núi này, về “o Chồn” giao liên xinh đẹp mà u huyền ngày ấy. Còn Nguyễn Trọng Tạo thì cứ ngồi như hóa đá. Không biết ông đang nhìn vào đâu…

Đỉnh Kim Phụng những bóng cây dại mờ nhòe xanh trong đêm. Thế rồi suốt gần buổi sáng hôm sau trên đường hạ sơn, chúng tôi đã để “lạc” mất ông Tường! Mấy anh em hối hả vừa gạt cây rừng vừa hú gọi. Thông thạo rừng núi này như lòng bàn tay, ổng lạc đi đâu được chứ! Quá giờ trưa, đành phải rời núi. Về tới nhà ông Ứng nơi thượng nguồn sông Hương, đã thấy ông Tường đu đưa nằm võng, thiếp ngủ lúc nào... Giấc ngủ trẻ thơ ấy dường như đang có “cái nhìn xanh biếc dõi trông theo”. 

Còn thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo, giờ đây mới hay, sau cái đêm Kim Phụng ấy, từ trên non cao ông cũng đã “mắc cạn” tự bao giờ. Đó là khi ông biết mình sẽ xa Huế.“Buồn sững sông xanh lẫn núi xanh/... gió hỏi trời sâu hay biển sâu/sông hỏi đam mê hồn mắc cạn/thưa xanh ngả bạc một sợi đầu”.

Bài: Trần Tuấn - Tranh: Wassily Kandinsky

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Hẹn với xứ mưa

Cơn mưa đêm qua vừa ngớt, phố thở nhẹ thênh trong làn gió dịu mát. Những con đường long não thoảng mùi nhựa cây với đám lá lục già hớn hở. Phố đã chuyển mùa.

Hẹn với xứ mưa
Ngon mắt 6 món ăn dân dã xứ Huế

Đây là 6 trong 121 món ẩm thực Việt Nam vừa được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) vinh danh các món ăn tiêu biểu nước nhà giai đoạn I trong Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Cả 6 món, gồm: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay và cơm hấp lá sen chay đều gần gũi với vườn tược, ruộng đồng của xứ sở.

Ngon mắt 6 món ăn dân dã xứ Huế
Return to top