ClockThứ Năm, 14/10/2010 15:36

Bút tùng – loài cây cảnh dễ tính

TTH - Xuất phát từ chữ “tùng thuộc” của Trung Quốc để chỉ các loài thông, người Việt chúng ta thường dùng chữ “tùng” để gọi tên cho hàng loạt cây hạt trần khiến cho việc tiếp cận một loài tùng cụ thể nào đó gặp không ít khó khăn.

Bút tùng thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae), tên khoa học là Juniperus chinensis

Bút tùng là loài tùng được người Việt đặt tên theo hình thái vòm tán (vòm tán trông giống như ngòi bút lông), nó còn được gọi là tùng xà, ngọc tùng. Cây có nguồn gốc ở vùng núi cao 1.400-2.300 m thuộc các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Myanmar và Nga. Hiện nay, cây được trồng làm cây cảnh rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới như Băc Mỹ, Châu Âu. Ở Việt Nam, cây cũng được nhập trồng khá phổ biến từ lâu trong sân vườn các biệt thự, lăng tẩm, đền đài. Gần đây, nó còn được đưa trồng ở các nơi công cộng như công viên, điểm xanh, đài liệt sĩ, khu văn hóa, các dải phân cách đường lộ...
 

 
 
Cây có dạng sống kiểu bụi hoặc gỗ thường xanh, ở những vùng nguyên sản, cây có thể cao đến 25m, đường kính thân 60cm; vỏ nâu xám hoặc nâu đỏ, xù xì, nứt dọc thành những đường ngoằn ngoèo; cành thẳng hoặc hơi cong, mọc chếch hướng đỉnh, tạo thành một vòm tán trông giống ngòi bút lông; mang 2 kiểu lá: hình vảy và hình kim ngắn, mọc thẳng góc hình chữ thập hoặc vòng xoắn 3, thưa dần. Cây đơn tính khác gốc, ít khi cùng gốc; nón hình kim tự tháp. Hạt hình trứng nhỏ 3-6 x 2-5mm, hơi dẹt, đỉnh tù, có hốc chứa nhựa.
 
Cây thích ánh sáng toàn phần, thời gian chiếu sáng và cường độ chiếu sáng cao trong điều kiện đất ẩm, mát và đủ dưỡng chất sẽ giúp cây cây sinh trưởng phát triển rất khỏe. Cây có thể sống được trên đất kiềm hoặc axit, chịu nhiệt độ cao và chịu được hạn dài ngày, nhưng không chịu úng. Tuy thế, đối với những cây mới trồng năm đầu tiên, cần được tưới đủ ẩm và thường xuyên.
 
Cây thường được nhân giống bằng cách giâm hom rễ hoặc gieo hạt, nhưng cần chú ý hạt khó bảo quản, dễ mất sức nảy mầm.
 
Thông thường, cây được chọn trồng làm cảnh để tôn tạo cảnh quan sân vườn, tạo đường viền hay các cụm xanh, đồng thời cũng được dùng làm vật liệu để tạo cây bonsai. Cây có tuổi thọ cao, dễ uốn nắn tạo hình nên trồng làm cây bonsai dễ tạo ra những mẫu đẹp, có giá trị cao.
 
Dịch chiết từ lõi thân của cây có chứa nhiều dược chất có giá trị trong y học như quercetin, naringenin, taxifolin, aromadendrin và isoquercitrin.
 
Ở Huế, bút tùng rất được ưa chuộng. Chúng ta có thể tìm gặp từ nhiều công viên đến sân vườn các biệt thự, chùa chiền. Cách đây không lâu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng một vành đai xanh cho Đàn Nam Giao bằng cây bút tùng. Điều còn lại là hầu như chưa có một vườn ươm cây cảnh nào ở Huế sản xuất hàng loạt bút tùng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Để có số lượng lớn như trường hợp trồng làm đai xanh ở Đàn Nam Giao, chúng ta phải mua từ một tỉnh bạn ở phía Bắc.
 
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top