ClockThứ Sáu, 08/03/2013 11:55

Cả cuộc đời vì con

TTH - Có một điều mà nhiều phụ nữ ngày nay chiêm nghiệm: "Có khổ mấy cũng gắng nuôi con học hành. Chỉ có con đường học vấn mới dễ dàng giúp con cái mình trên con đường lập thân, lập nghiệp". Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, các bậc làm cha, mẹ, đặc biệt là người mẹ luôn cố gắng xoay xở để lo cho con cái học hành được tốt nhất.

Một đời vì con

Ở thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền nhiều người thường nhắc đến gia đình chị Nguyễn Thị Lựu. Chỉ là những người nông dân bình thường, suốt ngày vất vả một nắng hai sương, nhưng điều mà mọi người cảm phục vợ chồng chị là ý thức vượt khó nuôi con ăn học. Ngày trước hoàn cảnh khó khăn, không thể học hành đến nơi, đến chốn nên nhận thức về mọi lĩnh vực của vợ chồng chị Lựu có phần hạn chế, thêm vào đó, sau khi lập gia đình, ảnh hưởng của tâm lý sinh con trai nên vợ chồng chị cứ gắng sinh thêm cháu thứ 3, rồi thứ 4. Gắng nhiều nhưng cuối cùng vẫn là con gái. Thương mấy đứa con, chị Lựu và chồng quyết dừng lại nuôi con học hành cho tốt. Ngày lại ngày, hai vợ chồng xoay xở lo việc đồng áng và chăn nuôi thêm để có tiền cho con ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, các con của chị Lựu đều cố gắng học tập và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Hiện nay, cháu đầu đã tốt nghiệp Khoa Hóa Trường đại học Sư phạm Huế, hai cháu tiếp theo cũng theo học các trường đại học tại Huế. Chị Lựu tâm sự, mỗi lần nhận được giấy báo con đậu đại học, mừng không khôn xiết, nhưng cũng hiểu rằng gánh nặng đang đè lên đôi vai mình. Có những lần kẹt tiền quá, chị phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn hàng xóm để các con có tiền đóng học phí. Trong những lúc khó khăn như vậy, chị Lựu càng thấy sinh nhiều con là khổ, nhưng điều đáng nói là chị đã cố gắng vươn lên để làm chỗ dựa tinh thần, vật chất cho con và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Nhận xét về tấm gương vượt khó nuôi con của chị Nguyễn Thị Lựu, chị Hà Thị Bích Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Hiền nói rằng: “Chị Lựu là tấm gương sáng để những chị em trong xã noi theo. Riêng Hội Khuyến học của xã cũng đã tôn vinh gia đình chị là gia đình hiếu học”.
 

Cán bộ phụ nữ tham gia hội nghị trực tuyến về phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước

 
Trước đây, khi về dự đại hội phụ nữ ở phường Phú Hội (TP Huế), chúng tôi cũng đã rất xúc động khi nghe chị Nguyễn Thị Ngọc Hương kể về hoàn cảnh gia đình, nhất là lúc chồng mất để lại cho chị mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, người phụ nữ ấy vừa lo việc đi dạy, vừa buôn bán để có tiền chu cấp cho các con học hành thành đạt. Sự hy sinh thầm lặng của chị cũng được đền đáp một cách xứng đáng. Các con chị học rất giỏi, đều đỗ vào đại học có tiếng, có cháu còn tu nghiệp thạc sĩ tại Úc. Điều đáng nói, sau khi có việc làm ổn định, các con chị sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng giúp đỡ nhiều học sinh nghèo học giỏi và những trường hợp phụ nữ khó khăn. Mới đây, khi chúng tôi liên lạc để gặp chị hỏi thêm về cuộc sống hiện tại, Hội LHPN phường Phú Hội cho biết, chị đang ra nước ngoài du lịch và thăm con.
 
Đầu tư cho con là đầu tư “có lãi” nhất
 
Nhìn vào thực tế hiện nay, việc cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con em ngày càng thể hiện rất rõ, không ít người mẹ còn nói thẳng rằng: “Đầu tư cho con cái là đầu tư có lãi nhất”. Nhiều người mẹ đã có những cách dạy con đáng phải học tập. Chị Lê Thị Quỳnh Trang (Hội Phụ nữ Công an TP Huế) nói rằng, ở tuổi con đang đi học, chị chọn cho con phong cách tư duy độc lập, ý thức làm chủ chính mình, còn vợ chồng chị chỉ định hướng, khơi gợi để các con suy nghĩ và hành động. Ngoài việc tạo nền nếp trong sinh hoạt, chị chú ý gần gũi, quan tâm để con có thể chia sẻ về chuyện trường, chuyện bạn. Từ đó, định hướng con phát triển cân bằng trong thời kỳ thay đổi của tuổi “teen”. Để “bồi dưỡng” cho con món ăn tinh thần, chị còn công phu rèn luyện cho hai con lòng đam mê sách báo và đó cũng chính là những món quà, phần thưởng của vợ chồng chị thường tặng cho hai con. Với cách dạy con như thế, hai đứa con của chị Trang rất say mê học tập, hiện đang theo học tại Trường THPT chuyên Quốc Học và Trường THCS Nguyễn Tri Phương.
 
Về các vùng nông thôn, chuyện những vợ chồng vượt khó, đặc biệt là người mẹ tần tảo không ngại sớm khuya để nuôi con không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, không ít người còn nhận xét “đó là chuyện thường ngày ở huyện”. Càng ngày càng có nhiều học sinh vùng nông thôn thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều thủ khoa, á khoa, là minh chứng cho nghị lực của các em học sinh nông thôn cũng như sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của người mẹ.
 
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, do nhận thức hạn chế không thực hiện KHHGĐ và những lý do khác đã khiến một số bà mẹ ít quan tâm đến việc giáo dục con cái, dẫn đến trẻ ham chơi, thậm chí bỏ học, rơi vào con đường phạm tội... Vì vậy, hơn ai hết các bậc phụ huynh, nhất là người mẹ dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sát cánh và nỗ lực nuôi dạy con cái thành người.
Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top