ClockThứ Ba, 30/08/2016 06:19

Cá đặc sản nước lợ lại lên ngôi

TTH - Sau một thời gian “tạm lắng” vì sự cố môi trường biển, người dân bắt đầu trở lại nuôi cá đặc sản nước lợ, như cá mú, dìa, chẽm, hồng, nâu, vẩu…

Những ngày này, ông Nguyễn Cát ở thôn Tân Bình, xã Lộc Bình (Phú Lộc) rất phấn khởi khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nguồn nước biển đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản. “Không riêng gì tôi mà tất cả các hộ nuôi cá đặc sản nước lợ đều vui. Mấy tháng nay, cá “bí” đầu ra nên không thể tiếp tục nuôi vụ mới. Nay tuy giá chưa cao như trước, nhưng các thương lái bắt đầu thu mua cá nước lợ. Người dân đang tẩy rửa lồng bè, chuẩn bị mua giống thả nuôi vụ mới”, ông Cát chia sẻ.

Thu hoạch cá chẽm

Lãi 45-50 triệu đồng/lồng

Ông Cát bảo rằng: “Nuôi cá đặc sản nước lợ không khó. Trước đây, khi mới tham gia mô hình thí điểm, tôi rất lo ngại, không biết hiệu quả thế nào vì các đối tượng nuôi rất mới. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cộng thêm tự tìm tòi, học hỏi nên chỉ sau 6 tháng nuôi đã cho thu hoạch. Môi trường nước tại địa bàn khá ổn định, thuận lợi cho các loài cá nước lợ nên ít dịch bệnh, tỷ lệ sống khá cao…”. Vụ cá vừa thu hoạch, hộ ông Cát nuôi một lồng cá vẩu khoảng 200 con, chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng, thu lãi đến 50 triệu đồng. Hộ ông Lê Viết Khánh ở xã Lộc Bình cũng nuôi quy mô tương tự, thu lãi 45 triệu đồng. Ông Khánh tâm sự: “Sau nhiều vụ nuôi tôm thua lỗ, nợ nần, nay mô hình nuôi cá vẩu mở ra nhiều triển vọng cho gia đình, cũng như bà con địa phương”.

Ông Lê Đức Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình cho biết, Lộc Bình có nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản, trong đó cá nước lợ là đối tượng chính. Từ một số mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, toàn xã có hàng trăm lồng cá các loại như vẩu, dìa, kình, hồng, mú… Nuôi cá lồng bước đầu cho thấy ổn định và bền vững. Nhiều hộ nuôi từ 2-3 lồng đều thoát được nghèo. Chính quyền địa phương đang tiếp tục khai thác tiềm năng, phối hợp với các ban ngành chức năng, tổ chức tham quan, tập huấn kỹ thuật để nhân rộng các mô hình…

Ông Lê Đức Tấn, cán bộ kỹ thuật của Trại Giống thủy sản Vân Nam, xã Phú Thuận (Phú Vang) thông tin, cá giống tại đây đáp ứng 60-70% nhu cầu nuôi trên địa bàn toàn tỉnh nhiều loại giống thủy sản có giá trị kinh tế như cá chẽm, mú, hồng mỹ, đối, nâu, dìa... Khi diện tích nuôi mở rộng, trại sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Thu hoạch cá mú

Cần đầu ra ổn định

Cùng với cá vẩu, các mô hình nuôi cá dìa, cá hồng mỹ, cá đối mục, cá mú, nâu… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, các loại cá đặc sản “bơi” đến tận các nhà hàng, khách sạn…

Hầu hết các địa phương vùng ven biển, đầm phá đến nay đã nuôi các loại cá đặc sản. Tính riêng tại các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương, Hương Phong (TX. Hương Trà), xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An (Phú Vang), xã Lộc Bình, hay thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc)… có đến hàng ngàn lồng cá nuôi nước lợ, bình quân mỗi năm trên 2.000 tấn sản phẩm, chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các thương lái ở Đà Nẵng. Giá thị trường hiện nay, mỗi ký cá đặc sản dao động từ 150 - 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, có thời điểm giá vẫn bấp bênh, đầu ra không ổn định, do người dân chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, trước nhu cầu đời sống ngày càng cao, không có con đường nào khác là phải đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại cá “đặc sản” để cung ứng nhu cầu tiêu thụ. Mấy năm gần đây, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sản xuất thành công nhiều giống thủy sản nhân tạo, có giá trị kinh tế cao. Ban đầu, chủ yếu là các loại cá ong, dìa, rô phi đầu vuông, nay hàng loạt mô hình nuôi cá mú, cá vẩu, cá hồng mỹ, chim trắng… lần lượt ra đời, mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng cho người dân.

Trong khi xu hướng nuôi cá nước lợ đang ngày càng phát triển mạnh, các địa phương, ban ngành cần đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản một cách đồng bộ, quy hoạch vùng nuôi hợp lý. Quá trình sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua… để được sự hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

“Qua các vụ nuôi cho thấy, các loại cá đặc sản rất thích hợp với nguồn nước, môi trường vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nên đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao… Mặc dù các mô hình nuôi cá “đặc sản” đã khẳng định hiệu quả, song người dân còn thiếu mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, bán ở các tỉnh khác chưa nhiều...”.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao đổi.

Bài, ảnh: Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Kỷ nguyên vàng” của tuyển Pháp và Deschamps

Nếu tuyển Pháp một lần nữa đăng quang tại World Cup 2022 thì có thể nói giai đoạn 1998 - 2022 sẽ còn được nhắc đến như “kỷ nguyên vàng” của những chú gà trống Gô-loa. Với huấn luyện viên Deschamps, đó sẽ thêm một câu chuyện đi vào lịch sử.

“Kỷ nguyên vàng” của tuyển Pháp và Deschamps
Thanh toán qua mã QR “lên ngôi”

Thanh toán không tiền mặt đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng bởi tính tiện lợi, chỉ cần mang theo thẻ tín dụng hoặc điện thoại. Đáng chú ý, việc thanh toán bằng mã QR hiện đang "lên ngôi" trong các hình thức thanh toán hiện đại.

Thanh toán qua mã QR “lên ngôi”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top